Ngược thượng nguồn

Mơ Răng góp nước cho dòng A Vương

Men theo triền núi về đầu nguồn sông A Vương (Quảng Nam) một ngày mưa cảm giác như lạc vào một miền đất khác. Ở đó, suối sát chân nhà, người đồng bào bám lấy dòng nước sống từ đời này qua đời khác.
0:00 / 0:00
0:00
Làng Aur nơi thượng nguồn A Vương.
Làng Aur nơi thượng nguồn A Vương.

Dòng sông A Vương bắt nguồn từ con suối Mơ Răng. Nơi đây là vùng đất sinh sống bao đời của cộng đồng làng Aur thuộc xã A Vương, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam.

Aur uống nước đầu nguồn

Bỏ lại xe máy dưới chân núi, chúng tôi bắt đầu chuyến cuốc bộ gần tám giờ đồng hồ.

Càng leo lên đỉnh ngọn núi, đường đi càng hẹp.

Vách núi hun hút. Sau mấy ngày mưa dầm, đất sét mềm ra. Dòng suối Mơ Răng ôm sát khe núi theo con đường dẫn lên làng Aur. Mơ Răng góp những mạch nước từ rừng xanh đổ về hòa vào dòng A Vương nơi hạ nguồn. Nhờ có hệ rừng xanh, quanh năm con suối luôn đầy nước, mát lạnh.

Đặt chân đến cổng làng Aur, cảnh vật tự nhiên xanh biếc, vắng lặng lạ lùng. Hụt chân xuống con suối trước cổng làng, cái lạnh ê buốt như bó chặt chân tôi. Trẻ con xứ này quen con nước Mơ Răng từ thuở lọt lòng. Chúng không sợ lạnh mà còn hòa mình với nước.

Già làng Alăng Reng thấy có khách lạ đến, già với tay lấy chiếc chiêng đánh một hồi như muốn chào đón khách thăm làng. Gian bếp giữa nhà già làng Alăng Reng luôn đỏ lửa cả ngày. Già kể để có được xi-măng trám cái bếp, phải mất gần một ngày đường của ba người gùi một bao xi-măng từ trung tâm huyện về làng. Cuộc sống đoàn kết nơi miền sơn cước Aur thể hiện rõ ngay chính chiếc giàn phơi lúa chung. Chiếc giàn ghép từ mấy thanh tre đơn sơ nhưng được bố trí chính giữa sân làng. Hướng các ngôi nhà đều nhìn thẳng giàn phơi, bởi theo già Reng, hạt lúa có được chính từ công sức dân làng. Ai cũng đóng góp sức lực vào đó.

Mỗi tháng, dân trong Aur ra trung tâm xã A Vương vài lần. Chủ yếu họ mua nhu yếu phẩm cần thiết. Lương thực trên nương, con cá dưới suối đồng bào đều có, no cả năm.

“Ở đây, dân làng chỉ dùng ngọn nước trên cao mình lấy về, đường ống cỡ bằng cổ tay. Nước lấy về để nấu cơm, tắm rửa. Lúc trời mưa to, nước bị đục, rác cỏ làm tắc ống dẫn, mình kêu con cháu cùng đi sửa ống”, già Reng bảo.

Xưa, cuộc sống cộng đồng ở Aur có tập tục con cháu dù có vợ chồng, sinh con thì vẫn ở chung với bố mẹ, ông bà trong một nhà. Nhưng từ ngày đất nước giải phóng đến nay, con cái có gia đình sẽ ra ở riêng, dù nhà mới sát vách nhà bố mẹ. Các gia đình của người lớn tuổi trong làng Aur bây giờ thường có các con đã lấy vợ rồi, mỗi người con có một nhà riêng. Khi nào có thức ăn ngon, bố mẹ mang cho con cháu, các con bắt được gì từ rừng sẽ mang qua cho bố mẹ. Dù ở riêng nhưng họ vẫn quan tâm, giúp đỡ lấy nhau.

Nhiều thế hệ dân làng bám lấy con suối để trồng cây sắn, dẫn nước về uống. Họ coi mạch nước như người mẹ thiên nhiên. Càng ngược lên đầu nguồn con suối, giữa mây núi đá tứ bề chỉ độc nhất tiếng suối róc rách chảy. Có đoạn suối Mơ Răng băng qua vách đá chảy về xuôi tạo ra con thác, bọt tung trắng xóa. Nước trong vắt.

Hiện nay, Aur có tổng cộng 21 hộ dân với 106 khẩu, tất cả đều là người đồng bào Cơ Tu. Aur về chiều, trời bắt đầu lạnh. Hơi nước phủ kín cả bạt ngàn cây lớn. Tối ở Aur, ánh điện le lói của mấy tấm pin năng lượng mặt trời không đủ sáng khoảng sân. Nhà của người đồng bào Cơ Tu đều có gian bếp lửa giữa nhà. Ánh sáng đỏ từ lửa xua đi cái lạnh giữa rừng.

Gian bếp thường xuyên nấu cơm, than đỏ vẫn liêu riêu (liu riu) suốt cả ngày. Đây cũng là một mẹo nhỏ của đồng bào mỗi khi bị cảm lạnh, đi rừng về mệt mỏi, họ đến bên bếp lửa hơ hơi ấm lấy lại sức. Bên tiếng than nổ tí tách, già Reng kể chuyện xưa của làng: “Truyền thống lâu đời ông cha bày lại là cứ hơ lửa ấm cái bụng sẽ ít bị đau. Nghe trong người lạnh lạnh là ôm bếp lửa ngay, khỏe liền. Buổi sáng mình thấy cái lá rụng nhiều rồi là dọn, chiều cũng dọn. Nhà ai cũng dọn, quen rồi.

