Bảo tồn và sinh lời từ di tích
Các di sản văn hóa của mỗi quốc gia là vô cùng quý giá, bởi vậy việc bảo tồn và giữ gìn chúng không hề dễ dàng và cũng vô cùng tốn kém. Trước hết về phương diện kinh tế, các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa thường đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, công nghệ kỹ thuật hiện đại và nguồn nhân lực trình độ cao, am hiểu nhiều lĩnh vực. Chỉ tính riêng mức lương cho một chuyên gia bảo quản cổ vật tại Mỹ là khoảng 40 nghìn đến 60 nghìn USD/năm (tương đương 1 tỷ - 1 tỷ 500 triệu VNĐ) hoặc ở Nhật Bản, mức lương trung bình của các chuyên gia này cũng khoảng hơn 5 triệu yên/năm (tương đương hơn 800 triệu VNĐ). Mức lương này đương nhiên sẽ đi kèm theo nó là những yêu cầu khắt khe về trình độ và kinh nghiệm.
Suy rộng ra, với số lượng di sản mỗi thành phố rất nhiều và đa dạng loại hình như ở Nhật, quá trình bảo tồn đòi hỏi một con số khổng lồ. Có thể lấy thí dụ về dấu ấn của nguồn lực tư nhân trong việc bảo tồn di sản văn hóa tại Fushimi Inari-taisha, ngôi đền chính trong hệ thống 32 nghìn đền thờ thần Inari trên khắp Nhật Bản, nằm ở Fushimi-ku (Kyoto).
Bên cạnh sự tự nguyện và phi lợi nhuận, không ít sự đóng góp kể trên đến từ doanh thu sau khi các đơn vị tư nhân tham gia khai thác giá trị kinh tế từ “tài nguyên” di sản. Có thể nói, hưởng lợi chính đáng từ di sản cũng là động lực quan trọng để nâng cao ý thức bảo vệ di sản của tư nhân và người dân địa phương. Sau đó, việc trích nguồn thu để quay trở lại tri ân và bảo vệ di sản sẽ hình thành một “vòng tròn” khép kín và hiệu quả. Hầu hết các di tích ở Nhật bao gồm dịch vụ bên trong khuôn viên di sản, tiện ích chung quanh di sản và đa dạng hình thức “ăn theo” khác. Trước hết, du khách trong và ngoài nước khi vào trong di sản này hoặc nếu muốn tham gia hoạt động liên quan như lễ hội, tham quan một số khu vực đặc biệt bên trong di tích đều phải trả tiền vé.
Trong khi các nguồn thu tại khu vực bên trong di tích thuộc quản lý nhà nước, thì bên ngoài di tích các hoạt động kinh doanh tư nhân phục vụ đều tuân thủ quy định di tích bài bản, tránh gây mất mỹ quan chung và ảnh hưởng tới trải nghiệm của du khách. Ở khu phố đông đúc Asakusa, Tokyo nơi có ngôi chùa Sensoji nổi tiếng lâu đời nhất Nhật Bản, người ta có thể bắt gặp ngay từ cổng vào cảnh tượng du khách lúc nào cũng đông nghẹt. Các dịch vụ tư nhân ăn theo cũng hết sức đa dạng, từ mô hình xe kéo “jinrikisha” độc đáo cho tới các gian hàng bán đồ lưu niệm, thủ công mỹ nghệ hay đặc sản tượng trưng của vùng…
Ở nước ta, các công trình di sản và hoạt động văn hóa từ lâu cũng có sự tham gia của các đơn vị tư nhân. Tuy nhiên, sự đóng góp này vào công tác bảo tồn và phát huy di sản vẫn có mức độ nhất định và chủ yếu do các đơn vị nhà nước phụ trách. Trước đây, tồn tại không ít sự e ngại tác động của việc “thương mại” hóa, thiên về lợi nhuận sẽ gây ảnh hưởng tới giá trị văn hóa của di sản. Nhưng thực tế hiện nay lại xuất hiện nhiều ý kiến ở hướng ngược lại, khi mà sự quan tâm của các đơn vị tư nhân ngày càng lớn đối với việc bảo tồn di sản. Nếu sự đóng góp của họ là tự nguyện và phi lợi nhuận, đương nhiên là rất đáng biểu dương. Nhưng cũng là hợp lý nếu khuyến khích các đơn vị tư nhân tham gia, vừa khai thác các giá trị kinh tế vừa tăng độ “phủ sóng” văn hóa, đồng thời cam kết đóng góp trích từ nguồn thu trên để chung tay với đơn vị nhà nước. Thực tế, việc xuất hiện ngày càng nhiều các nhà sưu tầm hay bảo tàng tư nhân cũng cho thấy sự thay đổi trong tư duy, cách thức bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Để không lãng phí “tài nguyên” di sản và tranh thủ được lợi thế nhân lực, vật lực dồi dào từ các đơn vị tư nhân, cần có hành lang pháp lý phù hợp, thông qua việc đóng góp ý kiến sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa mới.
