Phát triển thị trường bán lẻ bền vững

Việt Nam đứng vị trí thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng và mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu và trong khoảng từ 5 - 10 năm tới, kinh tế Việt Nam nói chung và hệ thống bán lẻ nói riêng vẫn được đánh giá rất tiềm năng và có mức độ hấp dẫn hàng đầu trong khu vực. Thị trường hàng hóa tiêu dùng của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với sự đa dạng về sản phẩm, dịch vụ và kênh phân phối hiện đại, đặc biệt là thương mại điện tử.
0:00 / 0:00
0:00
Thương mại điện tử đang là kênh bán hàng có tốc độ tăng trưởng cao thời gian gần đây. Ảnh: NAM HẢI
Thương mại điện tử đang là kênh bán hàng có tốc độ tăng trưởng cao thời gian gần đây. Ảnh: NAM HẢI

Đầy tiềm năng

Tại Diễn đàn Chính sách và Pháp luật phát triển thương mại trong nước năm 2024 với chủ đề “Phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại nhanh, bền vững” mới đây, các ý kiến đưa ra nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoàn thiện hệ thống pháp lý, tạo ra một hành lang pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp bán lẻ phát triển. Ngoài ra, việc áp dụng các xu hướng công nghệ tiên tiến, như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), và các công cụ phân tích dữ liệu trong quản lý chuỗi cung ứng sẽ giúp tối ưu hóa hoạt động bán lẻ, góp phần tạo ra một thị trường bán lẻ xanh, bền vững và thân thiện với môi trường. Cùng với đó là việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành bán lẻ hiện đại.

Chia sẻ về xu hướng và cơ hội phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công thương) Vương Quang Lượng cho hay, theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsel, tại khu vực châu Á, thị trường bán lẻ Việt Nam là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng cao thời gian gần đây.

Nhằm nâng cao chất lượng và trách nhiệm xã hội trong cung cấp hàng hóa tiêu dùng, theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD) Nguyễn Thị Thu Thủy, thị trường hàng hóa tiêu dùng của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với sự đa dạng về sản phẩm, dịch vụ và kênh phân phối hiện đại, đặc biệt là thương mại điện tử. Tuy nhiên, trước áp lực cạnh tranh gay gắt của doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhận thức và sự thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng cần đánh giá sâu sắc tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng hàng hóa gắn với tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội. Điều này đòi hỏi sự đồng lòng, nỗ lực và trách nhiệm từ doanh nghiệp, Nhà nước và người tiêu dùng.

Xu hướng phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn tạo cơ hội cho ngành bán lẻ phát triển các mô hình kinh doanh bán lẻ hiện đại, xanh hóa chuỗi cung ứng và đẩy mạnh phân phối, tiêu dùng các sản phẩm xanh, thân thiện môi trường. Do đó, cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát và thực thi pháp luật liên quan đến chất lượng và trách nhiệm xã hội đối với hàng hóa tiêu dùng. Cùng đó, cải thiện nâng cấp và đầu tư mạnh tay cho hệ thống logistics trong nước.

Về phía doanh nghiệp, cần tạo "cú huých" trong việc đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển (R&D) để cải tiến sản phẩm; đầu tư đổi mới sản phẩm cả về thiết kế lẫn chức năng để gia tăng cơ hội cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu cao, đa dạng của người tiêu dùng.

Phát triển thị trường bán lẻ bền vững ảnh 1

Hệ thống bán lẻ đang đối mặt nhiều cơ hội và thách thức. Ảnh: SONG ANH

Hoàn thiện thể chế

Nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp bán lẻ phát triển, Giám đốc Pháp chế Wincommerce Đoàn Thị Hương Thanh đề nghị, Chính phủ và các cơ quan, bộ, ban, ngành hoàn thiện và ban hành các chính sách liên quan đến cạnh tranh giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam để bảo đảm tính cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế, hỗ trợ hệ thống bán lẻ trong nước phát triển. Trong đó, cần thiết xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, điều kiện liên quan đến việc tham gia thị trường bán lẻ và tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng và doanh nghiệp nội địa. "Chính sách giảm 2% thuế VAT với một số mặt hàng hóa dịch vụ, chính sách tín dụng về việc giảm lãi suất huy động và cho vay để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng trong năm 2023 và năm 2024 đã mang lại sự hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp".

