Facebook, YouTube, TikTok, Zalo, LinkedIn… là những nền tảng mạng xã hội đang ngày càng trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của nhiều người. Số liệu cho thấy, hiện có gần 80% dân số Việt Nam sử dụng mạng xã hội cho mục đích giải trí, trò chuyện, mua sắm, tìm kiếm việc làm, khai thác và phát triển nội dung…
Bên cạnh những mặt tích cực, mạng xã hội cũng đang trở thành công cụ để nhiều đối tượng xấu lợi dụng tiếp cận với người dùng nhằm tung tin giả, lừa đảo trực tuyến, đặc biệt thông qua các tài khoản ảo.
Xác minh tài khoản - bước đi cần thiết
Nhằm góp phần hạn chế thấp nhất tình trạng lừa đảo, minh bạch các giao dịch trên không gian mạng, Nghị định 147/2024/NĐ - CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 25/12/2024 với một điểm đáng chú ý là yêu cầu tất cả các tài khoản mạng xã hội tại Việt Nam phải được xác thực bằng số điện thoại chính chủ mới có thể hoạt động.
Mặc dù được đánh giá là biện pháp tương đối mạnh, có thể khiến nhiều người dùng phải thực hiện thêm nhiều thao tác khi sử dụng mạng xã hội, nhưng phần đông đều ủng hộ và đánh giá tích cực đối với quy định này.
Là người sở hữu 3 tài khoản của 3 mạng xã hội khác nhau, nhưng anh Vũ Hoàng Quân thấy không gặp quá nhiều vướng mắc khi thực hiện việc xác minh tài khoản.
“Bản thân mình rất hay sử dụng mạng xã hội. Nhiều khi có những thông tin tiêu cực từ các tài khoản không chính danh. Điều này gây ảnh hưởng xấu đến bản thân mình hoặc thế hệ tương lai. Nghị định của Chính phủ buộc phải xác định danh tính tài khoản mạng xã hội để mọi người có những hành vi ứng xử trên không gian mạng đúng và chính xác hơn”, anh Quân nói.
Cùng chung quan điểm này, chị Nguyễn Phương Linh, một hộ kinh doanh trực tuyến cho rằng, xác minh tài khoản rất có lợi cho bản thân. Khi mình giao tiếp với khách hàng trên mạng xã hội, nếu là nick thật sẽ giúp mình thấy rất an toàn. Đặc biệt bản thân khi xác minh cũng tạo dựng được lòng tin cho người mua hàng.
“Trước đây, nhiều khách hàng sử dụng tài khoản ảo, giả để mua hàng rồi bom hàng không nhận mà mình cũng không biết phải làm sao. Giờ các tài khoản trên mạng đều phải đăng ký chính danh sẽ giúp người bán hạn chế được tình trạng này”.
Kiên quyết xử lý tình trạng vô danh trên mạng xã hội
Nghị định 147/2024/NĐ-CP của Chính phủ áp dụng với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.
Theo đó, người dùng mạng xã hội phải cung cấp thông tin cá nhân cơ bản gồm họ tên, ngày sinh, số điện thoại di động tại Việt Nam hoặc ID (nếu không có số điện thoại). Mạng xã hội phải thực hiện xác thực người dùng qua số điện thoại hoặc số định danh cá nhân đã đăng ký.
Chỉ các tài khoản mạng xã hội đã được xác thực mới được cung cấp thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Các tài khoản mạng xã hội thực hiện livestream với mục đích thương mại như bán hàng, có phát sinh doanh thu thì phải xác thực bằng số định danh cá nhân.
Nghị định quy định người sử dụng được bảo vệ thông tin theo quy định của pháp luật, đồng thời phải chịu trách nhiệm về nội dung do mình cung cấp, lưu trữ, truyền đưa, chia sẻ trên mạng; tuân thủ quy định pháp luật chuyên ngành khi cung cấp dịch vụ chuyên ngành trên mạng xã hội; tuân thủ quy định về thuế và thanh toán khi có hoạt động kinh doanh, phát sinh doanh thu.
Các chủ kênh/tài khoản/nhóm cộng đồng/trang cộng đồng (fanpage) trên các mạng xã hội tại Việt Nam có quyền và trách nhiệm được đăng ký để tham gia các khóa tập huấn, phổ biến quy định pháp luật của Bộ Thông tin và Truyền thông và được khuyến nghị lựa chọn quảng cáo; không đặt tên kênh/tài khoản/nhóm cộng đồng/trang cộng đồng giống hoặc trùng với cơ quan báo chí hoặc gây nhầm lẫn với cơ quan báo chí…
Theo các chuyên gia, Nghị định 147 là một bước tiến chiến lược trong việc xây dựng không gian mạng an toàn và minh bạch. Khi tất cả tài khoản được xác thực, các hành vi như phát tán tin giả, bôi nhọ danh dự, hay lừa đảo trực tuyến sẽ được kiểm soát tốt hơn.
Bà Phạm Thị Quyên, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Liên minh Sáng tạo nội dung số Việt Nam đánh giá, về mặt quản lý, việc định danh tài khoản trên mạng xã hội sẽ hạn chế được tiêu cực hiện nay như tình trạng giả danh, mạo danh... Về góc độ kinh tế số, việc định danh tài khoản mạng xã hội sẽ hạn chế tình trạng vi phạm bản quyền nội dung số đang diễn ra rất nhức nhối.
Theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, các quy định mới sẽ giải quyết được tình trạng “vô danh nên vô trách nhiệm”. Các nền tảng phải cung cấp thông tin người sử dụng cho Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an khi có yêu cầu đối với những tài khoản, trang, kênh có dấu hiệu vi phạm.
Có hiệu lực thực hiện từ ngày 25/12/2024, tuy nhiên các đơn vị cũng được tạo điều kiện về thời gian chuẩn bị. Điều này có nghĩa sau 90 ngày kể từ ngày Nghị định 147 có hiệu lực, tức ngày 25/3/2025, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không thực hiện theo quy định sẽ bị xử lý theo quy định.
Thống kê cho thấy, lừa đảo trực tuyến trong năm 2024 gây ra những hậu quả nặng nề cho hàng trăm nghìn người dùng tại Việt Nam với tổng mức thiệt hại lên tới 18.900 tỷ đồng. Trung bình cứ 220 người dùng điện thoại thông minh tại Việt Nam thì có 1 người trở thành nạn nhân của lừa đảo trực tuyến.