Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine

Sáng sớm 24/2, Nga thông báo tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây về vấn đề Ukraine âm ỉ suốt thời gian qua. Lập tức, Mỹ và phương Tây áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt Moscow.

Quân đội Ukraine tại thành phố Kharkiv của nước này. Ảnh: AP
Quân đội Ukraine tại thành phố Kharkiv của nước này. Ảnh: AP

Chiến dịch quân sự đặc biệt

Trong bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình sáng 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo triển khai chiến dịch đặc biệt nhằm bảo vệ người dân tại Cộng hòa nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng và Cộng hòa nhân dân Luhansk (LPR) tự xưng tại Donbass, miền đông Ukraine. Nhà lãnh đạo Nga tuyên bố “nước này đã, đang và sẽ tôn trọng chủ quyền của các quốc gia mới được thành lập trong không gian hậu Xô-viết”. 

Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh, tính mạng của dân thường Ukraine không bị đe dọa do phía Nga chỉ nhằm vào các mục tiêu quân sự. Ngay sau đó, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố sử dụng vũ khí chính xác nhằm vào một số cơ sở quân sự của Ukraine, áp chế các phương tiện phòng không và vô hiệu hóa cơ sở hạ tầng quân sự của căn cứ không quân Ukraine. 

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, các lực lượng của Nga đã chiếm được sân bay chiến lược Hostomel bên ngoài Thủ đô Kiev của Ukraine và cho lính dù đổ bộ vào khu vực này. Quân đội Nga đã chặn đường vào Kiev từ phía tây và lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine đã tiến công các vị trí của quân đội Ukraine với sự hỗ trợ của quân đội Nga. Trong những ngày tiếp theo, Moscow thông báo lực lượng Nga đã chiếm được thành phố Melitopol thuộc vùng Zaporizhzhya, đông nam Ukraine và triển khai lính dù bảo vệ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở cách Thủ đô Kiev khoảng 100 km về phía bắc.

Ngày 26/2, Bộ Quốc phòng Nga thông báo, các lực lượng vũ trang Nga đã phá hủy 821 mục tiêu hạ tầng quân sự ở Ukraine, trong đó có 14 sân bay quân sự, 19 điểm kiểm soát và trung tâm thông tin liên lạc, 24 hệ thống tên lửa phòng không S-300 và Osa, 48 trạm radar. Ngoài ra, lực lượng Nga đã bắn hạ 7 trực thăng và 9 máy bay không người lái, phá hủy 87 xe tăng và thiết bị bọc thép, 28 hệ thống phóng tên lửa đa nòng và 118 phương tiện quân sự đặc biệt cũng như 8 tàu quân sự của Hải quân Ukraine. Cũng trong ngày 26/2, Bộ Quốc phòng Nga thông báo nối lại chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine sau khi tạm dừng hôm 25/2, nhằm chuẩn bị cho khả năng đàm phán giữa Moscow và Kiev, song phía Ukraine từ chối đàm phán. 

Sau khi Nga thông báo triển khai chiến dịch quân sự tại Donbass, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy lập tức ban bố thiết quân luật trên toàn quốc và tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Moscow. Ông Zelensky cũng ban hành sắc lệnh tổng động viên, huy động toàn bộ lực lượng quân đội. Theo sắc lệnh có hiệu lực trong 90 ngày, lính nghĩa vụ và quân dự bị ở tất cả các khu vực ở nước này sẽ được huy động.

Phản ứng của các bên

Sau thông tin về chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố, Washington và các nước đồng minh sẽ phối hợp trong phản ứng với Nga. Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã điện đàm với Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để thảo luận các phản ứng phối hợp của liên minh về chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. 

