Giao thông xanh và tín chỉ carbon

Thành phố Hồ Chí Minh đang tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi giao thông sang năng lượng xanh. Mục tiêu không chỉ giảm ô nhiễm và nâng cao chất lượng sống, mà còn khai thác tiềm năng tín chỉ carbon.
0:00 / 0:00
0:00
Xe bus điện kết nối tuyến metro số 1 được đưa vào hoạt động.
Xe bus điện kết nối tuyến metro số 1 được đưa vào hoạt động.

Vừa qua, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Thành phố Hồ Chí Minh chính thức đưa vào khai thác 17 tuyến bus điện kết nối metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) phục vụ người dân đi lại thuận lợi trên tuyến metro đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh.

Hệ thống giao thông xanh

Việc vận hành 17 tuyến xe bus thuần điện không chỉ góp phần giảm ô nhiễm môi trường mà còn đánh dấu bước tiến lớn trong chiến lược chuyển đổi xanh của thành phố. Qua đó xây dựng một mạng lưới giao thông công cộng kết nối, hiệu quả và dễ tiếp cận, phù hợp với xu hướng chuyển đổi năng lượng sạch mà Chính phủ đề ra, hướng đến một tương lai giao thông thông minh, xanh và bền vững.

Cùng với đó, hệ thống trạm sạc hiện đại được đầu tư bài bản là minh chứng rõ ràng cho nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông công cộng tiên tiến. Hệ thống này không chỉ bảo đảm vận hành ổn định, tối ưu chi phí, mà còn giảm gánh nặng trợ giá từ ngân sách nhà nước.

Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh quản lý hơn 9,4 triệu phương tiện giao thông, trong đó có khoảng 980.000 xe ô-tô và hơn 8,4 triệu xe máy, phần lớn sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Hoạt động giao thông mỗi năm phát thải hơn 13 triệu tấn CO2, đứng thứ hai sau ngành công nghiệp với gần 20 triệu tấn CO2. Trước thách thức này, thành phố đã xây dựng chương trình giảm ô nhiễm giai đoạn 2020 - 2030. Một trong những mục tiêu quan trọng là giảm 90% lượng ô nhiễm không khí tăng thêm từ giao thông vào năm 2030.

Bên cạnh đó, chương trình giảm ô nhiễm của Thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng khuyến khích chuyển đổi năng lượng xanh nhằm tạo tín chỉ carbon. Thành phố đang có nhiều mô hình giao thông thân thiện môi trường như xe bus điện, xe đạp chia sẻ TNGo, dịch vụ gọi xe điện Xanh SM (sử dụng xe máy và ô-tô điện)… Hệ thống xe bus xanh đang dần trở thành xương sống trong chiến lược này.

Giai đoạn 2025 - 2030, thành phố dự kiến triển khai thêm 2.771 xe bus điện, trong đó 1.663 xe sẽ thay thế phương tiện cũ, còn 1.108 xe được đầu tư mới cho các tuyến mở rộng. Đáng chú ý, tuyến xe bus điện D4 của VinBus sau hơn 2 năm vận hành thí điểm đã nhận được phản hồi tích cực từ người dân nhờ thiết kế hiện đại, thân thiện môi trường và nhiều tiện ích.

TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, thành phố có nhiều cơ hội để phát triển thị trường tín chỉ carbon trong lĩnh vực giao thông. Trong đó cần ưu tiên các chính sách liên quan đến chuyển đổi xe bus điện, phát triển xe giao hàng chạy điện và xây dựng hệ thống đường sắt đô thị.

Tuy nhiên, ông Huy Vũ cũng chỉ ra không ít thách thức trong quá trình phát triển giao thông xanh của Thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thể, thành phố còn gặp khó khăn về hạ tầng như thiếu trạm sạc điện và chưa có quy trình chứng nhận tín chỉ carbon rõ ràng. Chi phí đầu tư phương tiện điện vẫn còn cao, gây hạn chế trong khả năng tiếp cận của người dân và doanh nghiệp.

Mặt khác, chính sách hỗ trợ còn thiếu nhất quán, nhận thức của cộng đồng và năng lực triển khai của các doanh nghiệp cũng chưa đồng đều. Những thách thức này đòi hỏi Thành phố Hồ Chí Minh phải xây dựng một chiến lược tổng thể, đồng bộ.

