Giấc mơ bảo tàng nghệ thuật (kỳ 1)

Một điều tưởng là bình thường nhưng ngẫm ra lại là bất cập, hạn chế tồn tại lâu nay. Đó là tình trạng thiếu bảo tàng nghệ thuật ở Việt Nam. Rất cần nâng cao hơn trách nhiệm và ý thức về sự cần thiết cũng như nắm bắt xu hướng phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật để đi đến những quyết sách và hành động cụ thể, gây dựng các bảo tàng nghệ thuật của Việt Nam. Từ đó để trân trọng tương xứng lịch sử, thành tựu văn nghệ nước nhà, giáo dục và nâng cao thẩm mỹ cho công chúng.
0:00 / 0:00
0:00
Cần có không gian bảo tàng để giới thiệu những di sản sân khấu độc đáo của Việt Nam như rối nước.
Cần có không gian bảo tàng để giới thiệu những di sản sân khấu độc đáo của Việt Nam như rối nước.

Kỳ 1: Tìm đâu nơi giữ ký ức nghệ thuật!

Nhìn trên tổng thể, chúng ta đang thiếu các bảo tàng nghệ thuật so mặt bằng chung rất đa dạng bảo tàng về các lĩnh vực, ngành nghề... hay các bảo tàng tổng hợp ở các địa phương.

Mỹ thuật, văn học, hai bảo tàng hiếm hoi

Thậm chí, so giữa các lĩnh vực nghệ thuật thì có ý kiến cho rằng vẫn còn tình trạng “bên trọng, bên khinh”. Hai bảo tàng quy mô, có nhiều hoạt động thời gian qua là Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Văn học Việt Nam. Đây có thể xem là hai thí dụ về bảo tàng có tính chất công lập dành cho văn học, nghệ thuật của nước nhà.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tại Thủ đô Hà Nội thành lập từ năm 1966. Qua nhiều thập kỷ, với gần hơn 20 nghìn hiện vật, tác phẩm giá trị đang lưu giữ, điểm đến tuyệt đẹp này ở 66 Nguyễn Thái Học, Thủ đô Hà Nội đã trở thành lựa chọn phổ biến của công chúng, du khách trong và ngoài nước. Đây cũng là địa chỉ tổ chức triển lãm nổi tiếng của giới nghệ sĩ tạo hình và người yêu tranh, tượng. Đón những làn gió mới của du lịch văn hóa, du lịch di sản và xu thế số hóa, địa chỉ lưu giữ hàng đầu về mỹ thuật của nước nhà nay đang chuyển mình hiện đại hơn, tươi mới, thân thiện hơn để hòa nhịp với đời sống văn hóa đại chúng; góp phần nâng cao tri thức, thẩm mỹ về lĩnh vực mỹ thuật cho công chúng, phát huy giá trị kinh tế của nghệ thuật.

Trường hợp dù muộn nhưng đã thành hình là Bảo tàng Văn học Việt Nam, thuộc Hội Nhà văn Việt Nam. “Sinh sau đẻ muộn” hơn nhiều so bảo tàng mỹ thuật, nhưng do nhiều nguyên nhân, bảo tàng văn học ở trong tình trạng vắng vẻ nhiều năm, hầu như chỉ “đóng cửa” phục vụ nội bộ và làm công tác sưu tầm, bảo quản. Đến nhiệm kỳ hiện tại của Hội, địa chỉ văn hóa ven hồ Tây (Hà Nội) này mới triển khai một số hoạt động mới, mạnh dạn hơn qua việc chỉnh trang diện mạo, nội thất và phối hợp kiến tạo các tour tham quan tại bảo tàng dành cho du khách, học sinh. Ít được biết đến và nhắc đến, “kho vàng” văn học với nhiều hiện vật, di vật quý giá, độc đáo của nhiều thế hệ nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học danh tiếng của nước nhà thời gian gần đây đã rộng mở cánh cửa trước con mắt tôn kính của công chúng.

