Luôn đặt con người ở vị trí trung tâm

Không phải đến tận bây giờ mà suốt cả một chặng đường dài đã qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định: Đặt con người ở vị trí trung tâm của mọi chính sách, coi con người là động lực và mục tiêu của quá trình phát triển đất nước, như phát biểu của Đại sứ Lê Hoài Trung tại Liên hợp quốc từ tháng 11/2012, trong phiên thảo luận rộng với đề mục "Thúc đẩy và bảo vệ quyền con người".
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh phiên khai mạc khóa họp 77 ĐHĐ LHQ tại New York, Mỹ, ngày 20/9/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Toàn cảnh phiên khai mạc khóa họp 77 ĐHĐ LHQ tại New York, Mỹ, ngày 20/9/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Cụ thể hóa mệnh đề mang tính cốt lõi ấy bằng nhiều chính sách thiết thực, Việt Nam có quyền tự hào và sẵn sàng đảm trách những nhiệm vụ quan trọng hơn trên trường quốc tế, nhằm tiếp tục đóng góp nhiều hơn cho sứ mệnh bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, như Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh khẳng định trong Lễ kỷ niệm 77 năm Quốc khánh 2/9 và 45 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc tại New York (Hoa Kỳ), ngày 23/9.

Ngay ở Khoản 1 Điều 14 Chương II, Hiến pháp năm 2013 nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quy định rõ: "Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật". Như vậy, về mặt cơ sở pháp lý, quyền con người của công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được xác lập trên những nền tảng vững chắc nhất. Và cũng cần nhấn mạnh, tiến trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó bao gồm cả các quyền về chính trị lẫn dân sự, vẫn đang được Đảng, Nhà nước Việt Nam tiếp tục kiện toàn, nhằm bảo đảm cho công dân Việt Nam thụ hưởng đầy đủ quyền con người.

Nhìn ngược lại, xuyên suốt chiều dài lịch sử, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, Đảng, Nhà nước Việt Nam vẫn cố gắng chăm lo cuộc sống mọi mặt của toàn dân, nỗ lực hiện thực hóa lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi" (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, H.2011, t.9, tr.518).

Và không gì khác, minh chứng tiêu biểu và dễ thấy nhất cho những nỗ lực không ngừng nghỉ ấy, còn rất sâu đậm như vừa mới hôm qua, chính là quãng thời gian hai năm 2020-2021 nước ta chống chọi với đại dịch Covid-19. Với quyết tâm "Không để ai bị bỏ lại phía sau!", cho dù đại dịch cộng hưởng các vấn đề thiên tai, bão lụt liên quan tiến trình biến đổi khí hậu khiến nỗ lực đạt những mục tiêu kinh tế-xã hội càng thêm trắc trở, Nhà nước Việt Nam luôn bảo đảm quyền được sống, quyền ăn, mặc, ở, quyền tham gia các hoạt động chính trị, văn hóa, giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe, tự do kinh doanh, quyền tự do ứng cử, quyền thể hiện quan điểm xã hội, quyền của mọi tầng lớp, thành phần, người dân.

Từ những quyết sách tầm cao qua chiến dịch ngoại giao vaccine được cả hệ thống chính trị vào cuộc, tới những nỗ lực của hàng triệu con người trên mặt trận chống dịch, quyền sống - quyền căn bản và quan trọng hàng đầu của công dân Việt Nam đã được bảo vệ bằng tất cả những biện pháp có thể.

Hơn hết, xuất phát là một nước nghèo và lạc hậu, phải khắc phục hậu quả của chiến tranh, bị cấm vận trong nhiều năm, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã vượt mọi khó khăn và trở ngại, đưa nước ta trở thành một trong những nước thực hiện thành công trước thời hạn nhiều Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Việt Nam hiện là một nước đang phát triển, với 70% dân số có cuộc sống ổn định-chỉ số có sức thuyết phục hùng hồn.

Từ nhiều năm qua, Việt Nam đã tham gia đầy đủ các công ước quốc tế và cơ bản nhất về quyền con người, như Công ước về quyền dân sự, chính trị; Công ước về quyền kinh tế-xã hội và văn hóa, ký ngày 24/9/1982; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, ký ngày 18/12/1982; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, ký ngày 19/3/1982; Công ước về quyền trẻ em, ký ngày 20/2/1990; Công ước về quyền của người khuyết tật, ký ngày 22/10/2007… Những công ước này đều được luật hóa trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Không chỉ vậy, Việt Nam cũng luôn thể hiện vai trò là thành viên tích cực trong các diễn đàn, hội nghị khu vực và quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền. Việt Nam có những đóng góp tích cực trong việc thành lập Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền, Ủy ban ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy các quyền của phụ nữ và trẻ em, thông qua tuyên bố Nhân quyền ASEAN, là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014-2016). Đặc biệt, tại trụ sở Liên hợp quốc, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã hai lần bầu Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008-2009 và nhiệm kỳ 2020-2021 (với số phiếu ủng hộ cao kỷ lục 192/193 phiếu). Sau đó, Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 1 và tháng 4/2021 với nhiều dấu ấn, đóng góp được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Chúng ta vẫn khắc ghi tính thống nhất biện chứng giữa quyền con người và quyền dân tộc. Và đó cũng là lý do Việt Nam đủ nhiệt huyết, điều kiện cũng như khả năng để tham gia, đóng góp, thúc đẩy sự phát triển quyền con người cho cộng đồng quốc tế, vì những giá trị cao đẹp và nhân bản nhất. Vì lương tri…

Chỉ thị số 12-CT/TW, ngày 12/7/1992, của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VII, "Về vấn đề quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng ta" xác định những nội dung cốt lõi nhất về quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề quan trọng này; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quyền con người. Phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người, đặt con người vào "vị trí trung tâm", "mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân" trở thành nguyên tắc trong hoạch định chính sách, pháp luật của Nhà nước.