Lợi thế của các nhà bán lẻ

Các công ty MGR - nhà bán lẻ tạp hóa hàng loạt đang tiếp tục mở rộng hoạt động, tận dụng lợi thế để định hình và chính thức hóa thị trường bán lẻ, dần loại bỏ loại hình chợ truyền thống. Các lợi thế đó là tốc độ đô thị hóa đang gia tăng, thu nhập khả dụng của tầng lớp trung lưu và mức chi tiêu cho thực phẩm cũng ngày càng tăng.
0:00 / 0:00
0:00
Các nhà bán lẻ đang có kế hoạch mở rộng hoạt động để đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng tăng. Ảnh: NGUYỄN HẢI
Các nhà bán lẻ đang có kế hoạch mở rộng hoạt động để đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng tăng. Ảnh: NGUYỄN HẢI

Theo báo cáo mới nhất của Fitch Solutions xuất bản ngày 22/8/2022, các nhà bán lẻ MGR đang mở rộng hoạt động vì chi tiêu cho ngành bán lẻ tạp hóa hàng loạt đang tăng lên. Hiện tại, chi tiêu cho thực phẩm và đồ uống không cồn vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các danh mục chi tiêu hộ gia đình Việt Nam, ở mức 21,2% tổng chi tiêu hộ gia đình trong năm 2022. Trong 5 năm tới, chi tiêu trên thực phẩm và đồ uống không cồn vẫn sẽ tăng trưởng mạnh, đạt mức tăng trưởng trung bình 10,7%/năm, từ 1,025 triệu tỷ đồng (44,2 tỷ USD) năm 2022 lên 1,557 triệu tỷ đồng (63,8 tỷ USD) vào năm 2026.

Với sự tăng trưởng mạnh mẽ như vậy, các nhà bán lẻ đang có các kế hoạch mở rộng hoạt động để đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng tăng này. Vào tháng 8/2022, Emart thông báo sẽ mở thêm hai đại siêu thị tại TP Hồ Chí Minh. Đây là một phần của sáng kiến ​​mở rộng quy mô để đưa 20 đại siêu thị vào hoạt động trong cả nước vào năm 2026. Công ty có trụ sở tại Hàn Quốc cũng có kế hoạch tiếp tục phát triển các cửa hàng tạp hóa điện tử và giao hàng cực nhanh bằng cách hứa hẹn ra mắt hệ thống nhận đơn hàng tự động cũng như giao hàng trong vòng một giờ cho khách hàng trong bán kính 5km.

Vào tháng 7/2022, “gã khổng lồ” bán lẻ WinCommerce cũng đã thông báo đang nhắm tới việc thúc đẩy mạng lưới cửa hàng WinMart bằng cách mở thêm 720 cửa hàng vào cuối năm 2022. Con số này sẽ bao gồm 700 cửa hàng tiện lợi WinMart+ mới cũng như hơn 20 siêu thị và đại siêu thị WinMart.

Mức tăng thu nhập thực tế trong các hộ gia đình cũng đang góp phần định hình hóa ngành bán lẻ tạp hóa hàng loạt. Trong năm 2022, các hộ gia đình Việt Nam sẽ có mức tăng thu nhập khả dụng đáng kể, giúp tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng trên nhiều lĩnh vực. Thu nhập khả dụng trung bình của hộ gia đình sẽ tăng 9,7% so cùng kỳ năm 2021, đạt 130,1 triệu đồng (5.605 USD). Trong trung hạn (2022-2026), thu nhập khả dụng trung bình của các hộ gia đình Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng 9,3%/năm, đạt 184,9 triệu đồng (7.572 USD) vào năm 2026.

Điều này có nghĩa là người tiêu dùng ở Việt Nam sẽ thấy thu nhập khả dụng của họ tăng lên theo giá trị thực. Tăng trưởng thực tế về mức thu nhập của người tiêu dùng làm tăng xu hướng định hình hóa ngành bán lẻ ở Việt Nam, khi chi tiêu của người tiêu dùng tăng lên, họ sẽ tiếp cận nhiều hơn với ngành bán lẻ tạp hóa hàng loạt hiện đại.

Dân số đô thị ngày càng tăng cũng là một yếu tố khiến Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn để MGR tăng trưởng. Tại Việt Nam, dân số thành thị được dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh trong ba thập kỷ tới. Đến năm 2030, 44,5% dân số Việt Nam sẽ sống ở các khu vực thành thị, tăng từ 38,8% vào năm 2022. Các khu vực đô thị hóa nhìn chung cũng là những thị trường tiêu dùng hấp dẫn hơn, do dịch vụ kho vận phát triển, người tiêu dùng tập trung hơn với mức chi tiêu cao hơn. Các khu vực thành thị cũng sẽ chứng kiến ​​sự hợp nhất mạnh mẽ hơn của ngành bán lẻ hiện đại và sự xói mòn dần vị trí thống trị của các loại hình chợ truyền thống, chợ cóc...

Cuối cùng, người tiêu dùng ở các khu vực thành thị sẽ sở hữu các kỹ năng sử dụng các thiết bị hiện đại, chẳng hạn như điện thoại thông minh, để truy cập vào các nền tảng thương mại điện tử, cho phép các doanh nghiệp bổ sung các dịch vụ kinh doanh của họ bằng cách phát triển nhiều kênh hơn để người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm của họ.

Thị trường mục tiêu chính của các nhà bán lẻ MGR là người tiêu dùng thành thị, trong các hộ gia đình có thu nhập trung bình đến cao (thu nhập khả dụng trung bình hằng năm hơn 10.000 USD). Trong những năm qua, sự phát triển kinh tế đã khuyến khích việc định hình và chính thức hóa ngành bán lẻ trong nước, đặc biệt là ở các khu vực thành thị. Khi thu nhập thực tế của người tiêu dùng tăng lên, xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho thực phẩm cũng đã tạo ra nhu cầu mạnh mẽ hơn đối với các siêu thị và các địa điểm bán lẻ tạp hóa khi người tiêu dùng tìm kiếm sự đa dạng hơn trong việc mua sắm.

Nhìn chung, cư dân đô thị là những người tiêu dùng ít thời gian, những người có thu nhập khả dụng để trả phí cao hơn cho việc dễ dàng tiếp cận nhiều loại sản phẩm cũng như giao hàng tận nhà. Đây là một thị trường tiêu dùng tương đối mới ở Việt Nam, đã phát triển trong vài năm qua nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, do đó tạo ra một tầng lớp trung lưu khá lớn với khoảng 3,4 triệu hộ gia đình (10,7% tổng số hộ gia đình) có thu nhập khả dụng hơn 10.000 USD vào năm 2022. Con số này được dự báo sẽ tăng với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm là 9,2% vào năm 2026, theo đó sẽ có 6,8 triệu hộ gia đình, hay 19,9% tổng số hộ gia đình, có thu nhập khả dụng hơn 10.000 USD/năm. Phần lớn các hộ gia đình này sẽ nằm ở các trung tâm kinh tế như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Các hộ gia đình giàu có chủ yếu tập trung ở các khu vực thành thị, giúp các công ty MGR dễ dàng nhắm đến các thị trường mục tiêu.

Tăng trưởng của các công ty MGR cũng một phần đến từ việc người Việt Nam ngày càng chú trọng chế độ ăn uống lành mạnh, chi tiêu nhiều hơn cho các thực phẩm có giá trị dinh dưỡng và lợi ích sức khỏe của nó. Người tiêu dùng có xu hướng sẵn sàng chi tiêu vào các mặt hàng có giá cao hơn để có các lựa chọn thực phẩm cao cấp và tốt cho sức khỏe.