Triển vọng tăng trưởng bền vững trong năm 2025

Tiếp nối những thành tựu kinh tế ấn tượng của năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đang sẵn sàng bước vào năm 2025 với kỳ vọng tiếp tục duy trì nhịp tăng trưởng bền vững trên mọi lĩnh vực.
0:00 / 0:00
0:00
Dây chuyền hàn tự động của Nhà máy ô-tô Trường Hải. Ảnh: BẮC SƠN
Dây chuyền hàn tự động của Nhà máy ô-tô Trường Hải. Ảnh: BẮC SƠN

Song hành với triển vọng tích cực là các thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, theo PGS, TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), nền kinh tế Việt Nam năm 2025 có cơ sở để kỳ vọng vào sự phục hồi mạnh mẽ nhờ kiểm soát lạm phát hiệu quả, ổn định tỷ giá và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Kỳ vọng từ tín hiệu tích cực

Thị trường nội địa, với sức tiêu dùng ngày càng tăng và tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng, vẫn là động lực quan trọng cho tăng trưởng. Các lĩnh vực công nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản và du lịch tiếp tục duy trì đà phát triển. Đồng thời, sự phục hồi thương mại toàn cầu cũng mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam, nhất là khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA và CPTPP đang tạo ra lợi thế cạnh tranh về thuế quan.

Theo PGS, TS Ngô Trí Long, những tín hiệu tích cực này góp phần quan trọng trong việc củng cố niềm tin của nhà đầu tư và doanh nghiệp. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo GDP Việt Nam năm 2025 có thể tăng trưởng 6,2%, cao nhất khu vực Đông Nam Á, trong khi Ngân hàng United Overseas Bank (UOB) đưa ra con số 6,6%.

Không chỉ có yếu tố nội tại, sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu cũng đang mang lại lợi ích lớn cho Việt Nam. Trong bối cảnh các doanh nghiệp quốc tế tìm kiếm các địa điểm sản xuất thay thế, Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất tiềm năng nhờ vào vị trí địa lý thuận lợi, chi phí lao động cạnh tranh và môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện.

Đồng quan điểm, báo cáo chiến lược năm 2025 vừa công bố của Công ty Chứng khoán MB (MBS) cũng chỉ ra 6 yếu tố chính định hình triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm nay, gồm: Sản xuất tăng tốc và xuất khẩu phát triển; giải ngân vốn đầu tư công; lạm phát vẫn dưới mức mục tiêu (4,5%); Trump 2.0 và tác động đến kinh tế Việt Nam; triển vọng phục hồi của Trung Quốc; cân bằng chính sách tiền tệ.

Cụ thể, MBS dự báo xuất khẩu Việt Nam sẽ tăng 9-10% trong năm 2025 nhờ thương mại toàn cầu sôi động và các hiệp định khu vực; giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 sẽ đạt khoảng 85-90% kế hoạch, tăng trưởng từ 24-31% so với năm 2024, với sự thúc đẩy từ các dự án lớn và cải thiện cơ chế phân bổ vốn.

Ngoài ra, dưới áp lực của đồng USD mạnh, MBS dự báo chính sách tiền tệ Việt Nam sẽ thận trọng hơn, không kỳ vọng cắt giảm lãi suất chính sách và duy trì lãi suất thấp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cùng với đó, chính sách thuế quan, điều tra thương mại và ảnh hưởng từ giá dầu có thể tác động tiêu cực đến thương mại và tỷ giá VND/USD.

Tuy nhiên, trong bức tranh sáng của nền kinh tế năm 2025 vẫn tồn tại những mảng tối. Nền kinh tế toàn cầu đối mặt với những thách thức từ lạm phát cao, suy thoái tại nhiều khu vực và căng thẳng địa chính trị. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2025 dự kiến chỉ đạt 3,2%, thấp hơn so với mức trung bình trước đại dịch.

Điều này có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam khi các thị trường lớn như Mỹ và EU tiếp tục thắt chặt chi tiêu. Đặc biệt, các chính sách bảo hộ thương mại của một số quốc gia, nếu gia tăng, sẽ tạo áp lực lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Ngoài ra, việc giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tuy mang lại lợi ích về chi phí vay vốn nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro từ biến động tỷ giá. Đồng USD suy yếu có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu đầu vào bằng ngoại tệ.

