Mùi Tết mọn

Ngoài Tết Nguyên đán, Tết to - Tết Cả trong năm còn có những ngày Tết nhỏ, quê tôi hay gọi là “Tết mọn”. Nào mồng 3 tháng 3 - Tết Hàn Thực, Tết Đoan Ngọ - mồng 5 tháng 5, rằm tháng 7 - lễ Vu lan, rằm tháng 8 - Tết Trung thu rồi Tết cơm gạo mới - mồng 10 tháng 10…
0:00 / 0:00
0:00
Mùi Tết mọn

Những ngày Tết này cũng gói bánh, làm cỗ chỉ khác Tết to là ăn một ngày. Nhưng tôi luôn nhớ nhung và mong chờ những ngày Tết đó một cách đặc biệt. Nhớ và mong chờ bởi bao thứ mùi đậm đà không thể lẫn.

Tôi nhớ thứ mùi đánh thức khứu giác đầu tiên trong ngày là mùi thơm ngào ngạt của chõ xôi mẹ đặt trong gian bếp nhỏ. Chẳng biết mẹ dậy từ bao giờ để đãi gạo, đãi đỗ mà khi bóng đêm còn mờ ảo và màn sương còn giăng nhè nhẹ như tơ đã thấy một làn hơi âm ấm, thơm nức phả vào không gian; bay ngang qua sân, xộc qua cửa chính rồi lên nhà trên, đánh thức cơn ngái ngủ của mấy chị em tôi. Đến khi thứ hương nồng nàn đó làm nở phồng hết các giác quan thì không đứa nào ngủ thêm được nữa.

Nếu là buổi sáng Tết diệt sâu bọ thì mỗi đứa sẽ được mẹ cho tắm lá, ăn rượu nếp, chè đỗ đen, nhuộm móng tay… Mùi cơm rượu nồng nàn cứ trở đi, trở lại mãi trong tôi, lẫn với mùi hương của những thứ quả đầu mùa, với hương nắng chớm hạ oi oi mà thân mật.

Mẹ dặn chị cả để ý nồi xôi rồi ra chợ làng mua đồ về nấu Tết. Dù có đủ thứ gà, giò, nem… nhưng món được mong chờ nhất của mấy chị em lại là món bún xào giá. Bình thường mẹ ít khi xào chung hai thứ đó nhưng cứ đến Tết mọn là phải làm. Đứa nào, đứa nấy có thể ăn đến no căng thay cơm. Xong lại tranh nhau mảng cháy dưới đáy chảo. Món bún xào giá đơn giản nhưng hấp dẫn một phần bởi mùi hành lá rắc lúc sắp bắc ra. Tôi gọi mùi hành lá thơm dậy đó là mùi của Tết mọn. Ngoài bún xào, hành lá còn rắc vào bát canh rau cải, bát măng nấu vịt hay khoai sọ ninh xương. Chả thế mà trong chiếc rổ đi chợ về của các bà, các mẹ không bao giờ thiếu nắm hành lá tươi. Dẫu đắt hay rẻ. Không có hành lá, không có mâm cơm cúng Tết mọn. Tết to cũng có những món rắc hành nhưng bị lấn át bởi bao cao lương mỹ vị và những thứ mùi cổ truyền khác. Chỉ có Tết mọn, hương vị hành lá mới thân thương và gợi nhớ đến thế. Từ gian bếp nhà mình hay đi dọc xóm rồi ra đường làng những lúc mẹ sai đi công việc, tôi đều lắng nghe những tiếng xèo xèo, lục bục của các thức nấu; đôi làn khói phơ phất bốc lên và mùi thơm ngào ngào kích thích vị giác. Là mùi vị của sum vầy, ấm cúng, của bận rộn nhưng háo hức, say mê.

Buổi chiều, khi bát đĩa đã được rửa sạch, phơi khô, tắm nắng ngoài sân gạch, mẹ sẽ đi tìm dọc mấy tàu lá chuối phơi cho tai tái để gói bánh rợm. Nếu bánh tẻ và bánh khoai gói bằng lá dong tươi thì bánh rợm, bánh gai lại phải lá chuối mới đúng điệu. Tôi thích hít hà mùi lá chuối đang ngậm dần vị nắng mà tỏa ra thứ hương ngai ngái, ngòn ngọt. Rồi vẫn mùi lá ấy lại nồng nàn cả khu vườn khi những nồi bánh được luộc trên cái bếp xếp gạch. Củi nhãn, củi tre, củi dâu đườm đượm tiếp thêm hương cho những chiếc lá đang ôm lấy những bột, những khoai, những đỗ, hành, mỡ mà nưng nức lên thấm đẫm thành một thứ vị đậm đà không thể lẫn. Là hương quê, vị lửa hay hương vị của Tết mọn mà dù bao năm tháng vẫn không phai nhòa trong ký ức tôi.