Cấm hiện tượng tiêu cực, không cấm nhu cầu có thực
Chị Nguyễn Hồng Thanh có con học lớp 9 (quận Cầu Giấy, Hà Nội) nhớ lại: “Con tôi đã trải qua giai đoạn “khủng hoảng kéo dài” vì không học thêm với giáo viên môn Toán trên lớp chính khóa. Phần lớn học sinh cùng lớp với con tôi đều học thêm Toán với giáo viên này. Chỉ có con tôi và một bạn nữa học chỗ khác. Con tôi thi vào trường chuyên, tôi được giới thiệu một giáo viên ở trường THPT chuyên của Sở và con tôi đã học từ hè lớp 8. Tôi nghĩ đó là chuyện bình thường. Nhưng không. Trên lớp, con tôi thường xuyên bị gọi lên lớp chữa bài tập. Học sinh sao tránh khỏi những lúc sai sót. Nhưng mỗi lần sai là cháu bị cô giáo bêu riếu, nhạo báng kiểu như: làm bài như vậy mà đòi thi chuyên, bài dễ như vậy làm vẫn sai, hổng kiến thức”.
Chị Thanh còn cho biết: “Mỗi lần kiểm tra hay thi môn Toán, đề ra lại khác với đề cương cô cho ôn tập trên lớp mà lại giống như dạng luyện tại lớp học thêm. Những học sinh đi học thêm lớp của cô thường có điểm số rất cao, còn con tôi và một số bạn không đi học thêm thường điểm thấp. Cháu sinh ra mất tự tin, xin bố mẹ thôi không thi vào lớp 10 chuyên nữa”.
Cuối cùng gia đình chị Thanh phải chọn cách đi học thêm cả hai nơi để mong có sự yên ổn.
Nhiều phụ huynh cho rằng, với việc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Thông tư mới số 29 (30/12/2024) quy định về dạy thêm, học thêm sẽ không còn tình trạng nêu trên. Theo đó, Thông tư có những thay đổi như: Không dạy thêm với học sinh tiểu học, không dạy thêm (có thu tiền) với học sinh chính khóa; không xen kẽ giờ dạy thêm với giờ học chính khóa…
Bộ GD&ĐT cho biết, trong quá trình xây dựng Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm, đã tổ chức lấy ý kiến 63 sở GD&ĐT, các hiệu trưởng, cán bộ quản lý giáo dục thông qua nhiều hình thức khác nhau như gửi văn bản lấy ý kiến trực tiếp, tổ chức các hội nghị, hội thảo…
Phát biểu ý kiến tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (ngày 21/10/2024), Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật, trong đó yêu cầu dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”. Cũng tại kỳ họp này, khi thảo luận về dự thảo Luật Nhà giáo, nhiều đại biểu Quốc hội đã khẳng định: Dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thực của xã hội và trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT là phải ban hành quy định để quản lý vấn đề này. Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư và tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, nhà quản lý, chuyên gia và ý kiến của người dân qua các phương tiện thông tin đại chúng, khi xây dựng Thông tư mới quy định về dạy thêm, học thêm, Bộ GD&ĐT xác định chỉ cấm những hiện tượng tiêu cực chứ không cấm những nhu cầu có thực và chính đáng của cả người dạy và người học.
Thông tư được xây dựng trên các quan điểm: Thứ nhất, dạy thêm, học thêm liên quan đến hoạt động giáo dục, tới học sinh và giáo viên nên cần phải quản lý thông qua việc ban hành các quy định nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của giáo viên, học sinh, gia đình học sinh theo các quy định hiện hành. Bộ GD&ĐT có trách nhiệm ban hành quy định bảo đảm việc dạy thêm, học thêm phải tuân thủ các quy định của pháp luật đối với giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên. Thứ hai, tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm không ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện chương trình giáo dục của nhà trường; không ảnh hưởng tới việc thực hiện chương trình môn học của giáo viên. Thứ ba, tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm lợi ích của học sinh; ngăn chặn các nguy cơ dẫn đến tình trạng học sinh mặc dù không có nguyện vọng, không có nhu cầu nhưng vẫn phải đi học thêm ở các lớp dạy thêm do nhà trường, giáo viên tổ chức.
Dạy thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh
Theo Thông tư mới ban hành, các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm gồm: Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: Bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục - thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.
Về vấn đề giám sát việc dạy thêm, học thêm, Thông tư quy định: Việc giám sát không chỉ có ngành giáo dục hay chính quyền địa phương, mà còn phải có giám sát toàn dân, của chính học sinh và phụ huynh trên cơ sở những quy định đã được ban hành.
Đối với dạy thêm, học thêm trong nhà trường, Thông tư mới hạn chế đối tượng được học thêm trong nhà trường gồm: Những đối tượng thuộc trách nhiệm của nhà trường và không thu tiền của học sinh: (i) Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; (ii) Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; (iii) Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Về đối tượng người dạy: Thông tư mới quy định giáo viên thuộc các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường để hạn chế việc đưa học sinh ra ngoài dạy thêm.
Về kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm: 3 đối tượng này thuộc trách nhiệm của nhà trường phải bồi dưỡng, được đưa vào nội dung xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường để đáp ứng mục tiêu giáo dục, bảo đảm quyền lợi của tất cả học sinh phải đáp ứng được yêu cầu cần đạt của chương trình và không thu tiền học của học sinh.
Bên cạnh đó, Thông tư quy định về việc xếp lớp, phân công giáo viên, xếp thời khóa biểu và tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm yêu cầu sau: Lớp dạy thêm được xếp theo môn học đối với từng khối lớp; mỗi lớp có không quá 45 học sinh theo quy định của Điều lệ trường phổ thông; trong một tuần, mỗi môn học thêm không quá 2 tiết (để bảo đảm không vượt quá số tiết trung bình của các môn học theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông); không xếp giờ dạy thêm xen kẽ với thời khóa biểu thực hiện chương trình chính khóa (để hạn chế tiêu cực bắt ép học sinh học thêm); không dạy thêm trước các nội dung so với phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Các quy định như trên nhằm bảo đảm tăng cường trách nhiệm của nhà trường trong việc thực hiện đầy đủ yêu cầu cần đạt theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông. Các trường có cơ hội dành quỹ thời gian và không gian chưa được khai thác hết để tổ chức các hoạt động giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống, tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao… nhằm phát triển toàn diện học sinh; đồng thời, hạn chế được hành vi “ép buộc học sinh học thêm” gây bức xúc trong dư luận.
Theo Thông tư 29, các tổ chức, cá nhân được phép kinh doanh dạy thêm, học thêm và phải tăng cường công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ sở dạy thêm hoặc niêm yết tại cơ sở dạy thêm về các môn học được tổ chức dạy thêm, học thêm; thời lượng dạy thêm của từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm nhằm tăng cường sự giám sát của toàn dân và sự quản lý an toàn, an ninh của cấp xã đối với cơ sở dạy thêm.
Thông tư tăng trách nhiệm quản lý của hiệu trưởng đối với giáo viên thuộc sự quản lý của mình khi tham gia dạy thêm ngoài nhà trường bằng quy định: “Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với hiệu trưởng về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm”.
Mức thu tiền học thêm ngoài nhà trường do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh, học sinh với cơ sở dạy thêm. Việc thu, quản lý, sử dụng tiền học thêm thực hiện theo quy định của pháp luật về tài chính, tài sản, kế toán, thuế và các quy định khác có liên quan.
Theo quy định của Thông tư mới, tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh để chịu sự quản lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp.