Nâng cao trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy

Một trong những khâu quan trọng nhất trong công tác phòng cháy, chữa cháy là thẩm định hồ sơ phòng cháy và chữa cháy.
0:00 / 0:00
0:00

Theo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ năm 2024, có ba cơ quan chức năng chính tham gia thẩm định. Cơ quan chuyên môn về xây dựng (Bộ Xây dựng), cơ quan đăng kiểm (Bộ Giao thông vận tải) và cơ quan công an (Bộ Công an)…

Thực tế những vụ cháy nổ gây hậu quả nghiêm trọng gần đây liên quan đến các công trình, nhà xưởng, khu vực dịch vụ… Đây là mảng thẩm định chính thuộc về Bộ Xây dựng và Bộ Công an. Vẫn luôn tồn tại tranh cãi nhất định trong việc thẩm định. Có ý kiến cho rằng cần giao rõ đầu mối chịu trách nhiệm chính hay vẫn có những tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy chưa thật sự phù hợp, một số nội dung không thực tế, thậm chí gây khó cho doanh nghiệp...

Trong lúc những ý kiến chưa đi đến thống nhất thì xuất hiện thêm ý kiến mới đáng cân nhắc. Từ góc nhìn của nhà quản lý các khu công nghiệp, có chuyên gia cho rằng: Nhà nước không nên tham gia vào những gì mà tư nhân có thể làm rất tốt. Riêng với lĩnh vực phòng cháy, công việc thẩm định hồ sơ ban đầu có thể giao hết cho bên ngoài, chỉ với việc bắt buộc bảo hiểm cháy nổ 100% giá trị tài sản.

Như vậy có thể thấy rằng, với chức năng, nhiệm vụ hiện nay, công tác phòng cháy, chữa cháy vẫn là trách nhiệm hàng đầu của lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy với các phương tiện, thiết bị và nghiệp vụ đã được trang bị, rèn luyện và tư thế sẵn sàng khi chẳng may có sự cố. Còn với công tác phòng cháy hay khắc phục hậu quả, đền bù thiệt hại sau cháy, theo xu thế xã hội thì nên có thêm nhiều bên tham gia, nhất là thúc đẩy các hình thức xã hội hóa, tư nhân hóa.

Theo đó, tự các công ty bảo hiểm sẽ phải xây dựng cho mình đội ngũ thẩm định riêng để bán bảo hiểm phòng cháy, chữa cháy. Với trách nhiệm tự nhiên về vốn cũng như lợi nhuận, họ sẽ có tận lực với công việc thẩm định chất lượng, mức độ an toàn của việc phòng cháy của các công ty, đơn vị, khu công nghiệp... hay cá nhân có nhu cầu. Công ty bảo hiểm cũng phải liên tục giám sát việc bảo vệ, phòng ngừa nguy cơ hỏa hoạn của các khách hàng. Hiểu một cách khái quát thì các công ty này phải hết sức giữ gìn để ngăn ngừa từ mầm mống, bởi nếu xảy ra một vụ cháy lớn, đôi khi thiệt hại của công ty bảo hiểm còn lớn hơn chủ tài sản.

Bên cạnh đó, Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về phòng cháy, chữa cháy tạo nên chuẩn mực chung trong lĩnh vực. Nhưng để bảo vệ tốt hơn tài sản của mình, các doanh nghiệp thậm chí có thể thiết lập nên những tiêu chuẩn cao hơn. Đồng thời giảm mức phí bảo hiểm phải đóng cho công ty bảo hiểm.

Cháy nổ là hiện tượng khó tránh khỏi trong cuộc sống, khi mà ý thức phòng ngừa còn có lúc, có nơi hạn chế, hoặc các điều kiện, thiết bị phòng, chống và công tác giám sát vẫn chưa được chuẩn bị đầy đủ, chặt chẽ. Điều mà chúng ta cần làm là tăng nặng các chế tài xử lý đối với những hành vi vi phạm quy định phòng cháy, chữa cháy; kịp thời ứng cứu khi xảy ra sự cố và sau đó giảm thiệt hại. Ý tưởng để tư nhân tham gia sâu hơn nữa vào lĩnh vực này đáng để chúng ta cân nhắc vì không chỉ rút ngắn được quy trình, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước, mà có thể giảm thiệt hại bằng cách để các bên tự cân đối, tự nâng cao trách nhiệm khi đứng trước những ràng buộc về mặt kinh tế, chi phí cho sự an toàn của đơn vị, doanh nghiệp của mình.