Xu hướng lương, thưởng cuối năm
Tại các khu công nghiệp (KCN) của tỉnh Hưng Yên, nơi tập trung hơn 100 nghìn NLĐ đến từ nhiều tỉnh, thành phố, NLĐ những ngày này vừa háo hức vừa thấp thỏm và mong muốn có tiền thưởng Tết cao hơn năm ngoái. Chị Nguyễn Thúy Hằng, công nhân làm trong KCN Yên Mỹ, nói: “NLĐ ai cũng mong chờ thưởng Tết và hy vọng sẽ cao hơn năm ngoái. Chúng em mong khoản tiền thưởng sẽ nhận trước Tết để một phần dành cho chi tiêu Tết Nguyên đán, một phần phụ giúp bố mẹ và để dành dụm một chút để tiết kiệm”. Anh Nguyễn Văn Giang Hùng, KCN Yên Mỹ cho biết: “Năm nay mức thu nhập của em đã tăng hơn so với năm ngoái từ 15-20%, mong chờ thưởng Tết cũng khấm khá hơn để có tích lũy cho gia đình”.
Tại Tổng công ty May Hưng Yên, cuối năm, đơn hàng về nhiều hơn mọi năm, thu nhập thực tế của NLĐ cũng cao hơn dù chưa công bố mức thưởng Tết. Lãnh đạo công ty dự trù vẫn giữ nguyên như mọi năm là hai tháng lương, tương đương 15-18 triệu đồng, tùy người theo từng vị trí, không kể tháng lương thứ 13. Ông Chu Hữu Nghị, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty May Hưng Yên cho biết: “Dự kiến, năm nay chúng tôi có tăng một chút tiền thưởng Tết cho NLĐ vì căn cứ kết quả sản xuất, kinh doanh của công ty tốt hơn năm ngoái”.
Đối với những ngành sử dụng nhiều LĐ như dệt may, da giày, mức thưởng Tết năm nay dự báo tăng từ 7-15% do số lượng đơn hàng tăng lên. Tùy theo từng công ty, mức thưởng Tết dao động từ 1- 3 tháng thu nhập. Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam chia sẻ: “Thu nhập của NLĐ nói chung và thưởng Tết của ngành may nói riêng vẫn giữ được như những năm trước, khoảng 15-20 triệu đồng thì chắc chắn nhiều DN đạt được mức đó”. Bà Phan Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết: “Các DN cũng sẽ cố gắng hỗ trợ cho NLĐ 1 tháng lương trở lên và đặc biệt sau khi nghỉ Tết xong, có những DN sẽ hỗ trợ thêm các chi phí thưởng Tết cho NLĐ. Theo con số khảo sát sơ bộ, chúng tôi thấy, mức thưởng năm nay sẽ tăng từ 7-10% so với năm ngoái”.
Trên cả nước, tình hình việc làm những tháng cuối năm cũng có khởi sắc nên lương, thưởng Tết cũng tăng so với năm trước. Theo đánh giá của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, tình hình thưởng Tết ở các ngành nghề đều là bằng hoặc là hơn so với năm trước. Một số ngành có thưởng Tết cao như là ngành điện tử, công nghệ thông tin, chế biến thực phẩm, phát triển phần mềm và thương mại. Đối với các ngành gia công, xuất khẩu như dệt may, da giày, chế biến thủy sản mức thưởng cũng dao động từ 1 đến 3 tháng lương.
Đến thời điểm này, TP Hồ Chí Minh ghi nhận mức thưởng Tết cao nhất là 1,9 tỷ đồng. Còn tại các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long, hiện thu hút khoảng 10 triệu lao động làm việc, khảo sát từ các DN cho thấy, Tết Nguyên đán năm nay, cá biệt có trường hợp mức thưởng Tết lên đến hàng trăm triệu đồng thuộc về nhóm lao động kỹ thuật cao. Nhìn chung, mức thưởng Tết năm nay có cải thiện hơn so với năm ngoái, đặc biệt là một số ngành như dệt may, da giày, dịch vụ, logistics sẽ có thưởng Tết khá. Cụ thể, cao nhất là tỉnh Bạc Liêu 52 triệu đồng, thấp nhất là 500 nghìn đồng. Long An cao nhất là 519 triệu đồng, thấp nhất là 1 triệu đồng. Cần Thơ cao nhất là 300 triệu đồng và thấp nhất là 200 nghìn đồng. Bến Tre cao nhất là 185 triệu đồng và Hậu Giang cao nhất là 80 triệu đồng.
Tại các tỉnh, thành phố phía bắc, theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Ninh Bình về tình hình tiền lương, tiền thưởng và quan hệ lao động trong DN dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, Công ty CP Sản xuất ô-tô Hyundai Thành Công Việt Nam (KCN Gián Khẩu) có mức lương trả cho người lao động năm 2024 cao nhất là 142 triệu đồng/người/tháng. Doanh nghiệp này cũng có mức thưởng Tết Nguyên đán 2025 cao nhất 100 triệu đồng/người.
