Kêu gọi thiết lập hành lang nhân đạo
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã bày tỏ lo ngại về việc Israel thông báo phong tỏa toàn bộ dải Gaza, trong đó có lệnh cấm cấp nhiên liệu và lương thực. Ông Guterres nhấn mạnh, trước khi xảy ra xung đột, tình hình nhân đạo tại Gaza đã rất tồi tệ, giờ đây khủng hoảng sẽ nhanh chóng trầm trọng hơn. Các tổ chức quốc tế cũng đưa ra cảnh báo mạnh mẽ về tình hình nhân đạo, y tế tại Gaza.
Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA), đến nay hơn 260.000 người đã phải rời nơi ở đến nơi tạm trú bên trong Gaza, chủ yếu là các cơ sở, trường học do LHQ xây dựng. OCHA dự đoán con số này còn tăng mạnh trong những ngày tới.
Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách điều phối các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp, ông Martin Griffiths kêu gọi thả ngay lập tức tất cả những người bị bắt giữ làm con tin. Quan chức LHQ cũng nhấn mạnh yêu cầu không cản trở hoạt động cứu trợ nhân đạo, cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho người dân ở Gaza.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi thiết lập hành lang nhân đạo ra, vào dải Gaza. WHO kêu gọi chấm dứt bạo lực và nhấn mạnh sự cấp thiết mở hành lang nhân đạo, giúp người dân tại Gaza tiếp cận dịch vụ y tế thiết yếu. Theo WHO, các cơ sở y tế tại đây bị tấn công, trong khi vật tư y tế gần như đã cạn kiệt. Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cũng kêu gọi mở hành lang nhân đạo để cung cấp viện trợ cho Gaza.
Chia sẻ quan điểm của WHO, các Bộ trưởng Ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) cũng kêu gọi nhanh chóng thiết lập hành lang nhân đạo cho những người muốn rút khỏi vùng xung đột. Phát biểu ý kiến sau cuộc họp khẩn ngày 10/10, Cao ủy EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại, ông Joseph Borrell cho biết, EU phản đối phong tỏa hoàn toàn dải Gaza. Các Bộ trưởng EU hối thúc Israel không cắt nguồn cung điện, nước và lương thực cho Gaza.
Tiếp tục cung cấp viện trợ
Ngày 10/10, Tổng Thư ký Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Hussein Al-Sheikh đã kêu gọi cộng đồng quốc tế và các tổ chức nhân đạo nhanh chóng có giải pháp để có thể đưa hàng viện trợ tới người dân ở dải Gaza.
Cùng ngày, Ai Cập thông báo sớm cử bác sĩ và đoàn xe viện trợ thực phẩm và thiết bị y tế đến dải Gaza. Quốc vương Jordan Abdullah cũng chỉ thị gửi viện trợ nhân đạo và hỗ trợ y tế khẩn cấp tới Gaza. Jordan cam kết phối hợp đầy đủ với Ai Cập nhằm xác định nhu cầu của người Palestine để có hành động kịp thời. Ai Cập xác nhận đang đàm phán với các cơ quan của LHQ và các tổ chức quốc tế về giải pháp gửi viện trợ nhân đạo tới Gaza thông qua cửa khẩu Rafah.
Nhiều nước thành viên phản đối việc EU đình chỉ viện trợ cho Chính quyền Palestine (PA) ở Bờ tây cho rằng, việc áp đặt “trừng phạt tập thể” đối với tất cả người Palestine là không công bằng và không có tác dụng. Ông Joseph Borrell nhấn mạnh, thương vong của dân thường tại Gaza tiếp tục tăng và tình hình nhân đạo tại đây rất nghiêm trọng, vì thế cần tăng, thay vì giảm hỗ trợ.
Trong khi đó, xung đột giữa Israel và phong trào Hamas kiểm soát dải Gaza đã sang ngày thứ 5 mà chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Các nước tiếp tục kêu gọi chấm dứt giao tranh ngay lập tức và nối lại đàm phán nhằm giải quyết xung đột Israel - Palestine.
Ngày 11/10, quân đội Israel cho biết, số người nước này thiệt mạng do xung đột đến nay là hơn 1.200 người; khoảng 3.000 người bị thương, trong khi chưa rõ số phận của khoảng 150 người bị Hamas bắt giữ và đưa về Gaza.
Trong khi đó, thống kê của cơ quan y tế tại dải Gaza cho thấy, ít nhất 770 người Palestine thiệt mạng và 4.000 người bị thương trong các cuộc không kích của Israel vào Gaza. Tại khu Bờ tây, ít nhất 18 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương.