Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản thủ tục
Luật được thông qua với 6 nhóm nội dung chính, gồm quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực; phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới; điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực; hoạt động mua bán điện; quản lý, vận hành hệ thống điện; an toàn sử dụng điện sau công-tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện.
Riêng với phát triển dự án điện gió ngoài khơi, quy định của Luật Điện lực (sửa đổi) nêu rõ các bước khảo sát dự án, bao gồm việc nghiên cứu tiềm năng và đánh giá tác động môi trường, từ đó tạo cơ sở cho việc chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư. Quy trình lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án điện gió ngoài khơi được bổ sung, bảo đảm tính minh bạch và cạnh tranh, qua đó thu hút các nguồn vốn chất lượng cao và công nghệ tiên tiến.
Đây là nguồn điện mới, Việt Nam chưa có kinh nghiệm phát triển, vì vậy nhận được sự quan tâm từ nhiều tập đoàn lớn trên thế giới. Việc rời đi hồi giữa năm của 2 doanh nghiệp hàng đầu thế giới là Orsted - tập đoàn năng lượng tái tạo hàng đầu thế giới và Tập đoàn năng lượng quốc doanh Equinor (Na Uy) sau thời gian chờ đợi chính sách đã khiến nhiều nhà đầu tư hoang mang. Chính sự quyết liệt, kịp thời thông qua luật này trong một kỳ họp với nhiều nội dung mới đã giúp các nhà đầu tư thở phào.
Để nhanh chóng cụ thể hóa các mục tiêu phát triển điện gió ngoài khơi, các chuyên gia cho rằng, Bộ Công thương cần sớm hoàn thiện các nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể để các doanh nghiệp, tổ chức liên quan có căn cứ triển khai các dự án mới, góp phần bảo đảm cung ứng điện cho phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến phân cấp phân quyền, đơn giản thủ tục để thúc đẩy nhanh việc triển khai thực hiện các nguồn điện trong bối cảnh tăng trưởng điện ngưỡng 11-13%.
Nói về cung ứng điện năm 2025, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên nhìn nhận thẳng thắn, việc cung ứng điện trong các năm 2025-2030 hết sức khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ thiếu hụt công suất đỉnh vào thời điểm mùa khô. Nguyên nhân là do nhiều nguồn điện lớn (khí, than) khó đáp ứng tiến độ vận hành đến năm 2030 nên việc điều chỉnh quy hoạch là cần thiết để thay thế các dự án chậm tiến độ, bảo đảm khả thi, khả năng cung ứng điện.
Các quyết định táo bạo và ngay lập tức
Trước bối cảnh trên, việc đẩy mạnh phát triển các nguồn điện mới như điện gió ngoài khơi là cần thiết. Ông Stuart Livesey, Trưởng đại diện Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners tại Việt Nam (CIP - đơn vị làm điện gió ngoài khơi hàng đầu Đan Mạch) cho hay, do khoảng thời gian còn lại cho đến năm 2030 không còn nhiều, mốc thời gian này dường như cực kỳ khó khăn để đưa bất kỳ dự án điện gió ngoài khơi nào đạt được mốc vận hành thương mại đúng hạn. Một dự án điện gió ngoài khơi cần thời gian phát triển và xây dựng trung bình từ 6 - 8 năm, do vậy mục tiêu mà Việt Nam đặt ra tại Quy hoạch điện VIII là cực kỳ khó khăn và đối với một số người, là không khả thi.
Tuy nhiên, theo ông, Việt Nam vẫn có cơ hội đạt được một phần công suất trong 6.000W nếu Chính phủ đưa ra các quyết định táo bạo và ngay lập tức, bao gồm: Giao dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên cho các doanh nghiệp nhà nước và đối tác quốc tế có năng lực, kinh nghiệm vào đầu năm 2025 để bắt đầu triển khai khảo sát và phát triển dự án; khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp nhà nước hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài có năng lực, kinh nghiệm nhằm bảo đảm thành công cho dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên của Việt Nam.
