Người hùng trong chiếc áo choàng rác thải

Không cần mặc áo choàng như Superman, bạn vẫn có thể trở thành siêu anh hùng giải cứu thế giới. 17 năm qua, Modou Fall, một cựu quân nhân Senegal, đã khoác lên mình bộ trang phục làm từ rác thải nhựa và đi khắp đất nước để vận động người dân bảo vệ môi trường.
0:00 / 0:00
0:00
Sự nổi tiếng của Modou Fall bùng nổ theo số km ông đi qua. Ảnh: AP
Sự nổi tiếng của Modou Fall bùng nổ theo số km ông đi qua. Ảnh: AP

Lời kêu gọi vang trên những bờ cát

Một buổi sáng đầy nắng trên bãi biển Yarakh, phía đông Thủ đô Dakar (Senegal), Modou Fall cẩn thận buộc chặt những sợi chỉ trên bộ trang phục làm từ hàng trăm mảnh rác thải nhựa được dán vào nhau. Cựu quân nhân 50 tuổi, sau đó, tự hào đeo lên cổ tấm Huân chương Công trạng quốc gia. Dưới cái nhìn chăm chú của những người có mặt trên bãi biển, Fall quàng lên trước ngực thứ phụ kiện cuối cùng, đó là tấm biển ghi dòng chữ: "Nói không với túi nhựa!"

Ở Senegal, mọi người gọi Modou Fall là "Người nhựa". Trong 17 năm qua, "Người nhựa" đã đi dọc các bãi biển của Senegal, để vận động nâng cao nhận thức về tình trạng ô nhiễm do rác thải nhựa gây ra.

"Cái này đến từ Mauritania" - Modou Fall nói, chỉ vào một chiếc túi mầu vàng, bị mắc vào lưới đánh cá của ngư dân trên bờ biển Yarakh. Bãi biển này từng là địa điểm rất thu hút du khách nhờ bờ cát mịn và những con sóng dịu dàng. Nhưng nay, cảnh tượng dễ thấy nhất ở Yarakh là những đống rác thải nhựa, cũng như những dòng nước thải ô nhiễm từ thành phố đổ ra.

"Mỗi ngày, năm triệu túi nhựa bị vứt bỏ ở Dakar. Mỗi năm, Senegal tạo ra 200 nghìn tấn rác thải nhựa. Đó là một tai họa" - Fall nói. Đúng lúc ấy, ba ngư dân đi ngang qua, dừng lại để bắt tay động viên ông. Một người trong số họ nói: "Bác cố lên nhé! Tiếng nói của bác rất quan trọng. Việc đánh cá bây giờ khó khăn lắm. Kéo lưới lên, toàn thấy rác thải nhựa". "Thứ đó là chất độc đối với hành tinh này và đặc biệt nguy hiểm đối với sức khỏe con người" - Fall đáp lời, trong tiếng vỗ tay của "cử tọa". "Và mỗi chúng ta, vì thế, phải có trách nhiệm ngăn chặn thảm họa" - ông kết luận.

Người hùng trong chiếc áo choàng rác thải ảnh 1

Ở Senegal, mọi người gọi Modou Fall là "Người nhựa".

Cuộc chiến sống còn

Lần đầu tiên, Fall nhận thấy tác hại của nhựa là vào năm 1998, trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự. Khi ấy, Fall đóng quân ở vùng nông thôn phía đông Senegal, nơi ông nhìn thấy những con bò bị ốm sau khi ăn phải các mảnh túi nhựa vương vãi khắp nơi.

Ra quân, Fall bán áo phông tại chợ Sandaga ở Thủ đô Dakar, nơi hàng trăm thương nhân thường đóng gói hàng hóa bằng những túi nhựa, rồi vứt chúng ra đường. Trong nhiều tháng, Fall đã cố gắng thuyết phục để những người này nhận ra mối đe dọa môi trường do rác thải nhựa. Nhưng, không ai lắng nghe. Chán nản, một ngày nọ, Fall quyết định thử làm gương. Ông tự mình dọn sạch toàn bộ khu chợ. "Tôi mất 13 ngày, nhưng đã làm được" - ông kể.

