Ngược thượng nguồn

Lở vào lòng Cái Sao

Sông Cái Sao bắt nguồn từ bờ nam sông Hậu, điểm tiếp nước từ nguồn sông Hậu có tên là Vàm Cái Sao thuộc thành phố Long Xuyên (An Giang), sông chảy về đến thành phố Rạch Giá (Kiên Giang). Khi chảy qua địa phận huyện Thoại Sơn (An Giang), sông được người dân gọi là kênh Tròn, trong sách lịch sử An Giang gọi là kênh Thoại Hà, tên hành chính gọi là kênh Rạch Giá - Long Xuyên.
0:00 / 0:00
0:00
Đò chợ đi chợ Cái Sao (TP Long Xuyên) đầu nguồn dòng sông.
Đò chợ đi chợ Cái Sao (TP Long Xuyên) đầu nguồn dòng sông.

Khúc cong mới lở, khúc thẳng hiền ngoan

Cuối tháng 6/2022, một vài chỗ trên dòng sông Cái Sao có hiện tượng lở bờ, sạt bến. Anh Trịnh Văn Sơn, công tác ở huyện Thoại Sơn, nay đã nghỉ hưu, khẳng định rằng: “Chỗ sông cong mới lở, chỗ sông thẳng tắp hiền ngoan”.

Và anh Sơn đã nói đúng khi chúng tôi ngồi thuyền ngắm chợ, xem bờ. Sông Cái Sao chỉ cong đầu nguồn, tức là thuộc thành phố Long Xuyên, còn lại toàn bộ dòng kênh chỉ có vài điểm uốn lượn. Khi sông chảy qua chợ Kênh Đào (Phú Thuận, Thoại Sơn, An Giang) cũng là lúc người dân đôi bờ đổi tên thành kênh Tròn rồi tiếp tục chảy mãi, chảy qua địa phận Cần Thơ về Kiên Giang và gặp dòng kênh Hà Tiên - Rạch Giá và hòa mình vào biển.

Lịch sử dòng sông cũng như lịch sử miền đất Thoại Sơn, đó là miền đồng bằng bao la nhưng vẫn có núi. Đây là vùng đất được tạo nên bởi bàn tay và khối óc của con người. Ví như tại thị trấn Núi Sập (Thoại Sơn, An Giang) có khu du lịch mang tên Núi Sập bên bờ sông. Đây là khu núi đá mọc lên trên miền đồng bằng, do khai thác đá đào sâu vào trong lòng đất, rồi một ngày mỏ đá bị cấm khai thác, rồi một ngày người ta dẫn nước vào những moong đá thẳm sâu tạo nên nhiều hồ nước trong xanh soi bóng núi và nơi đây bỗng nhiên thành một điểm đến hấp dẫn.

Nhưng hấp dẫn nhất vẫn là dòng kênh lưu thông hàng hóa từ chợ đầu mối Vàm Cái Sao (thành phố Long Xuyên) về chợ huyện, chợ quê bên dòng kênh xanh biếc. Chị Nguyễn Thị Nhàn, một tiểu thương buôn rau ở chợ Núi Sập cho biết: “Mỗi sáng, ghe thuyền từ Long Xuyên đưa rau, đưa đồ từ Long Xuyên về. Ghe đưa hải sản biển từ Rạch Giá lên. Nói chung không thiếu hàng. Cái chi cũng tươi ngon hết”.

Cuộc sống của người dân Thoại Sơn nói chung và người dân thị trấn Núi Sập nói riêng, không ai là không biết đến một người đã khơi dòng kênh hơn 200 năm về trước và ở nơi đây đã lập đền thờ cho người có công khơi dòng cho nước về ruộng, khởi phát một tuyến đường thủy từ nam sông Hậu ra biển tây bằng con kênh đào. Kênh Thoại Hà (Cái Sao) do trấn thủ Nguyễn Văn Thoại hay còn gọi là Thoại Ngọc Hầu khởi đào năm 1818. Khi hoàn thiện con kênh này, Vua Gia Long đã đồng ý lấy tên ông đặt cho tên kênh là Thoại Hà, tên núi là Thoại Sơn!

Sống bên dòng kênh gần trọn một đời người, cụ Võ Đình Cư, 82 tuổi, một người gốc Huế vào Cần Thơ công tác và rồi ở lại suốt đời tại thôn An Sơn (Thạnh Lợi, Vĩnh Thạnh, Cần Thơ), cho hay: “Tui có đọc sách viết về kinh Vĩnh Tế và kinh Thoại Hà. Kinh Thoại Hà là kinh mang tên chồng tức là ông Thoại Ngọc Hầu, kinh Vĩnh Tế là kinh mang tên vợ cả của ổng, bà tên là Châu Thị Tế. Đây là hai con kinh mà tôi đi lại nhiều lần và nhận thấy nó hữu ích”.

Năm 2016, hạn hán, xâm nhập mặn vào sâu đồng bằng miền tây, khi đó cũng có nhiều tiếng nói cất lên đổ lỗi cho con kênh đào. Nhưng một kỹ sư thủy lợi đã bác bỏ điều này và đánh giá rằng, các con kênh đào thời phong kiến rất hữu ích trong cuộc sống hôm nay, thứ nhất là dẫn nước về đồng, thứ nhì tiêu thoát nước ngập và thứ ba là tuyến giao thông.

Lở vào lòng Cái Sao ảnh 1

Dòng Cái Sao là tuyến vận tải đường sông.

