Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, hiện nay, cho vay tiêu dùng đang sụt giảm mạnh do nợ xấu tăng cao. Tính đến ngày 31/8/2023, dư nợ cho vay phục vụ đời sống toàn hệ thống đạt khoảng 2.671.000 tỷ đồng, chiếm 21% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng 0,35% so với 31/12/2022, nợ xấu chiếm tỷ lệ hơn 4%.
Trong đó, dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống của 16 công ty tài chính là 135.945 tỷ đồng (chiếm khoảng hơn 5% dư nợ cho vay phục vụ đời sống). Tuy nhiên, nợ xấu của các công ty tài chính đến nay đã lên đến 8-10%, cá biệt có công ty nợ xấu lên đến 20%, nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao.
Nghịch lý thị trường tài chính tiêu dùng
Đồng quan điểm với ông Nguyễn Quốc Hùng, ông Lê Quốc Ninh, Tổng Giám đốc Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit) cũng cho biết, tín dụng tiêu dùng đang trong giai đoạn khó khăn nhất trong vòng hơn 15 năm qua. Dư nợ cho vay của nhóm công ty tài chính tiêu dùng tính tới cuối tháng 6 giảm 10,2% so thời điểm cuối năm 2022, nợ xấu tăng từ mức 10,7-12,5%.
Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, ngoài những yếu tố khách quan như khó khăn chung của nền kinh tế, thu nhập của người lao động giảm còn do các công ty tài chính bị đánh đồng với các tổ chức tín dụng đen, khách hàng cố tình bùng nợ; hoạt động gian lận ngày càng tinh vi và gia tăng… Thậm chí, nhiều người còn lập hội bùng nợ trên các mạng xã hội như Zalo, Facebook… nhưng không hề bị xử lý.
“Có 16 công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép song giá trị tích cực mà các công ty này đang bị pha loãng bởi sự xâm lấn của hàng trăm tổ chức tín dụng phi chính thức, hay còn gọi là tín dụng đen. Việc bùng nổ các ứng dụng cho vay tiêu dùng giả danh khiến góc nhìn của nhiều người đối với hoạt động của các công ty tài chính được cấp phép trở nên méo mó”, ông Ninh nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm về việc bị đánh đồng là các tổ chức tín dụng đen nên các nhân viên thu hồi nợ gặp khó khăn trong công tác đòi nợ, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, quyền Tổng Giám đốc Công ty tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit) cho biết, nếu giai đoạn 2019-2021, công ty chỉ ghi nhận 2 trường hợp cán bộ tín dụng bị khách hàng đe dọa, gây cản trở thì riêng từ cuối năm 2022 đến nay, con số này đã tăng lên 24 trường hợp.
“Việc liên tiếp xảy ra tình trạng này đã tạo tâm lý bất ổn, hoang mang cho các nhân viên thu hồi nợ”, bà Minh cho biết.
Hầu hết đại diện các công ty tài chính đều cho rằng, tâm lý đánh đồng các công ty tài chính với tổ chức tín dụng đen khiến người vay tiền không trả tiền, thậm chí thách thức, đe dọa lại chủ nợ đang làm đau đầu các công ty tài chính tiêu dùng, gây ra hệ lụy lớn cho thị trường.
Dưới góc nhìn chuyên gia, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, nguyên nhân chính của việc “bùng nợ” là do nhận thức của người đi vay, mức độ hiểu biết về tài chính tiêu dùng thấp, tính tuân thủ, thượng tôn pháp luật còn hạn chế. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý về cho vay và cho vay tiêu dùng chưa đồng bộ.
“Tại anh, tại ả”
Trên thị trường tài chính tiêu dùng, không thể phủ nhận tình trạng nhiều hội nhóm bùng nợ đã được lập ra với lượng thành viên lên tới hàng trăm nghìn thành viên, chia sẻ về cách vay tiền xong “quỵt” của những người tham gia, thậm chí có những người còn khẳng định rằng, các công ty tài chính là tín dụng đen. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, cách hành xử trong công tác thu hồi nợ của các công ty tài chính cũng còn nhiều bất cập.
