Mệnh lệnh của người mẹ

Bà Đỗ Duy Liên (Tư Liên), nguyên nữ Phó Chủ tịch UBND đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh, trong hồi ký của mình, đã dặn dò cho các con: “Mẹ gắn bó với thành phố gần hết cuộc đời, nay cả ba và mẹ mất đi, các con nối tiếp mà bảo vệ, xây dựng thành phố. Đấy là mệnh lệnh!”.
0:00 / 0:00
0:00
Bức hình duy nhất bà Đỗ Duy Liên và chồng là liệt sĩ Lê Duy Nhuận chụp cùng hai con Liên Hoan - Thái Hỷ vào năm 1960. Ảnh nhân vật cung cấp.
Bức hình duy nhất bà Đỗ Duy Liên và chồng là liệt sĩ Lê Duy Nhuận chụp cùng hai con Liên Hoan - Thái Hỷ vào năm 1960. Ảnh nhân vật cung cấp.

Những ngày thì thầm về “Thắng lợi”

Từ cuối năm 1946, mới 19 tuổi, bà Tư Liên thoát ly gia đình, bắt đầu cuộc đời kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ bằng công tác giao liên. Bà kể, lúc đó chẳng biết mình phục vụ cho đơn vị nào, chỉ biết là làm cách mạng, là kháng chiến thì theo. Bà bắt đầu hành trình hoàn toàn mới từ thời điểm này. Hăng say hoạt động, không ngại gian khổ, hiểm nguy, nhiều lần bị địch bắt, vào tù ra khám, bị tra tấn dã man, vậy mà khi viết lại những dòng tâm sự với các con, bà Tư Liên đã ghi một câu thể hiện rõ sự kiên trung: “Cuộc sống được như thế này là đổi bằng máu, xương cả, đến lớp mẹ ở tù là “sướng” lắm rồi”.

Tháng 5/1967, khi đang trên đường làm nhiệm vụ, bà Tư Liên bị địch bắt và tra tấn dã man. Sau mỗi lần chúng tra tấn, bà không thể ngồi dậy được, phải khiêng xuống khám. Vậy mà, cứ mỗi lần tỉnh lại, bà lại lấy móng tay ghi một dấu trên tường phòng giam và nói thầm một, hai, ba lần từ “thắng lợi”. Không moi được gì, chúng dùng cách cuối cùng là đốt tay và chân của bà. Bốn tên giữ, một tên cầm đèn cầy loại lớn nhất, cứ vậy đốt. Bà Tư Liên vùng vẫy, sáp chảy xuống tay kẻ địch khiến chúng cáu, càng đốt dữ tợn. Bà lịm đi, chúng ngừng đánh, vứt xuống khám. Nửa giờ sau, các chỗ đốt rộp lên, có chỗ chín cả thịt.

“Các con ơi, hãy vui với mẹ, dù bị tra tấn như thế, nhưng mẹ không hé môi, không khai bất kỳ người nào của cách mạng…”, bà Tư Liên viết gửi cho con mình, trong cuốn hồi ký mà có lẽ bà từng dự định chỉ công bố khi bà đã ra đi. Năm 1968, bà ra tù và được tổ chức cho ra Hà Nội chữa bệnh, kết hợp thăm các con sau nhiều năm dài xa cách. Cũng trong năm đó, chồng bà, liệt sĩ Lê Duy Nhuận hy sinh. Khi ấy, bà 41 tuổi, ba con còn nhỏ, bộn bề nỗi lo.

Từ một cán bộ phụ vận, hoạt động bí mật trong nội thành Sài Gòn, trưởng thành từ kháng chiến, bà Tư Liên bước vào mặt trận ngoại giao trên chính trường quốc tế thông qua nhiều hội nghị quan trọng. Bà tiếp tục nhận nhiều nhiệm vụ trước khi quay về chiến đấu trên chiến trường Nam Bộ, tham gia chiến dịch giải phóng và tiếp quản Sài Gòn vào những tháng ngày cuối cuộc chiến tranh. Sau ngày 30/4/1975, bà cùng các đồng chí của mình đối đầu với bao thách thức của thời hậu chiến để chung tay tái thiết, từng bước góp sức xây dựng, phát triển Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ Tung Xiềng tới Hòa Bình

Năm 1951, vừa tròn 24 tuổi, bà Tư Liên bị thực dân Pháp bắt giam ở khám Chí Hòa. Lúc ấy, trong Chí Hòa đã có một tờ báo mang tên Phá Ngục do khám nam thực hiện, mỗi tháng ra hai kỳ. Báo ra kỳ nào, khám nữ đều được tặng một tờ. Các nữ tù chính trị bàn nhau cách để khám nữ cũng phải có một tờ báo do chị em viết. Bà Tư Liên được giao thực hiện nhiệm vụ này. Không lâu sau, báo Tung Xiềng ra đời trong khám, mỗi tháng hai kỳ, mỗi kỳ chép hai bản, lưu hành ở cả khám nam lẫn khám nữ. “Tòa soạn” của Tung Xiềng lúc đó vỏn vẹn ba thành viên: bà Tư Liên được giao phụ trách nội dung, một người lo trình bày trang báo, người chữ đẹp nhất nhận nhiệm vụ chép báo. Bà Tư Liên kể, thời đó tuy rất cực khổ nhưng vì bận bịu, không ai có lấy “mươi phút để buồn”.

Năm 1953, bà Tư Liên ra tù, tiếp tục về công tác ở nội thành Sài Gòn. Đến cuối năm 1954, bà được tổ chức phân công phụ trách tờ báo mang tên Hòa Bình. Dù là tờ báo không giấy phép nhưng thời đó, Hòa Bình được xem là tiếng nói của nhân dân thành phố, của phong trào bảo vệ hòa bình, đòi hỏi thực dân Pháp phải tôn trọng và thi hành các điều khoản của Hiệp định Genève. Gần 10 năm sau, bà bị địch theo dõi nên trở vào vùng giải phóng, bắt đầu công việc khác. Khi đó, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục có sáng kiến ra một tờ báo cho nội thành với yêu cầu: phát hành nhanh, bảo đảm yếu tố an toàn. Bà Tư Liên và ông Nguyễn Hồ được giao phụ trách phần việc này. Một thời gian ngắn sau, tờ báo Cờ Giải phóng xuất hiện.

Sau ngày 30/4/1975, chỉ trong 19 ngày, bà Tư Liên cùng các đồng chí tại Hội Liên hiệp Phụ nữ Sài Gòn cho ra mắt số đầu tiên của báo Phụ nữ Sài Gòn, tiền thân của tờ Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Ngày 19/5/1975, báo Phụ nữ Sài Gòn in số đầu với chân dung Bác Hồ đứng vẫy tay chào bên góc bìa phải xuất hiện trên các sạp báo khắp thành phố, số lượng 50 nghìn bản. Nhìn tờ báo, ai cũng tự hào. Giai đoạn ấy, dù rất bận rộn với việc lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ Sài Gòn, sau làm Giám đốc đầu tiên của Sở Thương binh và Xã hội rồi trở thành nữ Phó Chủ tịch đầu tiên của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, bà Tư Liên luôn dành thời gian viết bài, hỗ trợ các hoạt động cho báo.

Từ cuộc gặp gỡ cách đây gần 50 năm về trước, bà Nguyễn Thế Thanh, nguyên Tổng Biên tập báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh đã tìm được “người thầy” đáng quý trong nghề, trong đời chỉ với câu nói nhỏ nhẹ của nữ lãnh đạo Đỗ Duy Liên “Dì Tư cũng từng làm báo trong chiến khu và nội thành, có gì khó cứ hỏi dì Tư sẽ hướng dẫn”. Rồi bà Tư Liên viết nơi ở và số điện thoại của mình vào cuốn sổ bà Thanh đang cầm trên tay. “Năm đó, mới 22 tuổi, thật may mắn khi tôi cùng nhiều đồng nghiệp cùng trang lứa được làm việc với những người đi trước luôn tin cậy, dám giao việc cho lớp trẻ. Cô Tư Liên hướng dẫn tôi cách cộng tác với báo như thế nào, nên viết ra sao và khi đi công tác, đi thực tế thì nên chú ý những vấn đề gì… Cô Tư Liên nói được làm được, luôn tôn trọng sức lao động của mọi người và không bao giờ kể công dù cô sáng lập tổ chức này, đứng đầu tổ chức nọ”, bà Thanh kể lại.

Các con viết tiếp “Cuộc đời của mẹ”

Năm nay, bà Đỗ Duy Liên 96 tuổi. Ở tuổi này, sức khỏe, trí nhớ suy giảm không cho phép bà tự hoàn thành một cuốn hồi ký như dự định ban đầu nữa. Những trang đầu của cuốn sách được bà bắt đầu viết vào khoảng năm 1992, sau khi nghỉ hưu. Bà lặng lẽ viết, không cho ai biết. Khi các con bà tình cờ tìm thấy, cuốn sách mới dang dở ở cuốn “Số 1” - như bà đánh dấu. Cuốn sách như ban đầu, là những dòng bà viết dành cho các con mình.

