Rong tảo đang dần khẳng định vị thế nông nghiệp dưới mặt nước tại nhiều quốc gia, giải quyết được nhiều công ăn việc làm cho người dân ven biển đồng thời thúc đẩy chuỗi giá trị liên quan như giám sát và cải tạo môi trường nước biển... Song, cơ hội này tại Việt Nam vẫn đang bị bỏ ngỏ.
Cơ hội cùng thách thức
Ngành rong biển Việt Nam hiện nay đứng trước nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ. Với tốc độ tăng trưởng thị trường toàn cầu về tiêu thụ rong hơn 10% mỗi năm. Rong biển không chỉ là nguồn nguyên liệu thực phẩm mà còn có giá trị trong nhiều lĩnh vực như dược phẩm, mỹ phẩm, thức ăn chăn nuôi và phân bón sinh học. Khả năng hấp thụ CO₂ của rong biển nhanh gấp 5 lần thực vật trên cạn cũng mở ra tiềm năng lớn cho việc bán tín chỉ các-bon, đồng thời đáp ứng xu hướng tiêu dùng thực phẩm và năng lượng xanh trên thế giới.
Tuy nhiên, ngành cũng đối mặt với không ít thách thức. Những hạn chế về chất lượng giống, cạnh tranh diện tích mặt nước với các ngành kinh tế khác, thiếu tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, cùng ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu là những rào cản cần vượt qua.
Mục tiêu của ngành là đạt sản lượng 180.000 tấn vào năm 2025 và tăng lên 500 nghìn tấn vào năm 2030. Để thực hiện mục tiêu này, trọng tâm phát triển sẽ là nuôi trồng gần bờ ở các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận với các loại rong nho, rong câu chỉ vàng và rong sụn. Đồng thời, ngành sẽ mở rộng nuôi trồng xa bờ tại các địa phương như Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau và Kiên Giang, với trọng tâm là rong sụn và các giống nhập khẩu có giá trị cao.
“Ở mỗi địa phương có bờ biển đầm phá rất riêng nhưng lâu nay vẫn chỉ dừng lại ở chỗ nuôi thủy, hải sản mà bỏ qua việc trồng rong tảo. Chăn nuôi kết hợp trồng trọt là tận dụng hết diện tích mặt nước, cột nước. Trồng rong tảo thứ nhất là làm sạch môi trường nước, tạo nền trú ẩn cho nhiều loại thủy sản tầng đáy, tăng thu nhập... nhưng các sở, ban, ngành hầu như chưa vào cuộc mạnh mẽ việc này”, TS sinh học Vũ Thị Đào - Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, hiện định cư tại Pháp, cho biết.
“Tôi có quan sát, năm 2014, Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Nam đã thí điểm trồng rong nho ven biển huyện Núi Thành. Kết quả tốt nhưng lại không phát triển thành điểm mạnh, nhân rộng mạnh kể cả mặt chính sách lẫn truyền thông”, TS Đào cho biết thêm.
Lợi ích từ “lộc biển”
Quy hoạch nuôi trồng rong biển tốt làm tăng tính an toàn và bền vững, đồng thời giải quyết được những chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân ven biển. “Đối với những gia đình đánh cá trước đây bị thiệt hại do nguồn cá sụt giảm, nghề trồng rong biển hiện là một nguồn thu nhập thay thế khả thi. Điển hình như Indonesia, đã chuyển từ sự phụ thuộc vào đánh bắt cá để trở thành một trong những nhà cung cấp rong biển hàng đầu trên toàn thế giới, cung cấp lượng lớn rong biển toàn cầu”, Thạc sĩ Mai Như Thủy, Khoa Nuôi trồng thủy sản, Trường đại học Nha Trang, cho biết.
Ở phân khúc thực phẩm từ rong tảo biển, người Việt đã biết sử dụng từ xa xưa như vùng ven biển miền trung, khi mùa đông về, thời tiết lạnh hơn, mưa phùn nhiều hơn cũng là thời gian mà nhiều gành đá phủ lớp rêu xanh. Khi triều xuống, ở những gành đá này, người dân lặng thầm kiếm “lộc biển” là rêu bẹ mọc lẫn trong rêu xanh. Thứ rong biển này ở làng Nam Ô (Đà Nẵng), ở đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam)… gọi là mứt biển. Ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), nhiều hộ dân sống bằng nghề hái rong biển bán cho những địa phương làm thạch.
Riêng phần phân bón từ rong tảo trong đầm phá, gần 400 năm trước người làng rau Trà Quế (Cẩm Hà, Hội An, Quảng Nam) đã dùng loại rêu vớt trong đầm nước lợ Trà Quế để làm phân trồng rau thơm, cải ngọt. Qua bao nhiêu thăng trầm làm nông nghiệp, có lúc phân hóa học tràn chảy về các làng quê khiến cho mùa vụ thu hoạch tăng cao năng suất, nhưng người làng rau Trà Quế vẫn giữ cách thâm canh cũ, và cho đến hôm nay Trà Quế vẫn là làng rau thâm canh hữu cơ, thân thiện môi trường và giữ được chất lượng rau xanh của mình, bán với giá thành cao hơn rau cùng loại.
