Khu tưởng niệm trang nghiêm
Đến Làng Nủ hôm nay, trên nền ngôi làng cũ, những luống rau xanh mơn mởn đang vươn lên từ vùng đất sình lầy. Khu nhà Văn hóa của Làng Nủ cũ giờ đây đã trở thành Khu tưởng niệm, lưu giữ những ký ức về cơn lũ quét kinh hoàng đã xóa sổ ngôi làng. Trong đó, có nhiều bức ảnh được trưng bày ghi dấu lại thời điểm đen tối khi xảy ra bão lũ. Những hình ảnh về công tác tìm kiếm - cứu nạn, cứu hộ của các lực lượng và sự quật cường của người dân, sự chung tay của đồng bào cả nước khi dành mọi sự hỗ trợ, yêu thương cho Làng Nủ. Tại đó, có lưu giữ bức thư tay của Bí thư Huyện ủy Bảo Yên - Hoàng Quốc Bảo khi xuống đến hiện trường thì các phương tiện thông tin đều bị cắt đứt, nên buộc phải cử cán bộ băng rừng đi báo tin, ứng cứu.
Nhà tưởng niệm các nạn nhân trong vụ lũ quét Làng Nủ được xây dựng ngay sát đó. Một tấm bia lớn được dựng lên khắc ghi tên các nạn nhân đã tử nạn và mất tích do cơn bão. Ông Hoàng Văn Diệp, Trưởng thôn Làng Nủ cho biết, tất cả các hạng mục đều được thiết kế trang trọng, nhằm gợi nhớ về những mất mát to lớn. Đồng thời, nhắc nhở tinh thần vươn lên nghịch cảnh của người dân. Đây không chỉ là nơi gửi gắm ký ức, mà còn là nguồn động viên để mỗi người bước tiếp về phía trước, mang theo niềm tin và hy vọng vào tương lai. Kể từ khi khánh thành (15/12) đến nay, nhiều người dân Làng Nủ và các thôn khác trong xã Phúc Khánh cũng như các xã khác của huyện Bảo Yên đã đến đây và thắp hương tưởng niệm.
Hai vợ chồng chị Hoàng Thị Lục, người ở thôn Nậm Tông đưa con học lớp 9 Trường tiểu học và THCS Phúc Khánh 1 đến đây với tâm niệm: “Chúng tôi đưa con ra đây để con biết hơn và ghi nhớ về những gì thiên tai đã gây ra cho người dân. Tôi cũng muốn con học về tình đoàn kết, tương trợ lẫn nhau của người dân cả nước mỗi khi đồng bào gặp khó khăn, hoạn nạn. Chúng tôi hy vọng rằng, vượt qua những mất mát to lớn này, Làng Nủ sẽ hồi sinh trở lại”.
Chị Nguyễn Thị Kim (SN 1997) là người dân sinh ra và lớn lên tại Làng Nủ, học Khoa Tiểu học, Trường cao đẳng Sư phạm Lào Cai nay trở thành người thuyết minh tại Khu tưởng niệm. Trong thảm họa lũ quét, hai mẹ con chị Kim bị lũ cuốn trôi. Kim bị vỡ xương tay, thủng màng nhĩ, gãy xương sườn. Hai mẹ con được người dân cứu và chuyển tới bệnh viện huyện rồi bệnh viện tỉnh và sau đó chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) điều trị 20 ngày. Rất may, gia đình nhỏ của Kim cả ba người còn sống sót, nhưng gia đình lớn của cô mất 11 người. Khi thuyết minh về những câu chuyện của Làng Nủ, giọng nói của cô gái trẻ nghẹn ngào. Cô chia sẻ: “Bản thân em và con gái đã được cứu sống, được giúp đỡ, cuộc sống của người dân Làng Nủ đã hồi sinh. Em sẽ quyết tâm nuôi con ăn học, trở thành người có ích để phục vụ quê hương”.
Làng Nủ mới trên đồi Sim. |
Làng Nủ hồi sinh
Trên Đồi Sim, cách nơi bị lũ quét khoảng 2 km, nay một khu tái định cư khang trang đã hiện ra với 40 ngôi nhà bề thế theo kiến trúc nhà sàn truyền thống của người Tày và các công trình phụ trợ. Mỗi ngôi nhà đều có gắn số kèm tên từng chủ hộ và một khu vườn xinh xắn với hàng hoa trồng trước hiên nhà. Thôn Làng Nủ mới được xây còn có thêm nhà sinh hoạt cộng đồng rộng 300 m2, một điểm trường rộng 200 m2 gồm hai lớp tiểu học và hai lớp mẫu giáo, đầy đủ hệ thống viễn thông, điện nước bảo đảm điều kiện sinh sống ổn định và lâu dài cho người dân.
Chị Hoàng Thị Đàn, bác ruột đến ở với hai cháu Phúc và Bảo có bố mẹ đều mất trong đợt lũ không giấu khỏi niềm vui mừng khi nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và đông đảo người dân trên khắp mọi miền đất nước và cả bà con ở nước ngoài đã chia sẻ, động viên tạo nơi ăn, chốn ở mới khang trang cho các cháu mồ côi và hỗ trợ các cháu tiếp tục học tập.
