Các chuyên gia nhận định, ngay từ đầu năm Trung Quốc mở cửa khẩu, cùng với những nghị định thư được ký kết từ cuối năm 2022 đã tạo đà cho xuất khẩu năm 2023.
Xuất khẩu rau quả bùng nổ
Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 9, xuất khẩu rau quả đạt con số cao kỷ lục 667,5 triệu USD, tăng gần 44% so tháng trước. Tuy nhiên, kỷ lục này cũng nhanh chóng bị phá vỡ vì ước tính xuất khẩu rau quả trong tháng 10 đạt hơn 699 triệu USD, tăng gần 5% so tháng 9. Nếu so với tháng 10/2022 (đạt gần 310 triệu USD), xuất khẩu rau quả trong tháng 10 năm nay tăng tới 126%.
Còn theo thông tin Hiệp hội Rau quả Việt Nam vừa công bố, dự báo lũy kế 10 tháng của năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt 4,9 tỷ USD, tăng 78,4% so cùng kỳ năm 2022, tương đương con số tăng tuyệt đối là 2,16 tỷ USD. Kết quả này vượt xa so với kế hoạch hồi đầu năm (4 tỷ USD) và là mức cao nhất từ trước đến nay.
Hiện, Trung Quốc là thị trường đứng đầu về thị phần xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 65%, tăng 22% so cùng kỳ 2022. Theo đó, trong chín tháng của năm 2023, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt hơn 2,75 tỷ USD, tăng 2,6 lần so cùng kỳ năm ngoái - mức cao kỷ lục. Tiếp đến là Hà Lan tăng 50%, Hàn Quốc tăng 21%, Nhật Bản tăng 6%. Trong tốp 5, chỉ có Mỹ giảm 4% so cùng kỳ 2022.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả nhận xét, nguyên nhân rau quả xuất khẩu vượt kế hoạch là Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường, trong đó có Trung Quốc. Đặc biệt, sầu riêng là sản phẩm được người tiêu dùng nước này ưa chuộng nên sản lượng xuất khẩu tăng đột biến vài chục lần và trở thành sản phẩm tỷ USD. Đây cũng là loại trái cây “át chủ bài” giúp kim ngạch rau quả tăng trưởng vượt bậc.
Thống kê chi tiết của Tổng cục Hải quan cho biết, tính đến hết tháng 9, mặt hàng rau quả xuất khẩu tăng mạnh nhất là sầu riêng, đạt tới 1,63 tỷ USD, gấp hơn 14 lần so con số 113 triệu USD của cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng lớn nhất với 55% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Ngoài ra, xuất khẩu mít, xoài, nhãn, bưởi, dưa hấu của Việt Nam sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hà Lan cũng tăng mạnh, dao động 45-150% so cùng kỳ năm ngoái.
Tháng 9/2022, lô hàng sầu riêng đầu tiên của Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này và kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc liên tục tăng. Chỉ trong ba tháng cuối năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu tổng cộng 40,8 nghìn tấn với tổng kim ngạch 188 triệu USD.
Theo các chuyên gia ngành rau quả, trong tháng 9 và tháng 10 với tâm điểm là thủ phủ sầu riêng Đắk Lắk vào đợt thu hoạch chính vụ đã đẩy kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt mức lịch sử. Tạm tính sầu riêng chiếm 50% trong tổng giá trị xuất khẩu rau quả thì trong tháng 10, mặt hàng này mang về khoảng 350 triệu USD. Như vậy, đến hết tháng 10, ước kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt tới cột mốc 2 tỷ USD.
Xuất khẩu rau quả có thể mang về hơn 5,5 tỷ USD trong năm 2023. Ảnh: NAM ANH |
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại
Hiện, Việt Nam có hơn 11 loại trái cây ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Ông Nguyên dự báo xuất khẩu rau quả sang thị trường 1,4 tỷ dân này sẽ bùng nổ, đạt 2,5 tỷ USD, thậm chí chạm mốc 3 tỷ USD trong năm nay.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, từ nay đến cuối năm còn hai tháng, lại là thời điểm lễ, Tết, nên xuất khẩu rau quả còn dư địa rất lớn. Đặc biệt, các tháng còn lại là mùa thu hoạch của nhiều loại rau quả với sản lượng cả nước khoảng 7,6 triệu tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ còn cao hơn bình quân các quý trước.
“Xuất khẩu rau quả có thể mang về hơn 5,5 tỷ USD trong năm 2023. Tuy nhiên, hai tháng cuối năm là thời điểm sầu riêng nghịch vụ nên sản lượng xuất khẩu sẽ không tăng như trước. Song, bên cạnh sầu riêng, các mặt hàng chuối, dừa, thanh long, nhãn, chôm chôm, bưởi... có đặc tính rải vụ, có thể xuất khẩu quanh năm, cũng là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Do đó, dự báo kim ngạch xuất khẩu rau quả cả năm sẽ đạt khoảng 5,5 tỷ USD. Năm 2024 chúng ta có thể hy vọng kim ngạch xuất khẩu rau quả vượt con số 6 tỷ USD”, ông Nguyên khẳng định.
Để nắm bắt cơ hội, hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả chia sẻ, tiêu chuẩn của người tiêu dùng quốc tế ngày càng khắt khe nên doanh nghiệp không những phải tìm tòi cải tiến mẫu mã mà phải tăng cường ứng dụng công nghệ số trong các khâu sản xuất để làm ra sản phẩm chất lượng. Đồng thời, doanh nghiệp không ngừng tìm kiếm các thị trường mới.
Bà Phạm Thị Vân, Giám đốc Công ty TNHH Dừa Cười (Cocosmile) cho hay, ngoài xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Mỹ, doanh nghiệp đang chuẩn bị cho thị trường mới. “Hiện nay, trái dừa của Việt Nam đang đi tới rất nhiều quốc gia, Hiệp hội Dừa quốc tế cũng công nhận Việt Nam là nước sở hữu sản phẩm dừa đa dạng nhất. Chính vì thế, khi có thêm thị trường xuất khẩu chính ngạch, ngành dừa sẽ nhanh chóng tham gia câu lạc bộ tỷ USD”, bà Vân nói.
Các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm rau quả chế biến cũng cho biết, phải thay phương pháp đóng gói theo dây chuyền hiện đại, mẫu mã bắt mắt, thông tin rõ ràng, có mã vạch để truy xuất nguồn gốc… Thậm chí, doanh nghiệp còn xây dựng dữ liệu hệ sinh thái khách hàng và thói quen sử dụng sản phẩm, nhu cầu của đối tác để đánh giá thị trường, hướng đến phục vụ khách hàng được tốt hơn.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Để đạt các mục tiêu tăng trưởng xuất nhập khẩu, trong các tháng cuối năm và thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp các bộ, ban, ngành đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán để tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu nông sản vào thị trường truyền thống, các thị trường có tổng kim ngạch xuất khẩu lớn như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, châu Âu..., đồng thời mở cửa các thị trường mới như: Trung Đông, châu Phi...