Giấc mơ bảo tàng nghệ thuật (kỳ 1) ảnh 1
Giấc mơ bảo tàng nghệ thuật (kỳ 1) ảnh 2

Có không gian để trưng bày hiện vật, tác phẩm và tổ chức các hoạt động chuyên môn, sự kiện nghề nghiệp như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Văn học Việt Nam là mong ước ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác.

Trống vắng bảo tàng phim, ảnh

Nhìn từ hai “cơ ngơi” này mà thấy băn khoăn khi nghĩ về các lĩnh vực nghệ thuật khác. Dễ dàng nhận ra các ngành sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh, ca, múa, kiến trúc… của ta chưa có những bảo tàng đúng nghĩa. Vài thí dụ, so sánh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Viện Phim Việt Nam là nơi lưu chiểu, lưu trữ phim và bảo quản các tư liệu điện ảnh, nghiên cứu lý luận, công nghệ điện ảnh, khai thác phổ biến các tư liệu điện ảnh. Nhưng ở các “kho” tư liệu quý giá đó nếu thêm chức năng bảo tàng, tổ chức tham quan, hoặc diễn ra các sự kiện nghề nghiệp phù hợp thì sẽ là địa chỉ văn hóa hấp dẫn cho những người quan tâm.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành khi còn là Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam từng chia sẻ giấc mơ về một trung tâm lưu trữ ảnh quốc gia. Nơi này sẽ vừa lưu trữ, bảo quản tư liệu ảnh, phim, vừa trưng bày ảnh và hiện vật, thiết bị ngành nghề ảnh của đất nước qua các thời kỳ. Trong phác họa của nghệ sĩ Chu Chí Thành, đó sẽ là địa chỉ tham quan, giáo dục, trải nghiệm lĩnh vực nhiếp ảnh rất thú vị cho công chúng, giới trẻ. Nhìn đến hiện tại, mới có làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá, xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội là có bảo tàng nhiếp ảnh của làng với những trưng bày cuốn hút về tổ nghề, quá trình phát triển nghề nhiếp ảnh của làng và khu vực Hà Nội… Còn một trung tâm như mơ ước trên, một bảo tàng nhiếp ảnh của đất nước thì chưa được lưu ý.

Nhiều người hẳn còn nhớ vào tháng 8/2023, một cuộc trưng bày nhỏ mang tên “Điện ảnh Việt Nam - Nói quá khứ, viết tương lai” đã diễn ra tại không gian cũ kỹ, chật hẹp của Hãng Phim truyện Việt Nam, số 4 Thụy Khuê, Hà Nội. Cuộc trưng bày được tổ chức do những cán bộ, nghệ sĩ thiết tha và lo lắng với sự tồn vong của hãng phim tuổi đời bảy thập kỷ đang trong cơn chao đảo chuyển đổi mô hình quản lý chưa có hồi kết. Tại đây, những hiện vật như máy quay phim cũ, đạo cụ và các thiết bị phục vụ việc làm phim cùng các hình ảnh, poster gắn với nhiều bộ phim nổi tiếng của điện ảnh nước nhà thật sự đánh động khi công chúng ngắm những tài sản quý giá đã mai một, đứng trước nguy cơ thất tán. Vậy mà ngành điện ảnh, rộng hơn là ngành văn hóa lại chưa có được một bảo tàng bảo đảm về quy mô, không gian và các tiêu chuẩn kỹ thuật để lưu giữ những ký ức nghệ thuật đặc sắc, những tài sản văn hóa giàu giá trị của các hãng phim nổi tiếng khác nữa và nhiều thế hệ người làm phim Việt Nam.

Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam: Vì sao chưa có bảo tàng kiến trúc Việt Nam? Đó là một câu hỏi cần sự trả lời. Lịch sử nước nhà được viết nên một phần từ các di sản. Trong đó, về di sản vật thể, không thể không nhắc đến các công trình kiến trúc như đình, chùa, thành quách, cung điện, nhà cửa nông thôn truyền thống… Thời hiện đại đã sản sinh ra bao thế hệ kiến trúc sư, sáng tác nên rất nhiều công trình mới, góp phần đem đến cho đất nước diện mạo văn minh, phát triển. Tôi nghĩ, ngành xây dựng, ngành văn hóa cần có trách nhiệm trong việc xây dựng bảo tàng chuyên ngành này. Cũng như hội nghề nghiệp cũng cần tham gia, có tiếng nói để đưa vào đây những tác giả, tác phẩm tiêu biểu của kiến trúc nước nhà.

Ngóng không gian cho chiều dài lịch sử nghệ thuật

Liên hệ đến lĩnh vực sân khấu, nhiều năm trước khi Viện Sân khấu và Điện ảnh thuộc Trường đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội còn tọa lạc ở địa chỉ 32 Hào Nam (Đống Đa, Hà Nội) trước khi chuyển xuống trường ở khu văn công Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội), viện này đã từng có… bảo tàng sân khấu. Đó là một căn phòng nhỏ trưng bày một số mặt nạ tuồng, quân rối nước, mấy mẫu trang phục, bản thiết kế mỹ thuật một số vở diễn, ảnh một số nghệ sĩ, vở diễn nổi tiếng… Căn phòng có người trông nom, để phục vụ cán bộ nghiên cứu của viện; cộng tác viên, khách đến có thể tham quan. Nhưng hiện nay không còn, số hiện vật ít ỏi cũng hỏng cả. Đến ngôi trường - trung tâm đào tạo hàng đầu cả nước về sân khấu và điện ảnh này, khách có thể tham quan một phòng truyền thống. Tại đây có một số hiện vật và tư liệu mô phỏng về nhân vật, trang phục, biểu diễn...

Dĩ nhiên, chức năng bảo tàng không thuộc về nhà trường, khoa đào tạo, hay viện nghiên cứu. Nhưng vài chi tiết thí dụ đó gợi ra câu hỏi: Vậy thì những câu chuyện lịch sử ngành nghề, thế hệ của hai dòng chảy lớn điện ảnh và sân khấu nước nhà sẽ được bảo tồn trong không gian nào? Đâu là nơi giữ gìn, bảo quản những chiếc máy quay phim gắn với những thước phim đi cùng năm tháng, những bộ mặt nạ tuồng đủ mầu sắc, những chiếc trống, những bộ sáo, đàn của chèo, các bộ trang phục cải lương rực rỡ đã góp phần vào vai diễn thành công của các nghệ sĩ gạo cội? Và rất nhiều hiện vật, hình ảnh khác nữa gắn với cuộc đời, sự nghiệp các “tinh hoa sân khấu” của nước nhà cả trăm năm qua, các “ngôi sao điện ảnh” hơn nửa thế kỷ qua.

Nhìn sang lĩnh vực âm nhạc, cũng không khỏi cảm giác băn khoăn về sự trống vắng, manh mún trong việc lưu giữ ký ức nghệ thuật cho xứng đáng với bề dày lịch sử âm nhạc truyền thống, hiện đại. Như đánh giá của nhạc sĩ, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long thì chúng ta có cả một kho tàng âm nhạc truyền thống nhiều thế kỷ, cộng với nền âm nhạc mới rất nhiều tài năng, đã đi cùng lịch sử, đóng góp cho cách mạng, kháng chiến, cho công cuộc xây dựng đất nước, phát triển đời sống văn hóa nhân dân. Điều đó xứng đáng được lưu lại lâu dài cho con cháu. Nhạc sĩ nhấn mạnh: “Tôi nghĩ, một bảo tàng cho ngành nghề là ước mơ của những người làm âm nhạc”.

(Còn nữa)