Đồng thời, nhanh chóng xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện gió ngoài khơi bao gồm ưu đãi về thuế, ưu đãi về giá điện, các điều khoản hợp đồng mua bán điện (PPA) phù hợp, đặc biệt cho các dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên tại Việt Nam.
Mặt khác, từng bước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho ngành điện gió ngoài khơi phù hợp với sự trưởng thành của thị trường, bảo đảm các dự án điện gió ngoài khơi trong các giai đoạn thị trường khác nhau có thể được triển khai liên tục.
“Cũng cần lưu ý rằng, nhiều quốc gia khác cũng có mục tiêu tương tự Việt Nam trong việc đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, mục tiêu phát triển điện gió ngoài khơi và các dạng năng lượng tái tạo khác vào năm 2030. Các nhà phát triển dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với những thị trường này để bảo đảm nguồn cung cho các hạng mục tua-bin gió, tàu lắp đặt, cáp ngoài khơi… những việc này sẽ không thể bắt đầu cho đến khi khảo sát được tiến hành và dữ liệu được phân tích nhằm phục vụ thiết kế và mua sắm cho dự án”, vị đại diện CIP nói và cho rằng, việc tinh giản, hợp lý hóa quy trình cấp phép, phối hợp nhịp nhàng trong các quyết định liên bộ, song song với việc xây dựng cơ chế bao tiêu sản lượng điện, bảo đảm lưới điện và hệ thống cảng cho các nhà phát triển trong những dự án trị giá hàng tỷ USD sẽ giúp mở khóa đầu tư và kịp thời hỗ trợ sự tăng trưởng của ngành điện gió ngoài khơi.
Góp ý cụ thể, ông Stuart Livesey cho rằng, về khuôn khổ pháp lý, cần cân nhắc chính sách khuyến khích cho ngành điện gió ngoài khơi và hợp đồng mua bán điện phù hợp để dự án có thể huy động nguồn vốn quốc tế.
Bản thân Luật Điện lực chưa đủ để “mở khóa” đầu tư vào ngành điện gió ngoài khơi một cách rõ ràng và cung cấp sự bảo đảm cần thiết để thúc đẩy ngành phát triển. Vì vậy, theo ông Stuart Livesey, điều quan trọng nhất đối với các nhà đầu tư là một lộ trình rõ ràng, chỉ ra cách thức và thời điểm họ có thể tiến hành khảo sát và quyền lợi ưu tiên trao dự án khi tham gia khảo sát dự án.
Về việc chuẩn bị kiến thức, theo ông, Việt Nam cần trao đổi, thảo luận với các nhà đầu tư và nhà phát triển quốc tế có năng lực, có kinh nghiệm triển khai các dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn trên thế giới, nhằm tìm ra giải pháp tối ưu cho các dự án của Việt Nam về công nghệ, huy động và tối ưu nguốn vốn, đánh giá và quản trị rủi ro cho dự án.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần nâng cấp hệ thống truyền tải điện, hệ thống cảng, hậu cần và chuỗi cung ứng địa phương để phục vụ cho sự phát triển của ngành điện gió ngoài khơi trong tương lai, trong đó có thể kêu gọi sự tham gia của các nhà phát triển. Chiến lược phát triển hệ thống lưới điện đã được bảo đảm trong Quy hoạch điện VIII để hỗ trợ phát triển điện gió ngoài khơi ở nhiều khu vực khác nhau.
Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam phát triển khoảng 6.000 MW điện gió ngoài khơi và đã định hướng phát triển, hình thành hai trung tâm công nghiệp, dịch vụ về năng lượng tái tạo liên vùng tại các khu vực có nhiều tiềm năng như Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ khi có điều kiện (chủ yếu là điện gió ngoài khơi). Ngoài ra, định hướng đến năm 2050, Việt Nam đạt 70.000 MW đến 91.000 MW điện gió ngoài khơi.