Triển vọng tăng trưởng bền vững trong năm 2025 ảnh 1

Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA và CPTPP đang tạo đà cho doanh nghiệp phát triển sản xuất. Ảnh: HẢI NAM

Chính sách hỗ trợ và cải cách mạnh mẽ

Để đối phó với những thách thức và tận dụng cơ hội, Chính phủ cần tiếp tục triển khai các giải pháp mang tính đột phá. Một trong những nhiệm vụ hàng đầu là cải cách thể chế và tinh gọn bộ máy hành chính. Theo PGS, TS Ngô Trí Long, các chính sách cải cách, chống lãng phí và nâng cao hiệu quả quản lý sẽ tạo động lực quan trọng để thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh.

Việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia, cũng là yếu tố quan trọng để kích thích nền kinh tế. Theo các chuyên gia, cần ưu tiên vốn cho các lĩnh vực hạ tầng, giáo dục và công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh dài hạn.

Ngoài ra, Chính phủ cần thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt và thận trọng. Việc giữ lạm phát ở mức thấp và ổn định tỷ giá là điều kiện tiên quyết để duy trì niềm tin của nhà đầu tư và bảo đảm sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh các yếu tố truyền thống như đầu tư công và xuất nhập khẩu, năm 2025 cũng là thời điểm Việt Nam cần đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới. Chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu, không chỉ trong lĩnh vực kinh doanh mà còn trong quản lý nhà nước và đời sống xã hội. Các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng công nghệ để tối ưu hóa sản xuất, nâng cao hiệu quả và giảm chi phí.

Phát triển bền vững, với trọng tâm là chuyển đổi xanh, cũng là xu hướng quan trọng. Chính phủ cần thúc đẩy đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính. Điều này không chỉ giúp Việt Nam đáp ứng các cam kết quốc tế về môi trường mà còn mở ra cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư từ các quỹ xanh trên thế giới.

Hai kịch bản tăng trưởng trong năm 2025

Dựa trên các phân tích, PGS, TS Đinh Trọng Thịnh đã đưa ra hai kịch bản tăng trưởng kinh tế cho năm 2025. Trong kịch bản thận trọng, GDP có thể tăng trưởng từ 6,8-7,3%, trong khi lạm phát giữ ở mức 3,2-3,5%. Trong kịch bản tích cực, GDP có thể đạt 7,3-7,8%, với lạm phát dao động ở mức 3,5-3,8%.

Dù vậy, để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, bao gồm giảm thuế, phí và lãi suất vay vốn. Các doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách đầu tư vào công nghệ và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Triển vọng tích cực của năm 2025 không chỉ đến từ nội lực của nền kinh tế mà còn từ các chính sách điều hành linh hoạt và hiệu quả của Chính phủ. Nếu các chính sách được triển khai đồng bộ và quyết liệt, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực. Với tinh thần đổi mới và quyết tâm mạnh mẽ, năm 2025 hứa hẹn sẽ là năm bản lề, đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển bền vững của kinh tế Việt Nam trong tương lai.

Nhiều tổ chức kinh tế và chuyên gia quốc tế đã đưa ra những nhận định tích cực về sự phát triển kinh tế của Việt Nam, đồng thời bày tỏ lạc quan về triển vọng tăng trưởng trong giai đoạn tới.

Ông Frederic Neumann, Chuyên gia kinh tế trưởng Khối Nghiên cứu kinh tế châu Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng HSBC, đánh giá: “Việt Nam là một trong những nền kinh tế có thành tích xuất sắc nhất trong khu vực châu Á và đang ở vị trí trung tâm của quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu. Chúng ta đang chứng kiến nhiều chuỗi cung ứng chuyển dịch và Việt Nam nổi lên như một điểm đến hàng đầu trong xu hướng này. Đây chính là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước”.

TS Andreas Stoffers, đến từ Đại học Khoa học ứng dụng kinh tế và quản lý (FOM), Cộng hòa Liên bang Đức, chia sẻ: “Các con số đã nói lên sức mạnh của nền kinh tế Việt Nam. Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc cải thiện thể chế, tháo gỡ các rào cản và khắc phục khó khăn. Những yếu tố nền tảng của kinh tế Việt Nam vẫn rất tích cực, nhờ vào cam kết mạnh mẽ đối với nền kinh tế thị trường, tự do thương mại và hội nhập toàn cầu. Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, và tôi tin rằng hầu hết các mục tiêu kinh tế đặt ra trong năm nay đều có thể được thực hiện thành công”.