Mùa xanh dưới mặt nước
Tìm kiếm trên mạng về hội thảo trồng rong nho cũng như tiềm năng bờ biển và đầm phá của nước ta thì thấy có rất nhiều, nhưng để chỉ ra một mũi nhọn hay một điển hình nào đó thành mô hình cho các địa phương, vẫn chưa rõ. Nhìn sang ngành khác, ví dụ như nghề nuôi yến sào ở huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh), họ có đến 520 nhà nuôi yến, sản lượng đạt 13-14 tấn mỗi năm, chiếm đến 90% thu nhập từ nông nghiệp của huyện.
Nghề trồng rong tảo dưới mặt nước biển có điểm thuận lợi, nhiều nhà khoa học đùa rằng, không phải lo tưới nước, không cần bón phân nhưng cần một quyết tâm vào cuộc, TS Đào cho biết: “Cần khảo sát vùng nước cụ thể để xác định chỗ nào trồng rong tảo loại nào, rong tảo làm thức ăn cho người, chỗ nào trồng rong tảo làm thức ăn chăn nuôi, phân bón và nguyên liệu cho các ngành công nghiệp”.
Hiện tại, có bảy loài rong biển kinh tế đang được trồng phổ biến tại Việt Nam, bao gồm rong nho, rong câu chỉ vàng, rong câu thắt, rong câu cước, rong sụn, rong bắp sú và rong sụn gai. Phát triển bền vững ngành rong biển là yếu tố quan trọng để khai thác tối đa tiềm năng của nguồn tài nguyên bờ biển, hải đảo và đầm phá.
Từ Khoa Nuôi trồng thủy sản, Trường đại học Nha Trang, Thạc sĩ Mai Như Thủy cho biết: “Các nghiên cứu ứng dụng của nhóm rong làm thực phẩm còn hạn chế, do chưa đánh giá về trữ lượng và phân bố của nhóm rong này tại Việt Nam. Nhóm rong có ứng dụng trong y dược thuộc ngành rong đỏ và rong nâu. Tiềm năng ứng dụng khá đa dạng, từ thực phẩm chức năng đến tách chiết các hoạt chất sinh học có trong các loài rong này và tạo ra sản phẩm dưới dạng dược liệu”.
Theo Thạc sĩ Mai Như Thủy, hiện nhiều quốc gia đã khai thác nuôi trồng không chỉ theo diện tích mặt nước mà tận dụng cột nước từ nuôi cho đến trồng vừa có thể bảo vệ được diện tích thâm canh tốt hơn, vừa làm trung hòa không khí, làm sạch nước trong diện tích đã định sẵn.
Về phần phân bón và thức ăn chăn nuôi: “Tảo hoai mục là phân bón tốt cho khoai tây, cà chua, các loại cây họ đậu, cây ăn trái… Một số loài tảo dùng làm thức ăn cho bò, ngựa, heo, gà, vịt… giúp vật nuôi tăng trọng về thịt, sữa, trứng, da, lông”, kỹ sư Tô Việt Nga, Trường đại học Cửu Long cho biết.
Một trong những lợi ích đặc biệt của rong biển là khả năng giảm phát thải khí methane khi được sử dụng làm thức ăn bổ sung cho gia súc. Điều này có thể giúp loại bỏ 2,6 tỷ tấn khí các-bon-níc (CO2) mỗi năm vào năm 2050.
Các chuyên gia đề xuất rằng, việc phát triển ngành rong biển không chỉ giúp giải quyết các vấn đề môi trường như khí thải nhà kính, ô nhiễm môi trường, mà còn tạo ra nguồn lợi kinh tế bền vững. Đặc biệt, rong biển có thể hấp thụ kim loại nặng tại các vùng biển ô nhiễm và cung cấp dưỡng chất cho các loài sinh vật biển khác.
TS Đào cho rằng: “Đọc các tài liệu khoa học, quan sát nhiều quốc gia nuôi trồng rong tảo biển. Tôi luôn mơ ước phát triển ngành rong tảo, theo đó, đẩy mạnh áp dụng khoa học - công nghệ và các hệ thống chứng nhận. Đặc biệt, việc xây dựng một trung tâm nghiên cứu về rong biển là rất cần thiết để giải quyết vấn đề giống và công nghệ trồng rong biển theo hướng hiện đại, quy mô hàng hóa đồng bộ các khâu sản xuất nguyên liệu, chế biến sản phẩm giá trị gia tăng từ rong biển, đồng thời, qua đó góp phần tạo việc làm cho ngư dân”…
Chúng ta thấy, đã có một mùa cà-phê chín đỏ trên cao nguyên, mùa lúa vàng bội thu trên cánh đồng và một ngày gần đây sẽ có những mùa xanh dưới mặt nước biển - lúc đó ngành nông nghiệp mới thật sự hoàn chỉnh và thịnh vượng.