Người phát ngôn của Nhà trắng John Kirby cho biết, quân đội Mỹ đang đồn trú tại châu Âu được bổ sung thêm 7.000 binh sĩ trong tuần qua, với điểm đến là Đức, nhằm hỗ trợ NATO củng cố năng lực quân sự ở châu Âu. Bộ Quốc phòng Latvia cho biết, khoảng 40 lính Mỹ đã từ Italy tới Latvia. Đây là nhóm đầu tiên trong kế hoạch của Mỹ nhằm triển khai hơn 300 binh sĩ tới quốc gia Baltic này. Pháp cũng thông báo triển khai 500 lính cùng xe bọc thép đến Romania (khu vực giáp Ukraine) để tham gia cùng các lực lượng NATO và duy trì 200 - 250 binh sĩ cùng xe bọc thép ở Estonia, giáp biên giới Nga.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg thông báo, liên minh này đang triển khai lực lượng phản ứng nhanh để tăng cường khả năng phòng thủ cho các nước đồng minh. Đây là lần đầu NATO triển khai lực lượng này.  Theo ông Stoltenberg, NATO đã kích hoạt các kế hoạch phòng thủ, triển khai lực lượng phản ứng nhanh của NATO trên bộ, trên biển và trên không nhằm tăng cường khả năng phòng thủ và ứng phó nhanh các tình huống bất ngờ. 

Trong khi đó, Mỹ và phương Tây cùng nhiều tổ chức quốc tế tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Hội đồng Bảo an LHQ đã tiến hành bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết do Mỹ đề xuất, liên quan chiến dịch của Nga tại Ukraine. Tuy nhiên, Nga đã lên tiếng phản đối dự thảo nghị quyết này.

Hội đồng châu Âu thông báo đình chỉ mọi sự tham gia của Nga tại cơ quan này, sau một cuộc bỏ phiếu tại thành phố Strasbourg (Pháp). Đức và các đồng minh phương Tây nhất trí đưa Nga ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT, trong gói các biện pháp trừng phạt thứ ba nhằm vào Moscow. Mỹ tuyên bố sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tổng thống và Bộ trưởng Ngoại giao Nga. EU, Anh và Canada cũng thông báo về các lệnh trừng phạt tương tự nhằm vào Nga. 

Các lệnh trừng phạt trên liên quan lĩnh vực tài chính, năng lượng và vận tải của Nga, hạn chế Moscow phát hành trái phiếu chính phủ hoặc huy động vốn tại các thị trường tài chính châu Âu, cấm nhập khẩu đối với hàng hóa đến từ Donetsk và Luhansk, phong tỏa tài sản và cấm nhiều công dân Nga nhập cảnh EU. 

Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine -0
Hàng chục nghìn người Ukraine lánh nạn sang Romania. Ảnh: GETTY IMAGES 

Nỗ lực ngoại giao và nhân đạo

Nhiều quốc gia kêu gọi ngừng chiến và đề xuất làm trung gian cho cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố sẵn sàng làm trung gian giữa Nga và Ukraine để dàn xếp một thỏa thuận ngừng bắn. Ông Macron là nhà lãnh đạo đầu tiên của phương Tây điện đàm với Tổng thống Nga sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt. Tuy nhiên, Tổng thống Pháp thừa nhận cuộc điện đàm “không đạt nhiều kết quả”. Hungary cũng đề nghị đứng giữa Moscow và Kiev trong đàm phán, với lý do Thủ đô Budapest là địa điểm thích hợp và an toàn cho cuộc đàm phán này, bởi Hungary là thành viên của cả EU và NATO.

LHQ tuyên bố chi 20 triệu USD từ Quỹ Cứu trợ khẩn cấp cho hoạt động cứu trợ Ukraine, trong đó mục tiêu chính là bảo vệ người dân, trong khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đang triển khai chương trình cứu trợ trị giá 2,2 tỷ USD cho Kiev. Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách cứu trợ nhân đạo Martin Griffiths cho rằng, thế giới cần hơn 1 tỷ USD để tiến hành các hoạt động hỗ trợ nhân đạo Ukraine trong ba tháng tới, khi hàng trăm nghìn người dân nước này đã và đang tìm cách di tản. 

Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) thông báo, ít nhất 100.000 người đã rời bỏ nhà cửa ở Ukraine, trong khi hàng chục nghìn người vượt biên sang các nước láng giềng Moldova, Romania và Ba Lan. UNHCR cảnh báo, xung đột có thể khiến khoảng 5 triệu người dân Ukraine bỏ chạy ra nước ngoài. Theo số liệu thống kê, ít nhất 11.000 công dân Ukraine đã tới  Romania, 30.000 người đã nhập cảnh Ba Lan trong những ngày qua. Chính phủ nhiều nước cũng tìm mọi cách sơ tán công dân khỏi Ukraine.