Lời giải nào, cho một phương trình khắc nghiệt?

Vừa khép lại tại Rome (Thủ đô Italy) ngày 26/7, Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc về hệ thống lương thực toàn cầu chỉ ra và nhấn mạnh một thực tế nghiệt ngã: Hơn 780 triệu người trên khắp thế giới đang rơi vào tình trạng thiếu lương thực, trong khi khoảng 30% lương thực toàn cầu bị lãng phí hoặc thất thoát.
0:00 / 0:00
0:00

Hệ thống lương thực toàn cầu đang bị phá vỡ, và hàng tỷ người đang phải trả giá", Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định, ngay trong phiên khai mạc của hội nghị (ngày 24/7).

Đặt cạnh nhau, những số liệu mà người đứng đầu Liên hợp quốc đưa ra có thể khiến bất cứ ai cũng phải suy nghĩ. Thế giới đang có khoảng ba tỷ người không đủ khả năng chi trả cho một chế độ ăn uống lành mạnh, khoảng 462 triệu người (bao gồm cả người già, phụ nữ và trẻ em) bị suy dinh dưỡng. Nhưng ngược lại, cũng có khoảng hai tỷ người mắc các triệu chứng thừa cân hoặc béo phì.

Hơn thế, nguồn lực hạn chế cũng như gánh nặng nợ nần vẫn ngăn cản các nước đang phát triển đầu tư đầy đủ vào hệ thống lương thực, nhằm sản xuất thực phẩm bổ dưỡng cho mọi tầng lớp trong xã hội.

Và tình trạng này đang mỗi ngày một trở nên trầm trọng hơn, với những tác động ghê gớm của biến đổi khí hậu, tổn thất đa dạng sinh học, đại dịch Covid-19 toàn cầu, nhất là xung đột và chiến tranh.

Tham dự hội nghị, có cả ba cơ quan quan trọng về lương thực trực thuộc Liên hợp quốc, bao gồm: Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO), Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP).

WFP công bố: Số người phải đối mặt nạn đói đã tăng thêm tới 122 triệu người, kể từ năm 2019. Trong năm 2022, con số này ước tính khoảng 735 triệu người.

WFP, cũng như các cơ quan hay tổ chức nhân đạo khác, đã và đang nỗ lực hết sức để hạ thấp những chỉ số đáng buồn này. Tuy vậy, thực tế là do thiếu kinh phí hoạt động cũng như nguồn tài trợ, chính WFP cũng đã phải tự cắt giảm hoạt động, cũng như khối lượng viện trợ nhân đạo, tại Dải Gaza, tại Syria, tại Haiti hay châu Phi…, trong thời gian qua.

Trong khi đó, IFAD trích dẫn số liệu cho thấy: Kinh phí cho hoạt động kinh tế và xã hội hằng năm dư thừa đến 12.000 tỷ USD. Từ đó, FAO đề xuất: Cần "một sự chuyển đổi căn bản trong cách thức sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu thụ thực phẩm", để đáp ứng nhu cầu về lương thực, trong bối cảnh dân số thế giới ngày càng tăng.

Mọi nỗ lực cứu trợ đều là vô giá. Nhưng thật ra, các khoản viện trợ không phải và sẽ không bao giờ là cách để tái xây dựng hệ thống lương thực toàn cầu một cách bền vững, hướng đến mục tiêu xóa bỏ nạn đói trên thế giới vào năm 2030 - mục tiêu tương đối xa vời mà Liên hợp quốc từng đặt ra.

Các nước nghèo và các nước đang phát triển cần phải được hỗ trợ bằng những cơ chế giúp họ đủ khả năng tự xử lý những vấn đề của mình trong tương lai. Tuy vậy, để làm được điều đó, đầu tiên và không gì khác, họ vẫn cần những nền tảng tài chính vững vàng.

Trong ba lĩnh vực hành động chính, Tổng Thư ký Liên hợp quốc đặt lời kêu gọi về một gói đầu tư cấp bách, với số tiền ít nhất 500 tỷ USD hằng năm, lên hàng đầu, trước khi kêu gọi các chính phủ cũng như các doanh nghiệp hợp tác và "đặt con người lên trên lợi nhuận", cũng như việc "khám phá những cách thức mới để cải thiện chất lượng thức ăn, giữ cho thị trường thực phẩm luôn mở bằng cách loại bỏ các rào cản thương mại cùng các hình thức hạn chế xuất khẩu".

"Việc các hệ thống đầu tư vào lương thực bị bỏ đói, theo đúng nghĩa đen, khiến người dân chết đói" - ông đúc kết.

Nhưng vấn đề là, cả năm 2022, WFP chỉ nhận được tổng cộng khoảng 14 tỷ USD tài trợ từ các nước giàu (như Mỹ, Đức, Canada, Thụy Điển…). Con số 500 tỷ USD đầu tư mà Liên hợp quốc mong muốn, quả thật, rất khó để có thể được đáp ứng, khi nó không gắn trực tiếp với một quyền lợi đặc biệt nào…