Nâng cao vai trò doanh nghiệp nhà nước

Lâu nay khối doanh nghiệp nhà nước vẫn được đánh giá là hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Quan điểm của Chính phủ là phải nâng cao hiệu quả hoạt động của nhóm này nhằm phát huy vai trò dẫn dắt, tiên phong, đột phá trong đầu tư phát triển trên các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào tăng trưởng.
0:00 / 0:00
0:00
Giàn công nghệ trung tâm số 2 mỏ Bạch Hổ. Ảnh: VIETNAM+
Giàn công nghệ trung tâm số 2 mỏ Bạch Hổ. Ảnh: VIETNAM+

Doanh nghiệp nhà nước đang chậm chuyển mình

Báo cáo về tình hình hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp năm 2022 vừa được Chính phủ gửi tới Quốc hội (tài liệu phục vụ kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, khai mạc ngày 23/10 tới) cho biết, tính đến ngày 31/12/2022, cả nước có 827 doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước, trong đó có 676 doanh nghiệp nhà nước (478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ hơn 50% vốn điều lệ).

Tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2022 của 676 doanh nghiệp nhà nước cho thấy, nhóm này đang nắm giữ tổng tài sản hơn 3,82 triệu tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2021. Trong đó vốn chủ sở hữu là hơn 1,8 triệu tỷ đồng; riêng vốn Nhà nước là hơn 1,7 triệu tỷ đồng, đều tăng 3% so với năm 2021.

Năm 2022, tổng doanh thu của doanh nghiệp nhà nước đạt hơn 2,64 triệu tỷ đồng, tăng 29%. Lãi phát sinh trước thuế đạt hơn 241 nghìn tỷ đồng, tăng 24%. Có 64 doanh nghiệp (chiếm 9%) phát sinh số lỗ hơn 29,4 nghìn tỷ đồng và 144 doanh nghiệp (chiếm 21%) còn lỗ lũy kế gần 69,9 nghìn tỷ đồng. Riêng 77 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ - công ty con nắm giữ tổng tài sản là hơn 2,82 triệu tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2021; nợ phải trả hơn 1,43 triệu tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2021, chiếm 51% tổng nguồn vốn.

Đáng lưu ý, có 11 công ty mẹ có tỷ lệ tổng nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lớn hơn ba lần; có bảy công ty mẹ được xác định là chưa bảo toàn được vốn chủ sở hữu (có lỗ lũy kế sau khi trích lập các khoản dự phòng rủi ro theo quy định và vốn đầu tư của chủ sở hữu nhỏ hơn vốn chủ sở hữu).

Theo tổng kết của Chính phủ, các doanh nghiệp nhà nước đã hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh. Điều này thể hiện qua dữ liệu tổng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, giá trị vốn đầu tư phát triển thực hiện và thu nhập bình quân của người lao động đều tăng. Báo cáo hợp nhất của khối doanh nghiệp này cũng cho thấy, lãi phát sinh trước thuế đạt gần 187 nghìn tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2021.

Tuy vậy, báo cáo của Chính phủ cũng nhìn nhận, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, hiệu quả đầu tư trong thời gian qua chưa đạt như kỳ vọng. Một số doanh nghiệp chưa thể hiện rõ vai trò nổi bật trong dẫn dắt, tạo động lực, thúc đẩy các thành phần khác phát triển, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị gia tăng. Doanh nghiệp nhà nước còn yếu ở những ngành có ảnh hưởng, quyết định tới hỗ trợ nâng cao cạnh tranh của nền kinh tế.

Một số dự án có lỗ lũy kế lớn, lỗ liên tiếp trong nhiều năm, phương thức tái cấu trúc chưa hiệu quả. Một số dự án đầu tư chậm tiến độ; công tác thanh quyết toán các dự án xây dựng cơ bản kéo dài làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực. Việc thực hiện các dự án đầu tư mới của doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua không được thúc đẩy.

“Việc không tạo ra được năng lực tăng thêm này sẽ dẫn đến, trong 5 năm tới, đóng góp của khu vực doanh nghiệp nhà nước đối với nền kinh tế sẽ rất hạn chế, khi tỷ trọng đóng góp hiện nay của doanh nghiệp nhà nước vào GDP là khoảng 29%”, báo cáo của Chính phủ nêu rõ.

Trước đó, tại Tọa đàm “Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Nhìn lại và hướng tới” diễn ra sáng 26/9, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung nhận định, các doanh nghiệp nhà nước đang chậm chuyển mình trong thời đại, bối cảnh mới; vai trò dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác chưa được phát huy rõ nét.

Nắm giữ tổng tài sản lên đến 3,82 triệu tỷ đồng nhưng chất lượng, hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước chủ yếu xuất phát từ những doanh nghiệp quy mô lớn, hoạt động hiệu quả ở các ngành, lĩnh vực có lợi thế tự nhiên (như khai thác khoáng sản, dầu khí), hoặc thống lĩnh thị trường do lịch sử để lại (như viễn thông, tài chính tín dụng), hoặc có rào cản gia nhập ngành tự nhiên; mà chưa dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại và năng lực đổi mới sáng tạo.

