Những tuyến đường đứt gãy
Đó là tuyến đường GTNT cửa khẩu Bờ Y (xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi), một trong những công trình thuộc 52 dự án được tỉnh Kon Tum đầu tư về giao thông, điện nước, khu kiểm soát cửa khẩu, với tổng vốn giải ngân hơn 1.400 tỷ đồng. Cụ thể, đường I-1, D7, D8 được thi công trên sườn đồi thoai thoải hoặc đi qua đập ngăn hồ nước nhỏ nhưng mưa đã trôi đất, đường bật bung, gãy gập.
]Công trình đường vào khu dân cư I-1, phía sau tòa nhà Hải quan cửa khẩu Bờ Y, dài hơn 250 m, nền đường rộng 7,5 m, đưa vào sử dụng từ ngày 26-9-2014, hiện hết bảo hành. Tại cung đường này, toàn bộ mặt đường dài hơn 200 mét bể nát, sụt xuống ta-luy âm với độ sâu khoảng 7 m. Nhiều mảng bê-tông gãy trơ sắt. Tại lối rẽ từ đường 40 vào đường I-1 có hai sợi dây mỏng manh buộc ngang như thông báo không được đi vào, nhưng từ trong thôn đi ra không có cảnh báo nào. Các tấm bê-tông phía trong bị sụt, nhìn như một cây cầu đúc hẫng.
Lối rẽ từ đường 40 vào đường D8, cống nước Âu Cơ và mặt đường D8 vỡ toang, chỉ còn một diềm mỏng với tấm biển “Đi lối này”, tức là đi trên “con đường sợi chỉ” chưa đổ sụp đó. Theo biên bản kiểm tra hiện trạng của cơ quan chức năng, đường D8 dài hơn 1,7 km, sạt lở 1.200 m3, diện tích bê-tông mặt đường hư hỏng 100 m2; đường D7 dài hơn 1 km, sạt lở 1.400 m3, sạt lở nền đường mái ta-luy âm 47 m. Được biết, đoạn đường do Sở Giao thông vận tải (GTVT) Kon Tum làm chủ đầu tư, nhiều nhà thầu thi công, trong đó có Công ty TNHH Tuấn Dũng và Công ty cổ phần Cầu đường New Sun. Đoạn đường hết hạn bảo hành từ tháng 9-2017. Ngày 20-8-2018, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum có tờ trình gửi lên UBND tỉnh xin kinh phí 5 tỷ đồng để khắc phục…
Từ ngày sạt lở (14-7-2018) đến nay, tỉnh lộ 674 dài 36 km, nối từ thôn Tam An, xã Sa Sơn đến làng Rẽ, xã Mo Rai (huyện Sa Thầy) chưa khắc phục hoàn toàn. Đây là tuyến rút ngắn khoảng cách giao thông chỉ còn một nửa từ xã đến trung tâm huyện. Bởi thế, khi đường chưa được khắc phục, nhiều người vẫn liều mình vượt cung đường này. Sau gần ba tháng, đường tạm thời thông tuyến cho các phương tiện đi qua.
Ngày 10-10, chúng tôi có mặt tại điểm sạt lở ta-luy dương dài gần 30 m, cách thôn Tam An (xã Sa Sơn) 4 km. Nơi đây, đống đất sạt lở phía ta-luy dương vẫn cao chất ngất. Ông Nguyễn Hữu Dũ, Phó Trưởng ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện Sa Thầy (Kon Tum), cho biết: “Chúng tôi chỉ đạo tạm thời gạt nhanh đất đá sạt lở nhằm thông tuyến cho người dân qua lại”.
Tỉnh lộ 674 do UBND huyện Sa Thầy làm chủ đầu tư có chiều dài 36 km, vốn đầu tư 482 tỷ đồng. Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện Sa Thầy được UBND huyện giao đại diện, hai đơn vị thi công là Công ty CP Trường Long và Công ty TNHH Tuấn Dũng. Chứng kiến cảnh giáo viên, người dân đi xe máy qua đoạn đường sạt lở, tuy đã thông tuyến nhưng vẫn lầy dính, trật trẹo, xe quay ngang hoặc trượt ngã, chúng tôi đặt câu hỏi với ông Nguyễn Ngọc Sâm, Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy, được ông cho biết: “Mới có nắng ráo vài bữa nay. Tôi đã chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương thông đường”. Vì sao có sự chậm chạp sau vụ sạt lở kéo dài trong suốt ba tháng qua, đến nay mới tạm thông xe? Ông Sâm giải thích: “Do mưa kéo dài suốt ba tháng nên chưa làm triệt để”.
Nắng ráo đã về với Kon Tum hơn một tuần, những điểm sạt lở trên tỉnh lộ 674 tạm thời thông xe. Tuy nhiên, các đơn vị thi công rút hầu hết máy móc, công nhân trên những điểm này. Quan sát mặt đường hoàn thiện, đoạn thảm bê-tông, đoạn đổ nhựa, kích cỡ cũng khác thường, đoạn đổ bê-tông to, rộng, đoạn đổ nhựa nhỏ hẹp. Những chỗ ta-luy âm, vực sâu không có lan-can chắn, chưa bảo đảm an toàn.