Tuy rác thải nhựa vẫn cứ chất chồng khắp khu chợ, nhưng có điều, Fall đã thành công trong việc khiến một số chủ cửa hàng phải suy nghĩ lại. Và từ đó, việc ngăn chặn rác thải nhựa trở thành "cuộc chiến sống còn" của ông. Fall khẳng định: "Nếu cứ tiếp tục như thế này, cuộc sống của các thế hệ tương lai sẽ gặp nguy hiểm". Năm 2006, ông vét số tiền tiết kiệm của mình, chỉ hơn 500 USD, để thành lập nhóm "Senegal Propre" (Senegal sạch) nhằm đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền.

Nhóm của ông đã trồng hàng trăm cây xanh khắp thành phố và tổ chức các chiến dịch thu nhặt lốp xe ở những khu dân cư tại Dakar. Với rác thải nhựa và lốp xe cũ, họ tái chế thành gạch lát đường và ghế, rồi bán chúng lấy tiền mua cây trồng cho các trường học.

Vào năm 2011, Fall nảy ra ý tưởng táo bạo về bộ trang phục nổi tiếng khiến ông trở thành "Người nhựa". Lấy cảm hứng từ "Kankurang" - một nhân vật truyền thuyết trong văn hóa Senegal luôn mặc một tấm vải liệm bằng cỏ dệt và ngự trị ở những khu rừng thiêng, ông may cho mình một bộ quần áo làm từ các túi nhựa phế liệu. "Kankurang chống lại ma quỷ và giảng dạy các giá trị cộng đồng. Tôi muốn hành động như Kankurang" - Fall giải thích. "Tôi là một nhà giáo dục, một người bảo vệ môi trường".

Từ năm 2011 đến 2014, "Người nhựa" xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ những bãi biển đầy rác tới các trường học và những giải thể thao tại Senegal. Sự nổi tiếng của Fall bùng nổ theo số km ông đã đi qua. Thậm chí, phong cách kỳ quặc của ông dần trở thành "hot trend" trên các phương tiện truyền thông cũng như mạng xã hội, thu hút hàng chục nghìn người theo dõi.

Không gì ngăn được "Người nhựa"

Tất nhiên, như mọi cuộc chiến, hành trình của người lính ấy không dễ dàng. "Tôi thường bị coi là một kẻ điên. Ngay cả hôm nay, vẫn không ít người chế giễu tôi" - Fall nói. "Có những thời điểm tôi chỉ đến sự kiện nơi đông người, vì ra ngoài một mình rất nguy hiểm. Tôi từng bị các doanh nhân giam giữ trái phép, rồi bị nhiều nhà sản xuất nhựa dọa giết".

Nhưng khó khăn và nguy hiểm không làm Fall nản lòng. Ông tận dụng mọi cơ hội xuất hiện ở những sự kiện gây chú ý, nhằm tuyên truyền về rác thải nhựa. Và những nỗ lực ấy đã không uổng phí. Hiện tại, nhiều tập thể, hiệp hội và cả Quỹ Heinrich Boll của Đức đang tham gia hỗ trợ nhóm "Senegal Propre". Chính phủ Senegal cũng lắng nghe. Năm 2020, nước này đã ban hành Luật Ngăn ngừa và giảm tác động của vật liệu nhựa đối với môi trường, trong đó cấm đồ nhựa sử dụng một lần, chẳng hạn như cốc, thìa hoặc ống hút, đồng thời loại bỏ hoàn toàn túi nhựa khi thanh toán.

Bản thân Modou Fall năm 2016 cũng được chính phủ ghi nhận với tấm Huân chương Công trạng quốc gia, để vinh danh nỗ lực bảo vệ môi trường của ông. Phát biểu về ảnh hưởng của mình tới các nhà làm luật, Fall tự hào: "Luật tốt vẫn còn đất sống. Đó là lý do tôi cũng sẽ tiếp tục hành trình".

Nói là làm, năm nay, Fall có kế hoạch đi bộ qua quãng đường 250km giữa Dakar và Saint-Louis, để tiếp tục vận động về rác thải nhựa. Chắc chắn đấy là một hành trình vất vả, vì "Người nhựa" không còn trẻ. "Gia đình tôi cũng lo lắng. Nhưng đây là cuộc chiến mà tôi không dừng lại được" - người lính nói, mắt lóe lên những ánh kiên cường.