Cho đến thời điểm này, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội vẫn theo dõi chặt chẽ việc trả lương, thưởng Tết cho NLĐ trên địa bàn thành phố. So với năm trước, thưởng Tết năm nay của NLĐ có tăng hơn, có nơi mức thưởng Tết từ 1 đến 3 tháng lương. Ông Phạm Quốc Hưng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Panasonic Industrial Devices Việt Nam chia sẻ: “Công ty đang giữ bảng thưởng cao nhất cho NLĐ. So với những năm trước, Công ty đang giữ mức bảng thưởng nhiều hơn mọi năm khoảng 20%”.
Người lao động mong chờ khoản thưởng Tết cuối năm. |
Bám sát tình hình lương, thưởng Tết
Sang tháng 8/2024, chị Nguyễn Tú Linh bất ngờ nhận quyết định nghỉ việc tại một công ty xây lắp trên địa bàn quận Long Biên (Hà Nội) vì DN vẫn chưa được quyết toán nhiều công trình và còn nợ lương NLĐ. Chị đã làm các thủ tục để hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp và đến tháng 10, chị được nhận làm thu ngân tại một siêu thị ở quận Hoàn Kiếm với mức lương 6 triệu đồng/tháng. “Cả công ty cũ và mới tôi đều không thuộc diện nhận được thưởng Tết. Cuối năm, có rất nhiều khoản chi nên cuộc sống của gia đình gặp nhiều khó khăn”, chị Linh chia sẻ.
Theo Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội, vẫn còn 25% số DN báo cáo gặp khó khăn trong chi trả thưởng Tết do đơn hàng giảm, thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ông Phạm Quang Thanh, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội cho biết: “Chúng tôi tiếp cận với các chủ DN để làm sao nắm bắt được tình hình sản xuất, kinh doanh, bên cạnh đó, thuyết phục, động viên để chủ sử dụng lao động có mức hỗ trợ, lương, thưởng Tết phù hợp trong dịp Tết này”.
Theo quy định của Bộ luật Lao động hiện hành, thưởng Tết nằm trong cơ cấu chi phí của DN, căn cứ vào kết quả hoạt động kinh doanh cụ thể thì sẽ có những điều chỉnh khoản thưởng này. Việc DN thưởng Tết bằng lương tháng, lương thứ 13 hoặc trả nhiều hơn là do thỏa thuận riêng, không có quy định bắt buộc.
Tổng LĐLĐ Việt Nam là đơn vị có vai trò chỉ đạo công đoàn các cấp, chủ động tham gia với các cơ quan chức năng để có thể kiểm tra, giám sát việc người sử dụng lao động trong việc trả lương, thưởng Tết. Đến thời điểm hiện tại, theo bà Trần Thị Thanh Hà, Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam), trong các DN đều có khoản tiền thưởng Tết Nguyên đán cho NLĐ, ngoài lương tháng 13 ra là thưởng Tết. Những quy định này được nằm trong Nội quy lao động cũng như Thỏa ước lao động tập thể của DN.
Để có thể giám sát được quá trình chi, trả lương tháng thứ 13 và tiền thưởng của DN theo những cam kết của quy chế DN cũng như Thỏa ước lao động tập thể thì các cấp công đoàn đã triển khai từ sớm, phối hợp và hỗ trợ với người sử dụng LĐ để có thể có những phương án đối thoại, thương lượng về lương tháng thứ 13 và tiền thưởng Tết. “Mức đối thoại và thương lượng tiền lương, thưởng của năm nay cũng cao hơn so với năm ngoái, trung bình là cao hơn 8% so với năm ngoái cộng thêm lương tháng 13. Chính vì thế, có thể nói, tiền thưởng Tết của NLĐ cao hơn so với năm ngoái”, bà Hà cho biết.
Các tổ chức công đoàn cũng giám sát việc thực hiện lương, thưởng Tết cho NLĐ từ cơ sở và các cán bộ công đoàn luôn đồng hành, cùng phối hợp với người sử dụng LĐ. Việc giám sát này căn cứ trên những quy chế nội bộ về chi trả lương và trả thưởng của DN cũng như nội dung của Thỏa ước lao động tập thể của DN. Nó gần như những đạo luật con trong DN và chính vì thế mà công đoàn luôn cùng với người sử dụng LĐ để có thể lo phương án trả lương, trả thưởng Tết và đồng thời lắng nghe ý kiến của tập thể NLĐ.
Từ đó có thể tìm ra những biện pháp có thể đáp ứng được các đơn hàng, trả được các đơn hàng theo đúng quy định để người sử dụng LĐ có thể bảo đảm được các nguồn thu cũng như chi trả tiền lương và thưởng cho NLĐ. “Trong trường hợp DN chưa thực hiện đúng thì NLĐ có thể phản ánh trực tiếp với công đoàn cơ sở. Ở những nơi không có công đoàn cơ sở thì có thể phản ánh tới công đoàn KCN hoặc LĐLĐ các quận, huyện. Đến thời điểm này, tất cả các DN đều phải có phương án về lương, thưởng Tết. Nếu như càng gần đến Tết mà DN chưa công bố tiền thưởng thì chắc chắn có sự bất ổn về quan hệ lao động. Tổ chức công đoàn và địa phương sẽ vào cuộc kịp thời”, bà Hà nói.