“Mạch máu” giao thông đồng bằng

Đi dọc dòng Cái Sao hình dung như đi trên một tàu dừa vậy, hai bên bờ kênh có những con kênh nhỏ kết nối giao thông thủy đi vào ruộng, vào rẫy phía sâu bên trong. Nhiều kênh nhỏ ở đây không còn tên để đặt cho nó mà đặt bằng số. Anh Nguyễn Văn Cảnh là người lái tàu từ Rạch Giá (Kiên Giang) lên tận thị xã Tân Châu rồi qua nước bạn. Chuyến ngược nguồn thì buôn hải sản, chuyến xuôi nguồn buôn mây tre rau củ. Anh Cảnh cho hay: “Nếu không có con kinh này thì một chiếc thuyền từ biển muốn về Long Xuyên buộc lòng phải chạy xuống mũi Cà Mau rồi vòng lên. Đó là một cung đường khá xa xôi, nghe cũng mệt mỏi thời gian di chuyển”.

Kênh Rạch Giá - Long Xuyên dài 68km nhưng trên dòng chảy của nó chứa đựng đầy đủ dấu ấn lịch sử là sông Thoại Hà, mang tên xóm ấp là kênh Cây Dương, kênh Cầu Sắt và mang tính huyện lỵ như tên Cái Sao, kênh Tròn, mang tính thành phố là kênh Đông Xuyên... Theo nhiều sách sử nghiên cứu ghi chép, ở hai đầu dòng kênh vốn dĩ đã có dòng chảy tự nhiên. Khơi thông và kết nối hai đầu dòng chảy này bằng một con kênh đào dài 30km.

Đôi bên bờ sông hôm nay, cuộc sống vẫn nhẹ trôi êm đềm. Người bên bờ dù là giáo dân, phật tử hay đạo Cao Đài đều chí thú làm ăn với một sự bằng lòng thực tại. Hỏi về thu nhập bao nhiêu mỗi năm, anh Hoàng Văn Phú, 53 tuổi, ngụ ấp Tân Phú, xã Tân Thành (huyện Tân Hiệp, Kiên Giang), gãi đầu, cho biết: “Mùa gặt, lúa lên, mình lời chút, lúa xuống, mình thiệt chút. Ngoài ra, lúc rảnh đi phụ việc lai rai kiếm tiền cà-phê, ăn sáng, mua tấm vé số. Nói chung, cứ hy vọng mỗi ngày, mỗi mùa cho xong, cho nhẹ”.

Dòng sông chảy trong vùng đồng bằng, đưa nước từ sông lớn ra biển nên khi thủy triều lên, nước biển chảy vào dòng sông, khi thủy triều xuống, nước sông chảy ra ngoài biển, so độ mặn ngọt ở hai đầu sông có sự chênh nhau. Cụ Võ Đình Cư ở thôn An Sơn (Thạnh Lợi, Vĩnh Thạnh, Cần Thơ), cho rằng: “Chúng tôi ở giữa dòng sông, ở giữa đồng bằng, dù cuộc sống có hẻo hơn so với hai đầu là hai thành phố buôn bán rần rần. Chúng tôi thuần chất với cuộc sống mùa màng ruộng rẫy, ít xáo trộn”.

Vùng đất Thoại Sơn (An Giang), Vĩnh Thạnh (Cần Thơ), Tân Hiệp (Kiên Giang) nơi dòng sông chảy xuyên qua, ba đơn vị này dù có khác huyện, khác tỉnh nhưng điểm chung là mở lòng đón khách với tình ai đến cũng vui, ai qua cũng hài lòng về một miền đồng bằng thuần phác. Bạn là người đi chơi, đi phượt hay muốn làm một clip kỷ niệm chuyến đi, người ở đây không bao giờ nói nặng lời mà chỉ mong tốt cho bạn.

Và khi tôi đi trên dòng sông này, một ký ức đâu đó như thoảng qua, như nhắc nhớ về một ký ức năm xưa, ngày ấy, cha ông đã phải đằm mình vét bùn xúc đất, cơi dòng tạo sông. Ngày đó, chỉ là đôi bàn tay và cuốc xẻng, bằng ý chí khẩn hoang sâu hơn vào vùng đất chua phèn, mùa mưa úng ngập, mùa khô khô khát. Cuộc sống có được như hôm nay cũng nhờ bàn tay lao động của cha ông để lại. Và hôm nay, có một chỗ bờ chênh vênh, đất lở vào lòng sông, còn tôi, một ngày tôi “lở” mình vào lòng sông trên một con thuyền, một ngày thả hồn theo dòng nước với những mang mác, yên bình, ghi nhớ công ơn của người xưa. Và bất chợt, tôi khỏa tay vào dòng nước, một cảm giác mềm mát, nhẹ tênh.

Dọc dòng kênh Rạch Giá - Long Xuyên có làng nghề đan cần xé (sọt) đây là một trong nhiều làng nghề ở miền tây có nghề đan này, có cùng tên gọi này. Cần xé được làm từ nan vàu, nứa hoặc lồ ô. Cần xé gồm có hai loại nan: nan công và nan vành. Nan công là nan tạo dáng đứng, nan vành là nan lượn tròn vuông góc với nan công. Sản phẩm bán cho các vựa đựng trái cây, trứng vịt, khô cá... Các sản phẩm từ chăn nuôi trong khu vực này giá rất là rẻ, ví như trứng vịt chỉ bằng một phần ba hoặc nửa tiền so với trên Sài Gòn. Nhưng đến Thoại Sơn bạn nhớ món bánh canh tép nổi tiếng. Trong tô bánh canh, tép đồng được chiên khô ròn mà chỉ có người dân trong thị trấn Núi Sập mới có kỹ năng làm món tép đó.