Bộ Quốc phòng đã giao cho Binh đoàn 12 (Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn) thi công dự án này. Lúc 0 giờ 30 phút ngày 16/9, Thượng tá Vũ Đình Dũng, Binh đoàn 12, nhận cuộc điện thoại giao trực tiếp chỉ huy công trường tái thiết Làng Nủ. Những cuộc gọi đến nửa đêm không làm anh giật mình “bởi người lính luôn sẵn sàng nhận lệnh trong mọi tình huống”. Song Thượng tá 24 năm quân ngũ vẫn không khỏi bất ngờ vì “một nhiệm vụ cực kỳ đặc biệt trong hoàn cảnh khắc nghiệt”, Thượng tá Dũng nói. Bởi lẽ, lần này, những ngôi nhà được dựng lên không chỉ mang đến đời sống kinh tế cho bà con mà nó là chốn an cư mới của cả một cộng đồng vừa trải qua biến cố đau thương, mong muốn gây dựng lại từ đầu.
Những ngày đầu san đất lấy mặt bằng, công trường hẹp, chỉ có một khu nhà điều hành chung. Bộ đội, công nhân xây dựng ngày lên công trường, tối về chia nhau đi ở nhờ nhà dân trong thôn, một phần dựng lều lán. Ba ngày mưa liên tục cuối tháng 9 khiến núi đồi tiếp tục sụt, chia cắt đường vào làng. Lực lượng địa phương hối hả thông đường cho xe chở vật liệu không bị gián đoạn hành trình. Công trường vẫn không ngơi nghỉ, các chiến sĩ đào hố móng, chuẩn bị cốt-pha, gia công khung định vị, làm các phần lót đợi vật liệu vào. Trời tạnh, tốc độ được đẩy nhanh để bù lại những ngày mưa gió.
Khi bản vẽ những căn nhà được trao đến tay Thượng tá Dũng cũng là lúc vật liệu đã tập kết về, quân số trên công trường được huy động gấp ba, lên 200 người. Bộ đội, công nhân chạy đua trong những ngày hanh khô để lắp dựng khung, cột nhà sàn. Các kíp chia ba ca, có hôm làm đến 2 giờ sáng để hoàn thành những khung nhà đầu tiên trong tháng 10. Những căn ở sườn đồi, vị trí thấp hơn sẽ được dựng trước, để khi mưa gió không thuận vẫn có thể thi công các căn ở các nơi cao hơn.
Trong vòng 5 ngày 5 đêm, 33 căn nhà tạm cư cho bà con đã làm xong để bà con không phải cảnh màn trời, chiếu đất. Sau khi nhận mặt bằng, chỉ trong 68 ngày, Binh đoàn 12 đã bàn giao lại toàn bộ cơ sở vật chất Làng Nủ cho địa phương và bàn giao cho nhân dân quản lý sử dụng. Từ khi thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (ngày 21/9) cho đến khi khánh thành khu Làng Nủ hôm nay chỉ trong vòng 90 ngày.
Nụ cười đã nở trên khuôn mặt người dân Làng Nủ. |
Sáng 22/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang; Bộ trưởng Giao thông vận tải Trần Hồng Minh; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh... cùng đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tỉnh Lào Cai và đông đảo người dân dự Lễ khánh thành tại Làng Nủ. Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết rất xúc động vì hôm nay có mặt tại tỉnh Lào Cai để khánh thành 3 thôn Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng - các thôn bị lũ cuốn trôi trong bão Yagi hồi tháng 9/2024.
Trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị cấp ủy, chính quyền, nhân dân tỉnh Lào Cai tiếp tục khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt là “an cư phải lạc nghiệp”, phải có công ăn việc làm, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh để cho bà con có thu nhập. Thủ tướng giao từ nay đến 31/12/2025, phải nghiên cứu, thiết kế, tổ chức thi công, đầu tư xây dựng hồ đập nước tại Làng Nủ để tạo sinh thái, môi trường cảnh quan đẹp đẽ cho khu vực và nuôi trồng thủy sản trên hồ. Phương án thứ hai, khôi phục lại con suối Làng Nủ và khôi phục lại diện tích canh tác.
TS Hoàng Quốc Bảo, Bí thư Huyện ủy Bảo Yên chia sẻ: “Qua mất mát đau thương, đến nay tinh thần của bà con Làng Nủ cũng dần ổn định khi được Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước chung tay giúp đỡ, các nhà hảo tâm kết nối yêu thương lan tỏa nhân ái đồng hành. Bà con nhận nhà ở mới với tâm thế vui tươi, phấn khởi, sức sống hồi sinh trở lại tại bản làng này. Hiện bà con đang tập trung ổn định đời sống và khôi phục sản xuất lâu dài. Bà con vẫn còn nương đồi và những thửa ruộng ở xa thì vẫn tập trung canh tác. Còn diện tích bị sạt lở, vùi lấp thì chính quyền địa phương đang tập trung khôi phục để có diện tích đất canh tác lúa nước trong thời gian vụ xuân hè tới”.
Bà Vũ Thị Tư, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Khánh nói với chúng tôi mà mắt rưng rưng: “Những điều gì tốt đẹp nhất đều dành cho đồng bào mình, những gì phải làm và cần làm, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương đều dành cho Làng Nủ. Đau thương rồi sẽ qua đi, chúng tôi mong người dân ổn định tâm lý để bắt tay vào làm lại, tái thiết thôn ngày càng tươi đẹp và hạnh phúc hơn!”.