Nghĩa tình Hòn Chuối...

Chúng tôi, tàu Hải quân trong chuyến thăm, tặng quà Tết cuối năm 2023, phải mất hai lần “chuyển đò” mới có thể lên đảo Hòn Chuối. Lần một từ tàu lớn sang ghe cá của ngư dân. Lần hai, gần đến đảo lại chuyển từ ghe cá sang chiếc ghe nhỏ hơn mới cập được vào bãi đá… Hòn Chuối đến nay vẫn còn hoang sơ, rừng nguyên sinh rậm rạp và loài cây nhiều nhất ở đây là chuối rừng, vì thế đảo có tên Hòn Chuối.
0:00 / 0:00
0:00
Nghĩa tình Hòn Chuối...
Nghĩa tình Hòn Chuối...

1/Đảo Hòn Chuối thuộc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, cách đất liền 17 hải lý, cách đảo Hòn Khoai 35 hải lý và đảo Nam Du 48 hải lý. Vậy nên, cách dễ nhất tới đảo chính là từ hướng đất liền, cửa Sông Đốc. Đảo có diện tích khoảng 7 km2, điểm cao nhất so mực nước biển gần 170 m, độ dốc cao, vách đá dựng đứng, cheo leo. Đường lên đảo là những bậc thang mấp mô, các phương tiện giao thông như: xe máy, xe đạp… chưa xuất hiện tại đây. Cả đảo chỉ có một chiếc máy cày hỗ trợ vận chuyển vật liệu xây dựng.

Hòn Chuối không có tuyến du lịch, muốn ra đảo phải nhờ tàu của bộ đội Biên phòng, tàu Hải quân hoặc thuê tàu cá ngư dân. Hòn Chuối có ba gành: Gành Nam, Gành Chướng và Gành Nồm. Từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 âm lịch năm sau, người dân sẽ sống ở Gành Nam để tránh gió chướng. Hết tháng 3 đến trước tháng 9, dân cư lại gồng gánh về Gành Chướng để tránh gió mùa Tây Nam. Thời điểm dọn nhà đúng lúc giao mùa, bộ đội trên đảo là lực lượng chính hỗ trợ người dân di dời mái ấm.

Nguyên nhân của việc dời nhà hai lần mỗi năm chủ yếu do khí hậu khắc nghiệt và người dân cũng chưa có điều kiện để xây nhà kiên cố. Khách tới đảo sẽ thấy những ngôi nhà “tổ chim” tạm bợ bám trên vách đá: cột nhà bằng cây gỗ chống, sàn nhà bằng những mảnh gỗ ghép, mái nhà là những miếng tôn xếp lại và tường nhà là những tấm bạt quây lại tránh gió…

Cách thức đi lại của quân và dân trên đảo đều là đi bộ, leo dốc. Hòn Chuối chưa có trạm y tế, chưa có hệ thống trường học quốc gia, chỉ có một lớp học tình thương do Bộ đội Biên phòng phụ trách. Hòn Chuối chưa có điện lưới và thiếu nước ngọt. Mùa mưa, có nước thì không có điện. Mùa khô, có điện thì lại thiếu nước. Hệ thống điện năng lượng mặt trời trên đảo không thể sử dụng được vào mùa mưa nên khi cần thiết phải chạy máy phát điện. Chưa kể, thiên tai như giông, sét rất nhiều, thường xuyên làm hỏng tivi, thiết bị điện tử…

2/Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn là vậy nhưng niềm tin, hy vọng luôn được 60 hộ dân với hơn 200 người sinh sống trên đảo giữ gìn, lan tỏa. Họ hòa mình trong môi trường thiên nhiên trong lành, không cạnh tranh, không tội phạm, không gây rối trật tự. Sinh kế chính của người dân là nuôi cá lồng, đánh bắt thủy hải sản. Sản vật đánh bắt, nuôi trồng được đưa vào đất liền để bán.

Trên đảo có ba đơn vị bám trụ làm nhiệm vụ đặc biệt: Trạm Ra-đa 615 thuộc Tiểu đoàn 551, Vùng 5 Hải quân; Đồn Biên phòng 704 thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau và Trạm Hải đăng Hòn Chuối thuộc Bộ Giao thông vận tải. Cuộc sống nguyên sơ, ấm áp nghĩa tình quân dân có lẽ là điều giá trị nhất nơi đây. Họ đã dành cả thanh xuân xây đắp hạnh phúc giản đơn, cùng nhau chung tay xây dựng, bảo vệ từng tấc đất, tấc biển chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

“Ước mơ của con là trở thành bác sĩ”, đó là tâm sự của bé Phương Thảo, học sinh tiểu học trên đảo. Cô bé muốn sau này quay lại nơi đây, dựng lên trạm y tế để giúp đỡ cha mẹ, người dân bởi Hòn Chuối hiện chưa có trạm y tế. 20 năm trước, một lớp học trên đảo Hòn Chuối được dựng lên tạm bợ bằng cây lá, tạm bợ như những ngôi nhà của người dân nơi đây. Giờ đây, những ngôi nhà của người dân chưa cải thiện nhiều nhưng điểm trường đã được xây dựng khang trang.

Thầy giáo quân hàm xanh - Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Trần Bình Phục ngày ngày đứng lớp. Đã có lúc anh bận công tác phải vào đất liền, đồng đội đứng lớp dạy thay. Nhưng hiện tại, người lính ấy đã trở lại, tiếp tục trách nhiệm người thầy truyền kiến thức để ước mơ của các em nhỏ trong tương lai có thể bay cao, bay xa.

Lớp học tình thương của thầy Trần Bình Phục có 3 chiếc bảng dài được gắn vào ba bức tường, mỗi chiếc bảng lại chia thành 2-3 phần, mỗi phần có một nội dung học khác nhau. Một lớp học có chưa tới 20 học sinh, nhưng chia ra đến 7 lớp, từ lớp 1 đến lớp 7. Thầy Phục dạy cùng lúc cả 7 lớp. Thầy chia sẻ: “Học trò học ở đảo, rồi vào đất liền học tiếp. Ngắm những tấm giấy khen học trò mang đến khoe, tôi mừng muốn rớt nước mắt. Hạnh phúc của tôi giờ chính là lớp học nhỏ này”.

Địa hình đảo còn nhiều hiểm trở, nhất là vào mùa mưa gió lớn, không an tâm cho trẻ nhỏ tự đi qua những đoạn dốc để đến lớp, mỗi sáng cứ tầm hơn 6 giờ là học trò tập trung dưới chân đảo để các chú bộ đội xuống dắt lên lớp học. Em nào nhỏ quá, các chú cõng trên vai. Cứ thế hằng ngày, đưa trẻ lên học xong, thầy giáo quân hàm xanh lại đưa trẻ về với gia đình. Đã có nhiều thế hệ học sinh chuyển vào đất liền, học tiếp lên đại học và ổn định cuộc sống.