Tăng cường phòng thủ toàn diện
Trong thông báo sau hai ngày họp, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenburg cho biết, NATO đã thông qua kế hoạch phòng thủ toàn diện nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh. Mục tiêu là bảo vệ các nước thành viên trong tất cả các lĩnh vực, từ không gian mạng, trên bộ, trên biển và trên không. Để thực hiện nhiệm vụ này, một lực lượng mới được thành lập gồm 300.000 binh sĩ được đặt trong trạng thái sẵn sàng cao và triển khai theo lộ trình.
Tại hội nghị, NATO cũng phê duyệt kế hoạch hành động về sản xuất quốc phòng nhằm đẩy nhanh việc mua sắm chung, tăng cường năng lực sản xuất và nâng cao khả năng tương tác của các thành viên NATO. Các nước thành viên cũng nhất trí mục tiêu dành ít nhất 2% GDP cho chi tiêu quân sự. NATO tin rằng, số lượng các nước thành viên đạt mục tiêu này sẽ tăng mạnh trong năm 2024.
Trên thực tế, đến nay mới có số ít nước thành viên NATO bảo đảm chi tiêu quân sự hằng năm tương đương 2% GDP. Năm 2022, chỉ có 8 nước đạt mục tiêu này, trong đó Hy Lạp đứng đầu với 3,69%, tiếp đến là Mỹ với 3,45%, Ba Lan 2,39%, Anh 2,23%, Croatia 2,17%, Estonia 2,09% và Latvia 2,05%. Trong khi đó, Pháp chỉ đạt mức chi cho quân đội khoảng 1,94% GDP, Slovakia 1,76%, hay Đức mới đạt 1,39%. NATO dự báo, năm 2023, các nước tăng chi tiêu quân sự sẽ là Ba Lan, Slovakia, Phần Lan và Romania, trong khi ngân sách quân sự giảm ở các nước Bỉ, Thổ Nhĩ Kỳ, Italy, Croatia, Anh và Hy Lạp.
Ngoài vấn đề củng cố năng lực quốc phòng, Hội nghị cấp cao NATO lần này còn chứng kiến nỗ lực mở rộng hợp tác an ninh của khối quân sự, cụ thể là với bốn đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, gồm Australia, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc. Thông cáo chung của hội nghị nêu rõ: Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đóng vai trò quan trọng đối với NATO, những diễn biến trong khu vực này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh của khu vực châu Âu-Đại Tây Dương. Phiên họp của NATO với nhóm bốn đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương lần này có sự tham dự của cả các đại diện Thụy Điển và Liên minh châu Âu (EU).
Triển vọng mở rộng thành viên
Ngay trong ngày họp đầu tiên, các nước thành viên đã đạt đồng thuận đưa Ukraine đến gần hơn với NATO. Theo đó, các nhà lãnh đạo NATO nhất trí về gói biện pháp thúc đẩy Ukraine gia nhập NATO, trong đó có chương trình hỗ trợ mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình chuyển đổi lực lượng vũ trang của Ukraine theo các tiêu chuẩn của NATO, giúp Kiev xây dựng lại lĩnh vực an ninh quốc phòng và đáp ứng các nhu cầu quan trọng về nhiên liệu, thiết bị quân sự và vật tư y tế. Đặc biệt, các lãnh đạo khối đồng minh quân sự thống nhất thành lập Hội đồng NATO-Ukraine mới.
Phát biểu ý kiến với báo giới, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenburg nhấn mạnh, đây là gói biện pháp mạnh nhất NATO dành cho Ukraine, vạch ra con đường rõ ràng nhất hướng tới tư cách thành viên NATO của Ukraine. Tuyên bố chung của NATO cũng nêu rõ tương lai của Ukraine gắn với NATO. Tuyên bố cũng cho hay, NATO sẽ chính thức mời Ukraine gia nhập khối khi toàn bộ các nước thành viên nhất trí và Kiev đáp ứng các điều kiện. Tuy nhiên, tuyên bố không nêu các điều kiện đó là gì.
Trong khi đó, ông Stoltenburg cũng thông báo, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đồng ý chuyển đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển lên Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ xem xét thông qua. Kết quả này đạt được tại cuộc gặp giữa Tổng Thư ký NATO và lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ ngay trước thềm hội nghị ở Vinius. Đây được đánh giá là bước đi tích cực, giúp gỡ bế tắc trong tiến trình Thụy Điển gia nhập khối đồng minh quân sự.
Tuy nhiên, Tổng thống Erdogan cũng kêu gọi EU khôi phục đàm phán, đẩy nhanh tiến trình Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập “mái nhà chung châu Âu”. Mỹ lập tức nhấn mạnh, Washington ủng hộ nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU, song không cho đây như một điều kiện để Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận đơn của Thụy Điển gia nhập NATO.