Đối với vấn đề phát triển bền vững, đại diện kênh bán lẻ AEON, Giám đốc cấp cao đại diện khu vực phía bắc và văn phòng Hà Nội Satoshi Nishikawa chia sẻ, vì sự phát triển bền vững, AEON hướng tới giảm tác động môi trường lên khu vực địa phương, đạt được tăng trưởng kinh tế dài hạn ở Việt Nam, hiện thực hóa sự đa dạng, công bằng và cùng tồn tại giữa mọi người. "Với xu hướng phát triển các mô hình tiêu dùng xanh và cạnh tranh lớn như hiện nay, để tồn tại và phát triển bền vững chuỗi phân phối bán lẻ hiện đại, các doanh nghiệp cần tuân thủ và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu", vị này nói.

Vụ trưởng Thị trường trong nước, Bộ Công thương Phan Văn Chinh cho rằng, hệ thống bán lẻ đóng vai trò quan trọng không chỉ trong việc kết nối giữa sản xuất và tiêu dùng mà còn là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đảng và Nhà nước luôn xác định việc phát triển hệ thống bán lẻ là nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển bền vững.

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, hệ thống bán lẻ đã và đang đối mặt với nhiều cơ hội và thách thức lớn. Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới không chỉ mở rộng thị trường mà còn thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh, tạo động lực đổi mới, nâng cao chất lượng và dịch vụ trong lĩnh vực bán lẻ. Vì vậy, phát triển hệ thống bán lẻ nhanh và bền vững cần hướng tới việc thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển các mô hình bán lẻ hiện đại; trong đó, đầu tư vào công nghệ số để phát triển các mô hình bán lẻ đa kênh, tăng cường trải nghiệm người tiêu dùng và tối ưu hóa quản trị chuỗi cung ứng.

Mặt khác, nâng cao năng lực cạnh tranh và hợp tác; trong đó, khuyến khích sự hợp tác giữa doanh nghiệp bán lẻ trong và ngoài nước nhằm chia sẻ công nghệ, kinh nghiệm và xây dựng một hệ sinh thái bán lẻ hiện đại, bền vững. Xuất phát từ thực tế, ông Phan Văn Chinh đưa ra một số khuyến nghị:

Thứ nhất, thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển các mô hình bán lẻ hiện đại trong đó đầu tư vào công nghệ số để phát triển các mô hình bán lẻ đa kênh, tăng cường trải nghiệm người tiêu dùng và tối ưu hóa quản trị chuỗi cung ứng.

Thứ hai, tăng cường năng lực cạnh tranh và hợp tác, trong đó khuyến khích sự hợp tác giữa các doanh nghiệp bán lẻ trong và ngoài nước nhằm chia sẻ công nghệ, kinh nghiệm và xây dựng một hệ sinh thái bán lẻ hiện đại, bền vững.

Thứ ba, thúc đẩy tiêu dùng bền vững và bảo vệ môi trường, trong đó đặt ra yêu cầu xây dựng các chuỗi cung ứng xanh, khuyến khích sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, giảm rác thải trong các hoạt động bán lẻ; nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và doanh nghiệp về tiêu dùng bền vững, hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn.

Thứ tư, xây dựng mạng lưới bán lẻ đồng bộ, bao trùm trong đó cần phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại không chỉ ở đô thị mà còn mở rộng tới các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, bảo đảm mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận hàng hóa và dịch vụ chất lượng.

Thứ năm, thúc đẩy hội nhập và cạnh tranh lành mạnh, trong đó điều kiện tiên quyết là tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng để khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng tham gia phát triển ngành bán lẻ, mang lại lợi ích chung cho toàn xã hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD) Nguyễn Thị Thu Thủy: Doanh nghiệp cần ưu tiên tập trung vào phát triển công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường; chuyển đổi số hỗ trợ hoạt động tìm kiếm thông tin với sản phẩm chất lượng cao, doanh nghiệp uy tín, quy trình quản lý, vận hành, sản xuất, kết nối dịch vụ nhanh chóng, hiệu quả. Hơn nữa, doanh nghiệp cam kết ưu tiên sử dụng các nguyên liệu thân thiện với môi trường; chủ động thiết lập nhiều nguồn cung ứng thay thế để bảo đảm tính bền vững và giảm rủi ro từ tính độc quyền hoặc khan hiếm của nguồn nguyên liệu.