Những cái tên quen thuộc
“Sách Tết Ất Tỵ 2025 - Hợp tuyển văn thơ nhạc họa chủ đề mùa xuân và ngày tết” do nhà văn Hồ Anh Thái tuyển chọn, Công ty cổ phần Văn hóa Đông A liên kết NXB Dân trí ấn hành. Đây là năm thứ bảy Đông A tham gia thị trường sách Tết. Cũng như mọi năm, năm nay, công ty chỉ in 2.025 cuốn (đúng với số năm phát hành), chia làm hai phiên bản bìa cứng và bìa mềm. Sách in màu, mỗi cuốn đều được đánh số thứ tự riêng và tặng kèm postcard thiết kế đồng bộ.
Ở phần Khúc dạo đầu của mùa xuân, những suy ngẫm, chiêm nghiệm trước khi Tết đến được tác giả Trung Sỹ viết trong “Mở toang cánh cửa năm mới” hay tác giả Nguyễn Ngọc Tiến bày tỏ trong “Người Việt còn ăn Tết đến bao giờ”. Kỷ niệm đón Tết năm Quý Tỵ 1953 tại an toàn khu Tuyên Quang được tác giả Xuân Phượng kể lại trong “Bánh chưng sắn và xem phim giữa rừng”. Phần Văn và Thơ mang đến thú nghiền ngẫm chữ nghĩa đầu năm với “Quà biển” của Lê Minh Khuê, “Chủ nhật mùng một xa xứ” của Thư Uyển… Trong khi đó, những vần thơ giàu cảm xúc của các cây bút Trần Đức Cường, Hữu Việt, Chu Hoạch, Chế Lan Viên, Trương Quang Thứ… như đang gọi mùa xuân về. Phần Nhạc là những bài hát về mùa xuân nổi tiếng còn phần Họa giới thiệu họa sĩ tuổi Tỵ - Đào Hải Phong với lối đi riêng độc đáo, khó lẫn.
Còn NXB Kim Đồng với “Nhâm nhi Tết Ất Tỵ”, có 22 sáng tác thơ, văn, tranh của nhiều tác giả xoay quanh chủ đề mùa xuân - ngày Tết các vùng miền trong niềm vui sum họp, gắn kết gia đình với truyền thống và cội nguồn. “Mùa xuân có đẹp không?” của May mở ra những suy ngẫm về vẻ đẹp thật sự của thời khắc giao mùa. Trong khi đó, “Quà của mùa xuân” của Nguyễn Thị Như Hiền là một câu chuyện ấm áp về tình người và sự sẻ chia trong dịp Tết. Những câu chuyện nhỏ thú vị tiếp tục được kể trong “Chuyến phiêu lưu tìm Nắng Ấm” của Lê Chip, “Đội cứu hộ mười hai con rắn” của Trần Quốc Toàn và “Cư dân bí ẩn của rừng U Minh Hạ” do Đoàn Mai Anh sáng tác. Năm 2025, kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất,bắc nam sum họp, nhà văn Trương Quý kể cho bạn đọc nhỏ tuổi nghe về lịch sử ra đời bài hát ý nghĩa “Bài ca chữ S” của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát…
Độc giả nhí có nhiều chọn lựa
Dịp này, NXB Kim Đồng cũng giới thiệu đến độc giả nhí nhiều ấn phẩm thú vị cùng chủ đề như “Tất tần tật Tết ta” (thơ: Thương Thương, minh họa: Tất Sỹ - Nam Phạm), “Tết, gia đình là nhất - Ú òa, Tết phương nam” (thơ: Văn Thành Lê, minh họa: Lê Rin) hay bộ sách “Tết tuổi thơ” với ba tập, gồm “Tết ngoài đảo xa”, “Tết ở cù lao xanh” và “Tết ở thị trấn biển” (lời: Minh Phúc - Lam Điền, tranh: Lạc An, Cam Anh Ng, Thư Cao).
Công ty cổ phần Phát hành sách Lionbooks Việt Nam thì gửi tặng bạn đọc nhỏ tuổi món quà tinh thần mang tên “Tết là gì hở mẹ?” (NXB Hà Nội phát hành). Sách là buổi nói chuyện của hai nhân vật mẹ - con, được viết dưới hình thức thơ song ngữ thể hiện những góc nhìn giống và khác biệt của hai thế hệ về Tết. Nhà sáng lập Lionbooks cũng là tác giả của cuốn sách, chị Nguyễn Chiều Xuân chia sẻ: “Với tôi, Tết không phải là “một ngày lễ đầy hình thức” như khi xưa từng nghĩ, mà nó là lúc tim mình thấy bồi hồi, mong đợi trở về nhà, là bữa cơm đoàn viên ngày cuối năm khác hẳn mọi bữa cơm khác, là khoảnh khắc xúc động nhìn một năm cũ vừa qua, cha mẹ già đi, con khôn lớn lên. Và khi làm cha mẹ, chúng ta sẽ trở thành người giữ những điều đặc biệt ấy cho con mình”.