Một loạt tham vọng lớn

Những bước đi quyết liệt, những mục tiêu lớn đã được đặt ra với tham vọng mang lại sự ổn định về chính trị và kinh tế cho nhiều quốc gia.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Malaysia đặt mục tiêu đưa nước này trở thành cường quốc kinh tế.
Thủ tướng Malaysia đặt mục tiêu đưa nước này trở thành cường quốc kinh tế.

1. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết: Ông vẫn lạc quan tìm kiếm thỏa thuận về vấn đề trần nợ công với đảng Cộng hòa, qua đó ngăn chặn khủng hoảng nợ công và nhiều hệ lụy đến kinh tế trong nước cũng như toàn cầu.

Như Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo, nước Mỹ có nguy cơ vỡ nợ vào ngày 1/6. Thứ trưởng Tài chính Wally Adeyemo cũng nhận định kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái nếu Quốc hội không nhanh chóng tăng trần nợ công.

Đàm phán giữa hai đảng tại Quốc hội Mỹ về việc nâng trần nợ công liên tục rơi vào bế tắc. Trong khi Tổng thống Joe Biden mong muốn nâng trần nợ (hiện ở mức kỷ lục 31.400 tỷ USD) vô điều kiện và vạch ra một kế hoạch đầy tham vọng trị giá 3.000 tỷ USD nhằm xóa nợ trong 10 năm, bao gồm lộ trình tăng thuế người giàu và nhiều doanh nghiệp, thì các nghị sĩ đảng Cộng hòa lại cho rằng đã đến lúc đưa mức chi tiêu trở lại thời kỳ trước đại dịch Covid-19, sau đó mới có thể nói về tăng trần nợ công.

2. Hội nghị toàn quốc của Chính phủ thống nhất Malaysia đặt mục tiêu hướng đến sự ổn định chính trị. Đây là lần đầu tiên một hội nghị quy mô toàn quốc của chính phủ diễn ra, kể từ khi cơ quan này thành lập vào ngày 2/12/2022, sau khi Thủ tướng Anwar Ibrahim (ảnh bên) đắc cử Thủ tướng thứ 10 của Malaysia.

Với chủ đề "Thách thức trong tương lai đối với Malaysia", hội nghị đã thống nhất về chương trình nghị sự hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân, đồng thời cũng sẽ cung cấp những nền tảng tốt nhất để ngăn chặn mọi mối đe dọa với sự ổn định chính trị. Thủ tướng Anwar ca ngợi tinh thần kiên quyết của chính phủ trong việc ngăn chặn, xóa bỏ nạn tham nhũng, vốn gây ra nhiều thiệt hại và tổn thất. Ông nhấn mạnh mục tiêu xây dựng Malaysia trở thành một cường quốc kinh tế mới. Nền kinh tế Malaysia vẫn đang trên đà phát triển mạnh mẽ với mức tăng trưởng 5,6% trong quý I - mức tăng trưởng ấn tượng nhất trong khu vực.

3. Bộ Kinh tế Argentina công bố một loạt biện pháp nhằm kiềm chế tình trạng lạm phát tăng chóng mặt hiện nay, bao gồm tăng lãi suất cơ bản và tạo thuận lợi cho các hoạt động nhập khẩu. Bộ đã cho phép Ngân hàng Trung ương Argentina (BCRA) can thiệp sâu hơn vào vào thị trường vốn tín dụng, đồng thời điều chỉnh tăng lãi suất thêm 600 điểm cơ bản lên 97%, mức cao nhất trong vòng 20 năm qua tại quốc gia Nam Mỹ này. Để ngăn chặn việc tăng giá đầu vào công nghiệp, Bộ Kinh tế sẽ ban hành quy định về áp dụng thuế chống bán phá giá.

Ngoài ra, Bộ trưởng Kinh tế Sergio Massa có kế hoạch tới Trung Quốc vào ngày 29/5, nhằm thúc đẩy chương trình hoán đổi tiền tệ song phương, qua đó cho phép BCRA tăng cường dự trữ ngoại tệ. Chính phủ Argentina cũng đặt mục tiêu nhận thêm bảo lãnh tín dụng từ Ngân hàng Phát triển mới (NDB) thuộc Nhóm BRICS (gồm Trung Quốc, Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi). Argentina cũng thông báo kế hoạch đẩy nhanh quá trình đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về chương trình tái cơ cấu khoản nợ trị giá gần 45 tỷ USD. Nước này đang trải qua giai đoạn khó khăn về kinh tế vĩ mô do tác động của tình trạng hạn hán nghiêm trọng đối với lĩnh vực nông nghiệp và chăn nuôi, khiến xuất khẩu nông sản bị ảnh hưởng mạnh.

Một loạt tham vọng lớn ảnh 1

Argentina công bố một loạt biện pháp nhằm kiềm chế tình trạng lạm phát.

4. Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Hải ngoại thống nhất (UOB - Singapore), Đông Nam Á và Trung Quốc đang nổi lên như những điểm đến hàng đầu, khi có tới 83% số doanh nghiệp ở châu Á có kế hoạch mở rộng hoạt động ra nước ngoài.

Kết quả khảo sát hơn 4.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực cũng như các doanh nghiệp lớn ở châu Á cho thấy: Cứ năm doanh nghiệp được hỏi thì có bốn doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng ra nước ngoài, trong ba năm tới. Các công ty ở Indonesia, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam đang tìm cách tăng doanh thu và lợi nhuận trên phạm vi quốc tế. Gần 80% số doanh nghiệp được khảo sát cho rằng môi trường kinh doanh hiện tại trong khu vực là tích cực. Tính theo từng lĩnh vực, các công ty trong lĩnh vực công nghiệp, dầu khí tỏ ra quan tâm nhất đến vấn đề này, tiếp theo là các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại bán buôn, công nghệ, truyền thông và viễn thông.