Người Aur chuyên cần

Các anh Arất Phươi, Ating Den rời khỏi nhà từ tinh mơ. Già Reng thức dậy, họ đã đi làm đường hết. Cả làng chỉ còn mấy đứa trẻ đợi mẹ chúng làm nương sắp về. Cây lúa trên nương, dân làng Aur gặt về để chung một kho. Thành quả lao động đó dùng cho cả năm chờ ngày giáp hạt. Việc lấy lúa trong kho đều phải thông qua ý kiến người già làng, người có uy tín. Ngày ăn mừng lúa mới, ai có gì đều mang ra mái nhà Gươl chung vui cả làng. Những lần trúng mùa, có nhà nấu 30 lon gạo, mổ con heo, hai ba con gà thì sẽ đem ra Gươl để mời cả làng đến ăn chung. Đoàn kết cộng đồng trong làng Aur này phải thông qua mái nhà Gươl truyền thống đặt chính giữa khuôn viên làng.

Cuộc sống nơi đầu sông A Vương bị tách biệt với bên ngoài nên người làng đều lo cái ăn rất kỹ lưỡng. Họ ăn uống chắc bụng để đi rẫy nhiều ngày. Mấy chục năm qua, không có hàng quán nào mở ở Aur do vận chuyển hàng quá khó nhọc. Củ sắn, lon gạo là ba bữa ăn. Họ luôn giữ nền nếp ăn đủ các bữa trong ngày, tránh bỏ bữa.

Nhớ lại ngày mới lập làng, già Reng cho biết ngày đó đi lại vất vả hơn hiện nay nhiều lần. Lối đi bị dây leo bịt bùng chằng chịt, cây cổ thụ cản đường. Mỗi tháng dân làng băng rừng ra mua chai mắm, vài ký muối ăn mà đi cả ngày chưa đến nơi. “Ba - bốn mươi năm trước, tôi còn trẻ hay đi rừng bắt con heo. Con to nhất tôi bắt được ngày đó dùng gang tay đo vòng bụng nó, được sáu gang tay. Trên rừng này không tính nặng bao nhiêu ký được, đo thôi. Đó là chuyến đi gần một tuần của tôi”, vị già làng phấn khởi kể.

Đứng từ đỉnh núi Aur nhìn ra, dòng nước chảy về hướng đông bắc là địa phận của tỉnh Thừa Thiên Huế, bên này đổ về hướng đông nam là khu vực của tỉnh Quảng Nam. Trên bản đồ, làng Aur nằm cách Thừa Thiên Huế không bao xa nhưng đi băng rừng mất gần sáu giờ đồng hồ.

Dòng suối Mơ Reng ngày hè hiền hòa, róc rách len qua kẽ đá. Ngày mưa nguồn tràn xuống, có những đoạn đường lên làng bị chia cắt. Đá trôi rơi tận hố sâu. Ngôi làng lại một phen bị cô lập. Chuyển được miếng tôn lên đầu nguồn con suối làm nhà phải cần sự tích cực toàn dân. Mấy đứa trẻ đi nương rẫy với mẹ mất cả một giờ đồng hồ mới lên tới nơi. Họ sống nhờ rừng, nhờ suối nước. Muốn chặt cây gì, bắt con gì cũng xin phép lực lượng bảo vệ rừng, người già trong làng mới dám làm.

Tự hào về bộ chiêng, trống của Aur, già Reng nói: “Khi nào làng mình có làm đám cưới, cúng lúa mới thì sẽ mang trống ra đánh, ngày thường không ai dám đánh trống đâu. Thanh niên đi bẫy được heo rừng thì phải cúng lễ, đánh chiêng trống mừng. Mùa mưa nước suối đổ dồn về ngay trước cổng làng, có năm dâng lên sát sàn nhà Gươl. Có năm tháng 9, 10 làng bị ngập. Có năm tháng 11 mới ngập là hết cỡ rồi. Nhưng rồi cũng qua…”.

Người già trong làng đều biết đánh trống nhưng không bao giờ mang ra đánh hằng ngày. Họ quy ước chỉ khi có việc chung, lễ cúng kính mới được phép mang trống ra đánh. Cuộc sống nơi hẻo lánh, niềm tin và sự kính trọng vùng đất rất quan trọng với đồng bào Cơ Tu. Lớp trai trẻ, con cháu đều muốn được học đánh trống, vậy nhưng chỉ vào dịp làng có việc quan trọng thì thanh niên mới có cơ hội học chơi trống.

Sông A Vương miền xuôi đầy nước cũng chính bởi có suối Mơ Răng góp phần vào. Đồng bào Cơ Tu thương rừng, mến con suối bao nhiêu thì dòng chảy A Vương như một bản nhạc hòa tấu, nơi đó có nét văn hóa bản địa, mộc mạc hòa nhịp cùng. Chia tay Aur, tôi rảo bước xuôi theo dòng chảy uốn lượn bên chân.

Một đoạn nữa thôi, sông A Vương hiện ra ngay trước mắt…