Chúng tôi kết nối liên lạc với ông Bùi Văn Hùng, Giám đốc Công ty CP Trường Long. Sau khi nghe câu hỏi về tình trạng mặt đường, chất lượng công trình, điểm sạt lở vẫn còn khá nguy hiểm…, phía đầu dây bên kia đột ngột mất tín hiệu. Và vì vậy, chúng tôi chưa có được câu trả lời thuyết phục về các tuyến đường nói trên, đoạn nào sạt lở, hư hỏng là do thời tiết, đoạn nào do thi công, tại sao chậm khắc phục…
Đường tiền tỷ chọn nhà thầu non kém
Những năm gần đây, tỉnh Kon Tum được Chính phủ chú trọng phát triển giao thông, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, điều nghịch lý là đầu tư vốn lớn nhưng hiệu quả thấp, làm thất thoát, lãng phí hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước.
Dự án đường giao thông nông thôn loại A Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh dài gần 59 km, có tổng vốn đầu tư 1.364 tỷ đồng, được khởi công xây dựng từ năm 2009, hoàn thành cuối năm 2016, do Sở GTVT Kon Tum làm chủ đầu tư. Đường sử dụng chưa bao lâu thì xuống cấp nghiêm trọng. Trong mùa mưa năm 2018, tuyến Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông) - Ngọc Linh (huyện Đắk Glei), từ km0+00 - km21+495, thuộc dự án Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh) dài 21 km, giá trị xây lắp 479 tỷ đồng, bị sạt lở nặng, đất đá tràn xuống đường.
Vừa qua, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) phát hiện nhiều sai phạm trong xây dựng, quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án này. Cụ thể, công tác lập thẩm định, phê duyệt dự án thiếu chặt chẽ khiến phải điều chỉnh phê duyệt các tiểu dự án 1, đồng thời phải khảo sát, thiết kế thêm đoạn tuyến làm phát sinh 4,4 tỷ đồng ngân sách nhà nước; thiếu nội dung khảo sát về kinh tế, chưa xác định lưu lượng xe thiết kế, nhu cầu vận tải nên chưa đánh giá tính khả thi của dự án cũng như lựa chọn cấp đường thiết kế…
Theo KTNN, dự án này chưa bảo đảm tính cạnh tranh công nghệ, nhà thầu chưa có kinh nghiệm thi công xây dựng nhưng được chấm trúng thầu. Công tác ký kết hợp đồng, các gói thầu xây lắp tại tiểu dự án 2 chậm tiến độ, gia hạn nhiều lần nhưng chủ đầu tư không làm rõ nguyên nhân để xác định trách nhiệm, xử lý. Việc gia hạn hợp đồng thi công chỉ căn cứ biên bản làm việc giữa chủ đầu tư và đơn vị thi công với nguyên nhân mưa liên tục kéo dài ba tháng là chưa phù hợp. Có hạng mục, việc thanh toán khối lượng không căn cứ vào tỷ lệ đất, đá thực tế mà ước tính chung chung là chưa tuân thủ quy định của Bộ Xây dựng…
Với những sai phạm trên, đối với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Kon Plông (tiểu dự án 1), KTNN kiến nghị thu hồi ngân sách số tiền hơn 477 triệu đồng. Đối với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Kon Tum (tiểu dự án 2), KTNN kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước gần 46 tỷ đồng; tổ chức thu hồi gần 760 triệu đồng đối với gói thầu lập phương án, dự toán chi phí đo đạc bản đồ địa chính, cắm cọc giải phóng mặt bằng.
KTNN cũng đề nghị Sở GTVT Kon Tum làm rõ trách nhiệm cá nhân và tập thể trong việc chậm tiến độ hoàn thành công trình mặc dù được bố trí đủ vốn đầu tư xây dựng, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc nghiệm thu thanh toán sai cấp đất, đá cho hạng mục đào phá đá nổ mìn.
Đối với UBND tỉnh Kon Tum, KTNN kiến nghị chỉ đạo các đơn vị tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tập thể và cá nhân liên quan các sai phạm phát hiện qua kiểm toán. Đặc biệt, chỉ đạo Sở GTVT tỉnh Kon Tum tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cá nhân giám đốc Ban quản lý dự án 1 và các tập thể, cá nhân có liên quan các sai phạm trên gây thất thoát ngân sách nhà nước…
Đề cập chung những tuyến đường hư hỏng, ông Lê Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Kon Tum, cho biết: “UBND đã lên kế hoạch, giao cho Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão rà soát thống kê toàn bộ thiệt hại. Theo đó, sẽ tham mưu cho UBND, cái nào do thiên tai sẽ được hỗ trợ, cái nào do bên thi công, bên thi công phải bỏ tiền khắc phục”.
Liên quan tuyến giao thông Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh, theo Công văn số 2616/UBND-KT, UBND tỉnh Kon Tum giao Sở Nội vụ tham mưu đề xuất UBND tỉnh xem xét, xử lý tập thể, cá nhân sai phạm theo quy định hiện hành, báo cáo kết quả xử lý về Sở Tài chính trước ngày 10-10-2018. Tuy nhiên, theo Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Đăng Trình, vẫn chưa có kết quả xử lý, dù UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu các Sở Tài chính và Nội vụ theo dõi, đôn đốc các đơn vị liên quan, tham mưu để UBND tỉnh báo cáo KTNN trước ngày 25-10-2018.