“Doanh nghiệp nhà nước cần làm những việc lớn, việc khó, việc mới để tạo lực cho phát triển kinh tế, nhường dư địa phát triển cho doanh nghiệp tư nhân ở những lĩnh vực khác”, Thứ trưởng nêu quan điểm.

Tạo điều kiện để doanh nghiệp nhà nước làm những việc lớn, việc khó

Nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp nhà nước ngày 14/9 là “chung sức, đồng lòng tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, đẩy mạnh đầu tư phát triển, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế năm 2023 và những năm tiếp theo”, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho biết, Thủ tướng đã nêu sáu quan điểm chỉ đạo, điều hành và 12 nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

Từ đó, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị tập trung vào bốn nội dung: Đánh giá lại vị thế, vai trò của doanh nghiệp nhà nước, từ đó làm rõ mục tiêu sắp xếp, cải cách khu vực này phù hợp với tình hình mới; Đánh giá hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp nhà nước thời gian qua để xác định vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ; Đổi mới phương thức quản lý phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo hướng tiếp tục đẩy mạnh phân công, phân quyền; Xác định rõ những ngành, lĩnh vực ưu tiên đầu tư của doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn tới và phát triển các doanh nghiệp quy mô lớn thực hiện vai trò tiên phong, dẫn dắt trong bối cảnh mới.

Nói thêm về việc cần chọn một số ngành ưu tiên để giao những doanh nghiệp lớn giữ vai trò tiên phong, dẫn dắt, ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đơn vị này đề nghị xây dựng “Đề án doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn”.

Theo đó, Đề án này sẽ lựa chọn một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước quy mô lớn, có năng lực công nghệ và đổi mới sáng tạo để thí điểm “đặt hàng” trong bốn lĩnh vực: công nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, tài chính ngân hàng và kết cấu hạ tầng; với thời gian khoảng 5 năm.

Là đơn vị được giao quản lý 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước lớn (như PVN, Vinacomin, EVN, Vinachem, Petrolimex, VNPT, Vietnam Airlines, Mobifone, Vinataba,…) từ năm 2018 đến nay, nắm giữ tới 2,491 triệu tỷ đồng tổng tài sản - chiếm hơn 60% tổng tài sản của khối DNNN (số liệu năm 2022, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước được kỳ vọng sẽ giữ vai trò “nhạc trưởng” trong nhiệm vụ quản lý vốn của 19 “sếu đầu đàn” này.

Tuy vậy, chia sẻ với phóng viên, ông Phạm Văn Sơn, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp) cho biết, do là mô hình mới, đặc thù và chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam, 5 năm qua Ủy ban có mô hình, có trách nhiệm nặng nề nhưng lại không có “tiếng nói”.

Cụ thể, theo ông Sơn, đơn vị này chỉ được quyền quản lý doanh nghiệp, không được đưa ra cơ chế, chính sách pháp luật, muốn sửa một điều lệ của doanh nghiệp phải trình sang bộ chủ quản khiến tiếng nói bị hạn chế rất nhiều. Chủ tịch Ủy ban cũng không phải thành viên Chính phủ, chỉ là cơ quan thuộc Chính phủ nên khi đưa sang các bộ, có được tiếp thu hay không là quyền của các bộ. Thậm chí, có dự án SCIC (công ty thành viên của Ủy ban) xin ý kiến các bộ, ngành hai năm trời nhưng không được trả lời.

Từ đó, ông Sơn cho rằng, để nâng cao hiệu quả hoạt động, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần tiếp tục được hoàn thiện mô hình theo hướng được giao chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm phù hợp hơn.

Ở một góc tiếp cận khác, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nêu quan điểm, khu vực doanh nghiệp nhà nước có hiệu quả hoạt động chưa cao còn xuất phát từ một nguyên nhân là tại doanh nghiệp nhà nước đang có sự xung đột lợi ích giữa pháp nhân doanh nghiệp và người đứng đầu, giữa lợi ích của doanh nghiệp (đạt được thông qua cạnh tranh) với lợi ích quốc gia dân tộc (thí dụ Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa phải kinh doanh kiếm lợi nhuận, vừa có trách nhiệm xã hội là cung cấp điện năng cho các thành phần kinh tế, kể cả miền núi, biên giới, hải đảo…).

Từ đó, vị chuyên gia cho rằng, để giảm bớt, kiểm soát sự xung đột này, cần quy định, quy trình minh bạch và giám sát phù hợp, trong đó ứng xử pháp lý là vấn đề cần quan tâm.

Ngoài ra, ông Thành đề nghị, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải hoạt động trên nguyên tắc là nhà đầu tư, có thể tương tự mô hình công ty quản lý quỹ, như kinh nghiệm đã áp dụng của Singapore. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy nhanh thí điểm mô hình sandbox (khung thể chế thí điểm, cho phép một số doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới), trong đó chọn ra một số tập đoàn, cho phép họ cơ chế tự chủ đầu tư, tự quyết lương thưởng... để đem lại lợi nhuận cao hơn cho mỗi đồng vốn mà Nhà nước bỏ ra.