Những cách tiếp cận mới
Khá trùng hợp khi Ngày hội Việt phục lần thứ IV mang tên “Mùa đông 2024” của nhóm “Bách Hoa Bộ Hành” trong khuôn khổ Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024 diễn ra chiều 17/11 chỉ cách vài ngày sau lễ hội diễu hành nổi tiếng Jidai Matsuri tổ chức cuối tháng 10 hằng năm tại TP Kyoto (Nhật Bản). Dù có khác biệt văn hóa hay không gian, thời gian tổ chức, nhưng nếu nhìn vào nét tương đồng của hai sự kiện đậm sắc văn hóa thông qua cổ phục các thời kỳ để lại cho chúng ta ít nhiều suy nghĩ. Có thể thấy sự linh hoạt, sáng tạo và tâm huyết của lớp trẻ và các đơn vị tư nhân trong hoạt động bảo tồn, phát triển di sản văn hóa. Những trang phục công phu, tỉ mỉ và bám sát từng thời kỳ lịch sử là minh chứng cho sự đầu tư nghiên cứu tư liệu, khảo cứu các nguồn tin cậy, trong đó chắc chắn có sự hỗ trợ của các đơn vị nhà nước như các viện nghiên cứu hay các chuyên gia đầu ngành. Chi phí đầu tư và tổ chức một sự kiện lớn không thu phí như vậy cũng không nhỏ, nhưng đổi lại kết quả là tăng sức phủ sóng đối với công chúng, du khách là rất đáng chú ý.
Ông Hideki Hara, Giám đốc điều hành Phòng Nghiên cứu tiếng Nhật của Quỹ Nhật Bản phân tích: “Hiện nay với những khó khăn về kinh tế và đồng yên Nhật giảm, chính phủ Nhật đang có sự thắt chặt hơn, bởi vậy các quỹ công cho bảo tồn di tích và di sản văn hóa cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Thay vào đó, những nguồn lực đóng góp từ doanh nghiệp tư nhân hoặc hoạt động tình nguyện của các sinh viên trường nghệ thuật hay các bạn trẻ đam mê tham gia phát triển văn hóa truyền thống rất được khuyến khích”.
Ngoài khoản thu từ tiền vé, bên trong các cơ sở thờ tự ở Nhật Bản rất hay có các dịch vụ tâm linh như bán bùa cầu may, bùa tài lộc… Điều này cũng khá giống ở Việt Nam, nhưng điểm khác là các dịch vụ này vừa bảo đảm thu lợi vừa giữ gìn mỹ quan chung, thông qua những chi tiết như gian hàng được bố trí khéo léo, trang trí lịch sự, nhân viên bán hàng ăn mặc nghiêm túc theo lối cổ xưa hay việc mua bán diễn ra có trật tự thành hàng lối, không ồn ào mặc cả vì có giá niêm yết…