Theo chia sẻ của chị Hương Quỳnh (Hà Nội), hiện chị đang có một khoản vay tiêu dùng 70 triệu đồng tại công ty tài chính M, thời hạn 36 tháng, hạn đóng tiền là ngày 17 hằng tháng. Tuy nhiên, bắt đầu từ sau ngày 10, nhân viên của công ty sẽ liên tục gọi điện thoại nhắc nợ, nhắn tin giục nộp tiền bằng nhiều số điện thoại khác nhau.
“Càng gần đến hạn đóng tiền, các bạn nhân viên bên M càng gọi nhiều, trong khi mình chưa hề quá hạn, thậm chí thời điểm gần Tết Nguyên đán, các bạn ấy cũng sẵn sàng nhắn dọa là sẽ nộp hồ sơ lên tòa án nếu mình không nộp tiền. Mặc dù trong tin nhắn không nói rõ là của nhân viên bên công ty nào nhưng mình chỉ có duy nhất 1 khoản vay nên mình có thể biết chắc chắn là từ bên M”, chị Hương Quỳnh cho biết.
Đặc biệt, chị Hương Quỳnh cho biết “tính trung bình khoản tiền mà tôi đóng hằng tháng từ tháng 1/2022 đến nay là khoảng 4,5 triệu đồng/tháng. Tổng số tiền tôi đóng đến thời điểm này bao gồm cả gốc lãi là khoảng 90 triệu đồng, trong khi dư nợ vẫn còn hơn 64 triệu đồng, tức là phần gốc của tôi mới giảm được khoảng 6 triệu đồng. Vậy khoản tiền hơn 80 triệu đồng tôi đã nộp phải chăng là lãi? Liên hệ với những nhân viên đã từng chăm sóc tôi thì hầu hết đã bỏ số điện thoại đó”, chị Hương Quỳnh cho hay.
Tương tự, chị Thu Thủy (Hà Nội) cho biết, “ban đầu có một số người gọi điện thoại cho tôi nói về việc tôi phải có trách nhiệm trả nợ khoản vay của chồng từ năm 2019 với số tiền gốc lãi, lãi phạt là hơn 100 triệu đồng. Sau khi tôi nói, vợ chồng đã ly hôn nhiều năm nay và không có khoản vay chung nào, nên không có nghĩa vụ trả nợ thì họ gọi điện thoại cho đồng nghiệp của tôi, nhắn tin đe dọa sẽ tìm đến trường học của con tôi nếu không trả”, chị Thủy cho biết.
Cũng theo chị Thủy, việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín cũng như hình ảnh của chị tại nơi làm việc, chưa kể nếu việc những nhân viên kia tìm đến trường học của con chị sẽ gây nên sự tác động lớn đến tâm lý của trẻ nhỏ.
“Khi bắt đầu ký vào hợp đồng vay tiền, tôi hoàn toàn nhận thức được công ty mình nợ là một công ty tài chính được cấp phép, nhưng những gì nhận được sau khi khoản vay có hiệu lực khiến tôi khá mệt mỏi, tôi đang thu xếp để tất toán khoản vay, chấp nhận chịu phạt để đổi lấy sự yên bình và không mất thêm số tiền lớn hơn”, chị Hương Quỳnh chia sẻ.
Thực tế, chị Quỳnh, chị Thủy không phải là trường hợp cá biệt của việc bị các công ty tài chính “khủng bố” về mặt tinh thần. Trong nhiều năm qua, các cơ quan báo chí, truyền thông đã liên tục thông tin về việc các khách hàng của công ty tài chính “tố” đòi nợ theo kiểu “xã hội đen”, gây bức xúc dư luận.
Bên cạnh đó, việc nhập nhèm lãi suất, khiến chính người đi vay cũng không biết mình đang chịu mức lãi suất là bao nhiêu phần trăm 1 năm, cũng khiến các công ty tài chính tự đánh mất hình ảnh trong mắt người tiêu dùng. Như vậy, trước khi than trời và đổ lỗi cho người vay tiền, các công ty tài chính cũng nên xem lại đã thật sự “oan”?