Một hành trình bền bỉ

Những năm qua, chính quyền và nhân dân huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu xây dựng nông thôn ngày càng khang trang, sáng-xanh-sạch-đẹp. Huyện đang tiếp tục nhân rộng các mô hình nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
0:00 / 0:00
0:00
Vải thiều là cây ăn quả chủ lực của địa phương. Ảnh: Đức Thọ
Vải thiều là cây ăn quả chủ lực của địa phương. Ảnh: Đức Thọ

LỤC NGẠN là huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, có 12 xã vùng cao, toàn huyện còn chín xã đặc biệt khó khăn, thuộc xã khu vực 2. Dân số gồm 235.691 người, gồm tám dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm hơn 49%.

Để thay đổi bộ mặt nông thôn và nâng cao đời sống người dân, huyện Lục Ngạn luôn nỗ lực triển khai các giải pháp xây dựng nông thôn mới. Điểm thuận lợi ngay từ khi bắt đầu triển khai chương trình là luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ngành, từ Trung ương đến tỉnh, huyện và đặc biệt, có sự đồng thuận của người dân trong suốt những năm qua.

Năm 2023, huyện phấn đấu có thêm hai xã đạt chuẩn nông thôn mới là Tân Lập và Kiên Lao, lũy kế toàn huyện là 19/28 xã, đạt 67,85%; có thêm xã Mỹ An đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, lũy kế toàn huyện là bốn xã, đạt 13,79%. Huyện có thêm ba thôn đạt nông thôn mới kiểu mẫu, gồm thôn Kép 2B (xã Hồng Giang), thôn Chay (xã Phì Điền), thôn Sậy (xã Trù Hựu), lũy kế toàn huyện là 11 thôn.

Để chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả đề ra, huyện Lục Ngạn bám sát chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước triển khai kế hoạch và chỉ đạo kịp thời đến cấp cơ sở, đồng thời dựa vào những bài học kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn: Xác định phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của toàn dân và cả hệ thống chính trị.

Thế mạnh của địa phương là phát triển cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như vải thiều và cây ăn quả có múi. Những năm qua, huyện đã xây dựng và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, phát triển các sản phẩm trồng trọt chủ lực, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm nhằm tạo đà đẩy mạnh giá trị sản phẩm. Đến nay, toàn huyện hiện có khoảng 27.000 ha, trong đó, có 15.290 ha trồng vải thiều, sản lượng ước đạt khoảng 90.000-130.000 tấn/năm (riêng diện tích sản xuất theo quy trình Vietgap và Globalgap với loại quả này đạt hơn 11.600 ha). Cây có múi, như các loại cam, bưởi có tổng diện tích 6.740 ha, sản lượng hằng năm ước đạt 50.000-60.000 tấn. Ngoài công tác phát triển sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm, Ủy ban nhân dân huyện còn tập trung chỉ đạo hướng dẫn phát triển cơ sở chế biến sản phẩm nông nghiệp, các làng nghề, các hợp tác xã, tạo công ăn việc làm cho bà con cũng như nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Ông Bùi Đức Văn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hồng Giang, cho biết: Những hình ảnh nông thôn mới đã hiện hữu ở khắp nơi trên đất Lục Ngạn; đến đâu cũng thấy nhà mới khang trang, đường bê-tông rộng rãi, sạch đẹp, những công trình văn hóa, thể thao, y tế, trường học… mới mọc lên trên chính mảnh đất khó khăn trước đây.

Một hành trình bền bỉ ảnh 1
Quang cảnh nông thôn mới khang trang, sạch đẹp tại xã Thanh Hải. Ảnh: Thiện Tâm

VỀ bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Lục Ngạn tập trung lựa chọn những xã có điều kiện cơ sở hạ tầng tốt nhất để thực hiện về đích nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Xây dựng nông thôn mới là hành trình có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc. Có nghĩa, một xã, sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, vẫn phải duy trì và tiếp tục nâng cao các tiêu chí.

Thời gian tới, chính quyền huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền những cách làm hay, sáng tạo, sự tham gia của cộng đồng trong thực hiện nông thôn mới kiểu mẫu để nâng cao ý thức tự giác, tự chủ, khơi dậy, phát huy năng động sáng tạo của người nông dân trong tổ chức thực hiện.

Ông Lưu Anh Đức, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Ngạn, cho biết: "Thời gian tới, huyện tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả kinh tế cao đồng thời thu hút các nguồn đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước; lồng ghép một số nguồn vốn, hỗ trợ trực tiếp để phát huy sức mạnh của nhân dân".