Nơm nớp cảnh đá văng
Ngày 11/5, một khối lượng đá rất lớn, trong đó có tảng đá bằng gian nhà từ trên đỉnh núi thuộc mỏ đá Lân Đăm 2 ở xóm Lân Đăm, xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) bất ngờ lở xuống trùm lên mặt đường khiến xóm Lân Đăm với gần 20 hộ dân sinh sống bị cô lập gần một ngày.
Tiếp đó, ngày 13/5, tại mỏ đá Lân Đăm 3 ở bên cạnh cũng xảy ra sạt lở. Nguyên nhân là do hai đơn vị khai thác chưa thực hiện đúng quy trình theo thiết kế là cắt tầng, mở vỉa. Khi nổ mìn, các khối đá mất liên kết, gặp mưa lớn dẫn đến sạt lở.
Để khắc phục hậu quả và đề phòng sạt lở nguy hiểm tiếp tục xảy ra, UBND tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu tạm dừng hoạt động khai thác hai mỏ đá này đến ngày 31/5. Trước đó, năm 2019, tại mỏ đá Lân Đăm 3 đã xảy ra sạt lở làm chết một công nhân. Còn tại khu vực xóm Lân Đăm, hiện nay có đến bốn mỏ đá đang hoạt động, từ dưới nhìn lên thấy khai trường mỏ nào cũng gần như dựng đứng, sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Trước đây, đá từ xã Quang Sơn đi tiêu thụ được vận chuyển qua tuyến đường trên phần đất của Nhà máy Xi-măng Quang Sơn để ra quốc lộ 1B. Nhưng từ cuối năm 2020, nhà máy rào tuyến đường này nên tất cả ô-tô chở đá phải đi vòng xuống xã Tân Long. Tại đây cũng có hàng chục mỏ đá đang hoạt động. Tất cả ô-tô chở đá, đa số là cỡ lớn, đều chạy trên tuyến trục chính của xã Tân Long ra km 12 trên quốc lộ 1B để đi tiêu thụ ở các nơi. Hằng ngày từ sáng đến 8 - 9 giờ tối, ô-tô chở đá chạy rầm rầm, chở nặng làm mặt đường bị “băm” nát, lồi lõm khiến cho người dân đi lại rất khó khăn, mưa thì lầy lội, trời nắng bụi bay mù mịt. Những vườn nhãn, vải thiều, nương chè, ngô, nhà dân hai bên đường luôn bị “phủ” bụi.
Trưa ngày 23/4, một hòn đá lớn bằng cái đấu từ mỏ đá Tập Trung đã văng vào mái nhà ông Hoàng Văn Quang ở xóm Làng Mới làm thủng một lỗ to bằng cái thúng, khiến nhiều đồ đạc trong bếp bị vỡ. Bên cạnh đó, mái lợp chuồng trâu nhà ông Quang cũng thủng một lỗ lớn do đá văng.
Trì trệ trong khắc phục
Tại xóm Lân Đăm, bốn mỏ đá hoạt động trong không gian nhỏ hẹp, làm cho đời sống người dân ngột ngạt do tiếng ồn, ô nhiễm, mất an toàn giao thông. Trên địa bàn hai xã Tân Long và Quang Sơn có gần 20 mỏ đá. Cả huyện Đồng Hỷ có 65 mỏ và điểm mỏ, trong đó chủ yếu là mỏ đá. Dọc quốc lộ 1B từ huyện Đồng Hỷ lên huyện Võ Nhai, chỉ một đoạn ngắn lại thấy có mỏ đá đang hoạt động... Tất cả các mỏ đá đều được cấp phép từ 15 - 25 năm.
Tình trạng trên không những ảnh hưởng đến môi trường sống, việc sản xuất, sự đi lại và an toàn của người dân mà còn gây mất an ninh tại địa phương bởi hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh. Đã có xô xát giữa người của các mỏ vì tranh giành bán đá.
Ông Kiều Bình, Giám đốc mỏ đá Lân Đăm ở xã Quang Sơn cho biết: Do mỏ đá dày đặc nên mỏ nào cũng giảm giá để bán được hàng, duy trì hoạt động nên giá đá xuống rất thấp, chỉ 80 nghìn đồng/m3. Việc này đã diễn ra từ nhiều năm nay. Cũng do vậy, lợi nhuận từ khai thác đá mang lại không cao nên hầu hết các mỏ đá trên địa bàn tỉnh không có điều kiện đầu tư các công trình bảo vệ môi trường theo đề án được phê duyệt, không đầu tư khai thác theo phương pháp mở vỉa, cắt tầng, khai thác từ trên xuống dưới như thiết kế dẫn đến mất an toàn, ô nhiễm môi trường kéo dài.
Trước những bức xúc của người dân, thời gian gần đây lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, huyện Đồng Hỷ, các xã Tân Long và Quang Sơn tổ chức nhiều cuộc đối thoại với người dân. Chính quyền và các cơ quan chức năng đều yêu cầu phía doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn trong quá trình khai thác, thực hiện đúng cam kết bảo vệ môi trường, đánh giá mức độ thiệt hại do ảnh hưởng của việc khai thác đá để hỗ trợ người dân. Cùng với đó, yêu cầu doanh nghiệp có biện pháp khắc phục sự cố nổ mìn, ô nhiễm môi trường... Nhưng đến nay, người dân vẫn đang chờ những chuyển biến trên thực tế.