Những lời gan ruột, mệnh lệnh của người mẹ ghi lại, khiến ba người con trong gia đình quyết định sẽ hoàn thành quyển sách, như một cách tiếp nối cuộc đời của cô Tư Liên. Đến tận bây giờ, khi tóc đã nhiều sợi bạc, bà Lê Thị Liên Hoan vẫn ấn tượng với cách dạy con rất nghiêm của mẹ mình. Từ bé, mỗi sáng, bà Hoan cùng em trai đều bị mẹ gọi dậy từ rất sớm. Buồn ngủ mấy cũng phải dậy để tập thể dục và làm việc nhà. Bà chỉ huy các con làm đủ việc trong nhà.

Từ bé sống xa ba mẹ, ngày sum họp chẳng được cưng chiều, nhìn sang bạn bè, lắm lúc cô bé Liên Hoan khi ấy thấy ghen tỵ, buồn rầu, sợ mẹ chẳng thương mình. Bà Tư Liên rất nghiêm, con cái làm cái gì không chỉn chu sẽ bị nhắc nhở, chỉnh đốn ngay. Bà luôn tin rằng sự nghiêm khắc và kỷ luật tạo nên nhân cách tốt nhất cho xã hội nên thương mấy cũng phải rèn con vào nếp bằng những mệnh lệnh cứng rắn. “Lúc đó, ba chị em tôi luôn bàn nhau cách sắp xếp việc nhà sao cho hợp lý để còn có thời gian vui chơi, học hành. Ngày nhỏ buồn lắm nhưng sau này lớn lên, hiểu rằng sự nghiêm khắc của mẹ ngày ấy đã đem đến cho ba chị em nhiều kỹ năng tốt trong cuộc đời, tôi thầm cảm ơn mẹ”, bà Lê Thị Liên Hoan chia sẻ.

Bên cạnh những mệnh lệnh rèn nên nếp sống, trái tim son sắt của bà Tư Liên cũng là điều khiến cô con gái đầu Liên Hoan vừa nể phục, vừa thắc mắc khôn nguôi. Bà chẳng hiểu tại sao gần sáu năm trời bặt tin của người yêu, mẹ của mình vẫn một lòng chờ đợi dù rất nhiều người săn đón, thổ lộ tấm lòng. Khi đó, ông Lê Duy Nhuận theo lệnh tổ chức bí mật đi Việt Bắc, không được nói cùng ai. Bà Liên cứ vậy lặng lẽ đợi chờ đến khi vô tình gặp lại, nghe kể rõ sự tình, họ quyết định nên duyên vợ chồng. Càng xúc động hơn khi về sau, con gái Liên Hoan được đọc những bức thư mẹ viết cho ba mỗi năm vài lần, ngay cả khi ông đã hy sinh. Từng dòng thư chất chứa thương yêu giúp bà hiểu mẹ mình đã nén đau thương thế nào để dưỡng nuôi ba con, để tiếp tục cống hiến, dựng xây.

Ông Lê Thái Hỷ, con trai của bà Tư Liên cho biết, hơn một năm qua, gia đình luôn cố gắng thu thập các tư liệu bổ sung cuốn sách mẹ đang viết dở. Cuốn sách vừa xuất bản cuối tháng 5. Hôm ra mắt cuốn hồi ức, đôi tay ông Hỷ run run khi lật mở những trang sách in hình bà Tư Liên qua các giai đoạn lịch sử. Chính tay ông ghi từng chú thích cho mỗi bức hình trong sách. Ông Hỷ kể: “Khi chăm sóc, ngồi nói chuyện với mẹ dù trong im lặng, nhìn vào mắt mẹ, tôi biết vẫn còn nhiều điều ngổn ngang mẹ muốn nói… mà không nói được thành lời. Tôi làm sách về mẹ để mẹ có thể nói về những gì đã viết và chưa nói ra từ một người cán bộ, người vợ, người mẹ”.

“Cuộc đời Duy Liên là một tấm gương của người phụ nữ kiên cường vượt qua bao thách thức, gian khó của cuộc kháng chiến, những bỡ ngỡ ban đầu thời hậu chiến và trên hết là những mất mát không thể nói nên lời của người mẹ xa con trong thời gian dài, của người vợ có chồng hy sinh khi còn khá trẻ để làm tốt nhất nghĩa vụ với đất nước, với gia đình”, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước chia sẻ.