Nâng cao kỹ năng sống cho trẻ

Trước tình hình liên tiếp xảy ra các sự vụ để lại hậu quả nghiêm trọng và đau lòng, nhu cầu nâng cao kỹ năng sống và kỹ năng thoát hiểm cho trẻ em ngày càng trở nên quan trọng, cấp thiết.
0:00 / 0:00
0:00
Hướng dẫn kỹ năng thoát nạn trong đám cháy cho các em học sinh. Ảnh; HẢI NGUYỄN
Hướng dẫn kỹ năng thoát nạn trong đám cháy cho các em học sinh. Ảnh; HẢI NGUYỄN

1/Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có hơn 900 nghìn trường hợp dưới 18 tuổi tử vong do tai nạn thương tích mỗi năm, trong đó thương tích không chủ định chiếm tới 90%. Con số này ở Việt Nam là hơn 370 nghìn trẻ bị tai nạn thương tích trong đó có 6.600 trường hợp tử vong trung bình một năm. Đây là con số báo động về thực trạng đau lòng diễn ra ở trẻ nhỏ - đối tượng cần được quan tâm và bảo vệ đặc biệt.

Nguyên nhân không chủ đích đứng đầu danh sách là do đuối nước, ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như cháy, nổ, điện giật, ngộ độc... Đây đều là những tai nạn mà nếu được trang bị đầy đủ về kiến thức phòng ngừa và cấp cứu kịp thời thì hoàn toàn có thể khắc phục được hậu quả, hoặc ít nhất là giảm thiểu đến mức tối đa thương tật. Tuy nhiên, vấn đề về phổ cập rộng rãi và nâng cao kỹ năng sống cho trẻ em lại chưa được đặt đúng tầm quan trọng. Hầu hết các phụ huynh vẫn quan trọng hơn về vấn đề học hành, điểm số và hướng các con theo nhiều lớp học kiến thức hơn là kỹ năng sống. Chị Nguyễn Thị Hằng (36 tuổi, Ba Đình) cho biết: “Hiện con tôi 8 tuổi và đã tham gia lớp học thêm năng khiếu ngoài giờ, các CLB toán thông minh, cháu có tham gia một lớp học kỹ năng sống là môn bơi, nhưng chỉ học hoặc đi vào hè”.

Trên các diễn đàn, các trang mạng xã hội cũng có rất nhiều hội nhóm của các bà mẹ cùng nhau bàn về các lớp học kỹ năng sống cho con. Tình trạng chung là phụ huynh nào cũng phải thừa nhận con mình đang thiếu các kỹ năng ứng biến trước tai nạn một cách trầm trọng. Nhiều trẻ em không biết tự bảo vệ mình trước nguy hiểm, không biết tự hành động để bảo vệ bản thân khỏi tai nạn, không biết cách tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp những tình huống nguy cấp,...

Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng này là môi trường giáo dục của gia đình. Hầu hết các gia đình tại Việt Nam đều nuôi dạy con em mình theo hình thức nuông chiều, bao bọc, phát triển trí thông minh, thể thao nâng cao thể chất thay vì hướng đến một môi trường sống độc lập, rèn luyện kỹ năng sống qua những tình huống thực tế. Những kỹ năng sống này không có một giáo trình hay sách giáo khoa nào để có thể học thuộc mà chỉ có thể được rèn luyện và hình thành một cách tự nhiên từ thực tế, qua những khoảng thời gian mà phụ huynh dành cho con em mình.

2/Khắp cả nước, nhiều trường học đã đưa bộ môn bơi lội vào bắt buộc hoặc là đào tạo miễn phí bằng hình thức tổ chức các CLB. Tuy nhiên, do nhiều phụ huynh và học sinh chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học kỹ năng sống mà các lớp này thường xuyên thiếu vắng học sinh, các em tham gia với tinh thần “cho có” chứ không thật sự chú trọng vào việc học.

Tháng 6 vừa qua, câu chuyện bốn trẻ em Colombia sống qua 40 ngày trong rừng Amazon sau thảm họa rơi máy bay đã khiến không ít người trên khắp thế giới khâm phục. Để làm được điều như vậy chắc chắn các em đã có những bài học kỹ năng sinh tồn cơ bản nhất đến nâng cao và áp dụng được đúng lúc, đúng chỗ.

Theo PGS, TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), để trẻ học được và thực hành được kỹ năng sống thì cần có sự chung tay của cả ba bên là gia đình, nhà trường và xã hội, vì đây là ba môi trường tác động trực tiếp đến nhận thức và đời sống của trẻ. Đối với phụ huynh, cần chọn lọc những trung tâm giáo dục kỹ năng cho con em mình, đồng thời dành thời gian giảng dạy các em trong những tình huống thực tế, không nên vì quá bận bịu để rồi lệ thuộc vào nhà trường hay trung tâm nào.

Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ từ lứa tuổi mầm non là thời điểm thích hợp nhất vì đây là lúc trẻ bắt đầu định hình tính cách, xuất hiện những hành vi mang tính cá nhân. Việc cho trẻ tiếp xúc sớm với những kỹ năng thực tế không chỉ giúp trẻ quen dần với các kỹ năng, cách bảo vệ bản thân mình mà còn đồng thời bổ sung khả năng giao tiếp, sự tự tin... Không chỉ học được cách tự bảo vệ bản thân, qua những bài học thực tế có tính ứng dụng cao, các em có thể hình thành sự chủ động, hoạt bát và phát triển cả về trí tuệ, khả năng tư duy và sáng tạo, sớm hình thành khả năng xử lý tình huống trong cuộc sống.