Bác sĩ Sonja A.Fischer:

Nghệ thuật như là một liệu pháp tâm lý

18 năm qua, bà Sonja A. Fischer đã trở thành một người bạn của rất nhiều họa sĩ Việt Nam. Bà đã nhiều lần giới thiệu hội họa Việt Nam đương đại tại các sự kiện mỹ thuật lớn ở Đức, mở một gallery chuyên về hội họa Việt Nam (Berlin). Câu chuyện dài của chúng tôi với bà còn mở ra nhiều điều khác nữa trong hành trình đặc biệt cùng nghệ thuật và Việt Nam. 
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ thuật như là một liệu pháp tâm lý

"Tại sao Việt Nam"?

- Cú chạm đầu tiên của bà với Việt Nam là thế nào? Tôi nghĩ đó là một kỷ niệm không thể quên bởi từ đó, đã 18 năm rồi, bà gắn bó với đất nước chúng tôi.

- Tôi đến Việt Nam vào cuối năm 2004. Khi đó, cậu con trai út của tôi 18 tuổi và cậu ấy từ chối đón Giáng sinh với tôi ở Áo, lần đầu, sau nhiều năm vốn đã như một thói quen mùa Giáng sinh của chúng tôi. Vậy đấy! Tôi đã ghé vào một trung tâm du lịch đối diện với văn phòng của tôi và cũng là lần đầu tiên, tôi đặt chuyến đi 10 ngày đến Việt Nam...

Tôi đến Hà Nội, làm quen với Tươi, một nhân viên lễ tân khách sạn, chưa lập gia đình và nay thì cô ấy có hai con lớn rồi, chúng tôi vẫn là bạn của nhau. Tại nhà hàng Highway 4 ở Huế, tôi bị thu hút bởi bức tranh vẽ khung cảnh gia đình của họa sĩ Nguyễn Anh Tuấn, hình ảnh hai đứa bé, có gì đó vừa Việt Nam truyền thống mà lại vừa hiện đại. Tôi đã nhờ nhân viên nhà hàng liên hệ với ông ấy. Đó là khởi đầu cho một mối quan hệ rất đáng trân trọng của tôi tới thời điểm này. Ở Mũi Né, tôi gặp chủ nhân của một trong hai khu nghỉ dưỡng đầu tiên tại điểm du lịch này, một phụ nữ tiên phong. Chúng tôi là bạn cho đến hôm nay. Ở Hội An, tôi gặp một nhân viên lễ tân và đến nay, căn nhà của cô ấy là nơi tôi trú ngụ mỗi khi về đây.

- Tình bạn và hội họa được xem như hai sở hữu quan trọng của bà sau chuyến đi đầu tiên ấy, nhưng trước đó, bà có mối quan tâm đến mỹ thuật như thế nào?

- Tôi quan tâm đến nghệ thuật, đặc biệt là hội họa từ khi còn nhỏ. Tôi đã vượt qua một kỳ thi để trở thành giáo viên nghệ thuật nhưng sau đó, lại chọn học y khoa. Có ba họa sĩ mà tôi đã từng mua tranh của họ, trong đó có một người mà tôi mua từ hồi còn là sinh viên. Nhưng bắt đầu từ năm 2005, tôi chỉ tập trung vào hội họa Việt Nam.

- Trong sự tập trung này, có điều gì thuộc về sự khác biệt văn hóa mà bà không thể hiểu và làm thế nào để vượt qua chúng?

- Không có gì khó hiểu hoặc giống như "một cú sốc văn hóa" đâu. Tôi là người tò mò, luôn muốn biết rõ mọi thứ hơn để thuần túy là học hỏi.

Trong các đợt ghé thăm triển lãm mỹ thuật có giới thiệu họa sĩ đến từ Việt Nam, như ArtBasel ở Hồng Công (Trung Quốc) hay mỗi lần đến Việt Nam, khi thích thú sáng tác của ai đó, tôi sẽ tìm cách gặp gỡ họ trực tiếp và qua đó, mạng lưới quan hệ với họa sĩ của tôi được rộng mở dần. Cũng như những người bạn mà tôi kể ở trên, tôi đã cùng họ trải nghiệm. Cuộc sống có lúc vui lúc buồn và thế là, tôi thêm hiểu Việt Nam.

- Ta sẽ tập trung vào câu chuyện nghệ thuật của bà với Việt Nam. Bà không chỉ sưu tập mà còn mở một gallery chuyên về mỹ thuật Việt Nam ở Đức. Việc kinh doanh này có khó khăn gì và thuận lợi gì, thưa bà?

- Vậy là lại chạm đến một điều thất vọng của tôi: chuyện sao chép tranh. Tôi đã mua hai bức tranh có ký tên của một họa sĩ khá nổi tiếng, trong lần đầu tiên đến Hà Nội. Người bán tranh nói họa sĩ định cư ở nước ngoài rồi, khi nghe tôi nói muốn gặp họa sĩ. Nhưng sau đó, trên một chuyến bay quay lại Việt Nam, đọc bài báo về họa sĩ ấy trên tạp chí Heritage, tôi biết mình đã bị nói dối. Tôi tìm gặp bằng được họa sĩ này và thế là, triển lãm của ông là chương trình khai trương gallery của tôi, năm 2015, khi đó đặt tại Hamburg.