Đột phá từ chính sách

Nghị quyết 98 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho phép thành phố được thí điểm trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon và hưởng toàn bộ nguồn thu từ giao dịch này. Khoản thu này sẽ được sử dụng để đầu tư vào các chương trình ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh và tuần hoàn.

Phân tích sâu hơn, Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn triển khai Nghị quyết 98 cho rằng, đây là cơ sở để Thành phố Hồ Chí Minh đẩy nhanh thực hiện lộ trình bán tín chỉ carbon. Ông Lịch đề xuất 8 giải pháp để hiện thực hóa chương trình này, bao gồm: Phát triển hệ thống metro, giao thông công cộng năng lượng xanh; có chính sách giảm thuế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chuyển đổi phương tiện; tối ưu hóa giao thông đô thị, giảm ùn tắc giao thông; thay thế nhiên liệu cũ bằng CNG, điện; xây dựng hệ thống giao thông thông minh…

Để khuyến khích các doanh nghiệp vận tải tham gia vào quá trình chuyển đổi này, ngành giao thông vận tải (GTVT) Thành phố Hồ Chí Minh đề ra nhiều chính sách hỗ trợ tài chính. Cụ thể, đối với doanh nghiệp đầu tư xe bus điện sẽ được phép vay vốn lên tới 85% tổng mức đầu tư dự án (tối đa 300 tỷ đồng/dự án), với lãi suất vay cố định 3%. Phần chênh lệch lãi suất giữa thị trường và lãi suất cố định này sẽ do ngân sách thành phố hỗ trợ. Thời gian hỗ trợ lãi suất không quá 7 năm.

Mặt khác, doanh nghiệp đầu tư xe bus điện còn được miễn phí trước bạ đối với xe mới; giảm thuế tiêu thụ đặc biệt trong 5 năm đầu; hỗ trợ 100% tiền thuế nhập khẩu các thiết bị, phụ tùng; trợ giá trực tiếp một phần phương tiện khi mua xe mới,...

Đối với doanh nghiệp tham gia đầu tư hạ tầng, trạm sạc được vay tối đa 70% tổng mức đầu tư của dự án. Mức vốn vay hỗ trợ lãi suất tối đa 200 tỷ đồng/dự án. Lãi suất vay bằng 50% mức lãi suất cho vay đối với phần vốn vay đầu tư trong suốt thời hạn vay. Ngân sách thành phố sẽ hỗ trợ 50% mức lãi suất còn lại. Thời gian hỗ trợ lãi suất tối đa là 7 năm.

Tuy nhiên, theo PGS, TS Nguyễn Bá Hoàng, để giúp các doanh nghiệp tự tin mạnh dạn chuyển đổi và đầu tư phương tiện công cộng “xanh” này, thành phố có thể hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn 100%, lãi suất vay cố định bằng 0% trong những năm đầu thực hiện.

Mặt khác, thành phố có thể xét kỹ về năng lực tài chính, quy mô của từng doanh nghiệp để từ đó đưa ra khung chính sách hỗ trợ tài chính sát sườn hơn. Đơn cử, doanh nghiệp quy mô nhỏ, năng lực tài chính hạn chế có thể hỗ trợ vay vốn 100%, lãi suất vay cố định bằng 0% trong giai đoạn đầu 3-5 năm. Ngược lại, những doanh nghiệp lớn, có năng lực tài chính có thể áp dụng chính sách trên của thành phố đưa ra.

Giám đốc Sở GTVT Thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết, Nghị quyết 98 của Quốc hội đã trao cho Thành phố Hồ Chí Minh nhiều công cụ để thực hiện mục tiêu chuyển đổi xe xăng sang xe điện. Do đó, việc xây dựng, ban hành kế hoạch chuyển đổi và chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe bus sử dụng điện, năng lượng xanh trên là phù hợp về mặt thực tiễn và pháp luật. Kỳ vọng với những chính sách mang tính bước ngoặt sẽ góp phần thực hiện thành công lộ trình “phủ sóng” xe bus điện trong tương lai gần.

Theo Giám đốc Sở GTVT Thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm, đến nay, thành phố đã đưa vào vận hành hơn 500 xe bus sử dụng năng lượng sạch, chiếm khoảng 25% tổng số xe bus (2.200 xe).