Hà Nam:

Lan tỏa giá trị cổ vật tiêu biểu

Thời gian qua, Bảo tàng tỉnh Hà Nam đã phối hợp Viện Nghiên cứu Hán nôm, Viện Khảo cổ học, Viện Trần Nhân Tông (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nghiên cứu các hiện vật tiêu biểu đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh và một số di tích tiêu biểu ở địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Pho tượng Kim Cương thời Lý tại chùa Đọi Sơn.
Pho tượng Kim Cương thời Lý tại chùa Đọi Sơn.

1/Trong lúc đào ao thả cá tại thửa ruộng thuộc địa phận xóm Miễu, xã Vũ Bản, huyện Bình Lục, ông Trần Đình Đô phát hiện chiếc trống đồng Vũ Bản có niên đại cách ngày nay khoảng 2.500-2.000 năm, thuộc cổ vật Văn hóa Đông Sơn. Khi đưa về Bảo tàng Hà Nam trống chỉ còn lại mặt và tang trống. Đây là một trong những hiện vật được khảo sát, nghiên cứu trong đợt vừa rồi.

Mặt trống có kích thước lớn, các vành hoa văn trang trí rất phong phú, độc đáo. Theo các chuyên gia, điểm độc đáo và đặc sắc nhất của mặt trống Vũ Bản là các vành số 6, 12 có trang trí dày đặc hình người và động vật đang diễu hành chung quanh ngôi sao theo hướng ngược chiều kim đồng hồ. Trong đó là các nhóm người mặc áo lông chim đang nhảy múa, người giã gạo chày đôi, người đánh trống, nhà sàn mái cong… Đây là chiếc trống đồng có kích thước khá lớn, trang trí hoa văn phong phú, độc đáo tương tự như trống đồng Ngọc Lũ I (đã được công nhận Bảo vật quốc gia đợt I/2013). Chiếc trống đồng Vũ Bản đã nâng tổng số trống đồng được phát hiện trên đất Hà Nam lên con số 21, trở thành tỉnh có số lượng trống đồng lớn nhất khu vực đồng bằng Bắc Bộ.

Các nhà khoa học còn nghiên cứu trường hợp bộ tượng Kim Cương gồm 6 pho ở chùa Đọi Sơn, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, có niên đại thời Lý (thế kỷ XI). Theo sách khảo cứu về Phật học thì tượng Kim Cương gồm có 8 vị. Bài minh văn trên bia đá Sùng Thiện Diên Linh có ghi: “Tầng dưới đặt 8 vị tướng khôi ngô, có thần nhân chống gươm ủng hộ”. Tuy nhiên, hiện 2 pho đã bị thất lạc. Bộ tượng được tạc bằng đá sa thạch nguyên khối với dáng võ quan khỏe mạnh với hai tay trước bụng để chống lên một thanh kiếm nhưng kiếm đã bị bể mất. Bộ tượng được xác định là nguồn tư liệu vô cùng quý giá cho các nhà nghiên cứu về trang phục cổ.

Cùng với đó, chiếc khánh đá chùa Điều, xã Vũ Bản, huyện Bình Lục có niên đại Chính Hòa thứ 13 (1692 - thế kỷ XVII) được xác định là chiếc khánh đá cổ nhất hiện nay ở Hà Nam và cả nước. Khánh có hình cánh dơi, nặng khoảng 350 kg, chiều cao nhất 95 cm, chiều rộng nhất 195 cm, dày 7 cm. Nếu so sánh với chiếc khánh đồng có niên đại vào đời Vĩnh Trị thứ 2 (1677) tại chùa Thiên Mụ (Huế) được coi là cổ nhất; chiếc khánh đồng thuộc chùa Đại Bi (Hoài Đức - Hà Nội) được làm đời Cảnh Hưng thứ 6 (1745) và khánh đá chùa Tam Sơn (Tiên Sơn - Bắc Ninh) được làm vào cuối thế kỷ XVII (Trích “Những đồ thờ phổ biến trong kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng cổ truyền”, trang 13-135 - Trần Lâm Biền) thì khánh đá chùa Điều là một trong khánh đá có niên đại sớm còn tồn tại hiện nay trong cả nước.

2/Ông Đỗ Văn Hiến, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Nam cho biết, thời gian qua, Bảo tàng đã tham mưu với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tập huấn, phổ biến Luật Di sản văn hóa, trọng tâm công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, các giá trị di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia cho các Ban Quản lý di tích địa phương. Cùng với đó, tham mưu UBND tỉnh và Sở ra các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn địa phương về công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, tăng cường bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị các bảo vật quốc gia.

Đáng chú ý, việc bảo quản bảo vật quốc gia được yêu cầu phải có phương án cụ thể, tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc, quy trình, kỹ thuật bảo quản, đồng thời có sự phối hợp, hướng dẫn của các nhà khoa học, các chuyên gia về bảo quản. Ngành chức năng cũng định hướng việc xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình quảng bá, giới thiệu với nội dung hấp dẫn, hình thức đa dạng, dễ phổ biến và tiếp cận để quảng bá giá trị của bảo vật quốc gia tới đông đảo công chúng.

Bảo tàng tỉnh đang tham mưu văn bản hướng dẫn các địa phương sắp xếp không gian thờ tại các di tích đã được xếp hạng quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia, góp phần bảo đảm thẩm mỹ, tôn nghiêm, nâng cao giá trị di tích, phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt tâm linh tín ngưỡng của nhân dân và du khách. Bảo tàng cũng đang nghiên cứu xin chủ trương UBND tỉnh về lập hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia đợt 13, năm 2024.