Thực tế ấy khiến tôi trở thành "người phụ nữ tiên phong", tương tự như cô bạn hồi tôi gặp lần đầu ở Mũi Né... Đến năm 2019, mọi thứ bắt đầu tốt đẹp hơn, tôi thậm chí còn chính thức khai trương một chương trình lưu trú nghệ sĩ ở Hội An vào ngày 5/10 năm đó nhưng đúng là, đại dịch Covid-19 đã khiến tất cả chúng tôi bị bất ngờ…

Việc bán các tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam tại Đức không dễ dàng. Nhắc đến châu Á nói chung, người Đức quan tâm đến nghệ thuật Nhật Bản và Hàn Quốc nhưng hầu như không biết về nghệ thuật Việt Nam. Chưa kể thông tin về những bê bối tranh Việt Nam bị làm giả hoặc bị sao chép cũng loang đến Đức... Nhưng đến nay, mọi thứ có vẻ dần tiến triển tốt hơn. Năm 2022, nghệ thuật Việt Nam đã hiện diện tại Berlin Biennale 12, Documenta 15, Venice Biennale. Riêng ở NordArt-mô hình triển lãm lớn nhất ở châu Âu về mỹ thuật đương đại trên toàn thế giới thì tôi đã đưa tranh của họa sĩ Việt Nam vào giới thiệu được 5 năm rồi.

Nghệ thuật như là một liệu pháp tâm lý ảnh 1
Sóng 1, tác phẩm của Liêu Nguyễn Hướng Dương, được bày tại NordArt 2021 qua sự giới thiệu của bà Sonja A. Fischer.

Mọi sự tốt hay xấu có phần do suy nghĩ của chúng ta

- Bà đặt gallery về hội họa Việt Nam ở ngay tại văn phòng bác sĩ của mình. Có sự kết nối đặc biệt nào ở đây, giữa công việc của một bác sĩ tâm thần và một chủ phòng tranh với các sáng tác còn xa lạ với chính bệnh nhân của mình?

- Nghệ thuật nói chung là một liệu pháp tâm lý, nói đúng hơn là một phần kết hợp để đạt tới sự chữa lành. Tôi đã thực hành đưa nghệ thuật vào tiếp xúc với bệnh nhân tại một bệnh viện tâm thần lớn ở Bonn (Rheinische Landesklinik Bonn). Bệnh viện hiện vẫn trưng bày những bức tranh được thực hiện trong quá trình trị liệu đó. Ở thành phố Heidelberg, chúng tôi có bộ sưu tập Prinzhorn nổi tiếng, nơi các đồng nghiệp của tôi ghi lại phương pháp trị liệu tâm lý với hội họa. Phương pháp này là một đề xuất để có thể tiếp xúc tích cực với bệnh nhân và dẫn họ trở về bản thể chính mình.

Với cá nhân tôi cũng vậy, nghệ thuật luôn dẫn tôi trở lại với chính mình thông qua nhiều khía cạnh, có thể ở bức tranh này là mầu sắc, bức khác là chủ đề câu chuyện, chất liệu, kỹ thuật... W.Shakespeare đã nói đại ý: Không có gì tốt hoặc xấu mà chính ý nghĩ của chúng ta tạo nên điều đó.

- Đến giờ thì tôi đã hiểu vì sao nhiều năm qua, bà có kết nối khá chặt chẽ với Bệnh viện Tâm thần Trung ương I (Hà Nội). Bà có dự định thực hiện một kế hoạch đưa hội họa đến với bệnh nhân ở đây như đã từng làm tại Bonn?

- Tôi chia sẻ nhiều kinh nghiệm với các đồng nghiệp từng là và hiện đang là lãnh đạo bệnh viện này, có người là bạn của tôi được 11 năm rồi. Tháng 9 vừa qua, tôi đã đến đây, được giới thiệu về khung cảnh làm việc mới để tôi cân nhắc điều chỉnh thêm chương trình đã soạn thảo trước đó. Chúng tôi vẫn đang bàn bạc, hướng đến việc thực hiện vào đầu năm 2023. Chúng tôi sẽ bắt đầu với một số phương tiện và quy trình đơn giản nhất có thể để bệnh nhân ở mọi lứa tuổi đều dễ dàng tiếp cận.

Trở lại với điều mà Shakespeare từng nói, thực tế đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy tôi phát triển nhiều kỹ năng giao tiếp hơn, như mở một phòng trưng bày trực tuyến về mỹ thuật Việt Nam, và giao tiếp với tất cả qua internet, điều mà tôi vốn không quen, không thạo. Nhưng tôi đã làm bằng được. Cũng trong hai năm dịch bệnh ấy, tôi và các họa sĩ Việt Nam đã kết nối tích cực để có kết quả là triển lãm tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong tháng 11 này. Dự kiến khoảng 50% số tiền bán tranh từ tour trưng bày này sẽ được dành để tài trợ trang thiết bị y tế cho một số bệnh viện tại Việt Nam.

- Chân thành cảm ơn bà về cuộc trò chuyện cởi mở!