Dịch “Nhật ký trong tù” ở Tây Ban Nha

Cho đến nay “Nhật ký trong tù” (NKTT) của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong số các tác phẩm văn học Việt Nam được dịch sang tiếng nước ngoài nhiều nhất. Tuy nhiên, số ngôn ngữ nước ngoài đã có bản dịch được biết chưa thống nhất. Theo kết quả sưu tầm bước đầu của chúng tôi, NKTT đã được dịch ra 37 thứ tiếng nước ngoài (không kể các bản dịch chữ Quốc ngữ và tiếng Tày-Nùng là các ngôn ngữ của Việt Nam).
0:00 / 0:00
0:00
Bìa 3 bản dịch “Nhật ký trong tù” bằng tiếng Tây Ban Nha in ở các nước: Arhentina (trái), Cuba (giữa) và Tây Ban Nha (phải). Ảnh: VXQ
Bìa 3 bản dịch “Nhật ký trong tù” bằng tiếng Tây Ban Nha in ở các nước: Arhentina (trái), Cuba (giữa) và Tây Ban Nha (phải). Ảnh: VXQ

Các thứ tiếng ấy (xếp theo vần chữ cái a, b, c) là: Ả Rập, Anbani, Anh, Ba Lan, Ba Tư, Basque, Belarus, Bengali, Bồ Đào Nha, Croatia, Czech, Đan Mạch, Đức, Esperanto, Galicia, Hàn Quốc, Hebrew, Hindi, Hungary, Hy Lạp, Italia, Kazakh, Lào, Malayalam, Mianma, Mông Cổ, Na Uy, Nga, Nhật, Pháp, Phần Lan, Rumani, Slovak, Sinhala, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Uzbek.

Trong số các ngôn ngữ nêu trên tiếng Anh là ngôn ngữ có nhiều bản dịch nhất với 8 bản dịch đã được in (nhiều hơn 2 bản so thống kê của dịch giả Thúy Toàn năm 2008). Tiếp đến là các thứ tiếng: Bengali (4 bản), Nhật (4 bản), Czech (4 bản), Tây Ban Nha (3 bản), Sinhala (3 bản), Pháp (2 bản), Đức (2 bản), Bồ Đào Nha (2 bản), Slovak (2 bản), Hàn Quốc (2 bản).

Trong bài này chúng tôi giới thiệu các bản dịch NKTT bằng tiếng Tây Ban Nha và bản dịch NKTT bằng các ngôn ngữ khác ở Tây Ban Nha.

Các bản dịch NKTT bằng tiếng Tây Ban Nha

Cho đến nay, bạn đọc ở Việt Nam chỉ mới biết NKTT bằng tiếng Tây Ban Nha qua bản dịch “Diario de prisión” do nhà thơ Felix Pita Rodriguez dịch, Editorial Arte y Literatura xuất bản năm 1970 ở La Habana. Bản dịch gồm 120 trang với 100 bài thơ được dịch từ bản dịch tiếng Pháp “Carnet de Prision” của Phan Nhuận. Năm 1974 “Diario de prisión” được Editorial Arte y Literatura tái bản lại ở La Habana. Năm 2003 “Diario de prisión” được in lại ở Chi Lê và ở Việt Nam năm 2005.

Felix Pita Rodriguez (1909-1990) là nhà thơ nổi tiếng của Cuba, đã sang Việt Nam hai lần và được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội… Bên cạnh bản dịch “Diario de prisión” của Felix Pita Rodriguez còn có hai bản dịch tiếng Tây Ban Nha khác, một bản được dịch và xuất xuất bản ở Argentina trước bản dịch kể trên và một bản dịch khác được dịch và xuất bản muộn hơn ở Tây Ban Nha.

1: Bản dịch có tựa đề “Cuadernos de la cárcel. Poemas” (Nhật ký trong tù. Thơ) do Emilio Jáuregui dịch, La Rosa Blindada xuất bản ở Buenos Aires (Argentina) năm 1968. Bản dịch này cũng được thực hiện dựa trên bản dịch tiếng Pháp của Phan Nhuận. Bản dịch dày 114 trang gồm 101 bài thơ và in lại “Lời nói đầu” trong bản dịch của Phan Nhuận. Bản dịch “Cuadernos de la cárcel. Poemas” của Emilio Jáuregui đã được in lại ở Argentina năm 2013 và ở Mexico năm 2018.

Dịch giả, nhà thơ Emilio Jáuregui (1940-1969) tên đầy đủ là Emilio Mariano Jauregui Pinedo, sinh ngày 26/2/1940 ở Buenos Aires trong một gia đình danh giá Argentina. Emilio đã đến thăm Cuba, Trung Quốc, Việt Nam và Czechoslovakia năm 1966. Sau chuyến đi này, ông đã viết nhiều bài báo về Việt Nam trên báo “El Mundo”. Ông đã tham gia thành lập nhà xuất bản La Rosa Blindada để xuất bản một số ấn phẩm tiến bộ, trong đó có bản dịch NKTT.

2: Một bản dịch khác cũng có tựa đề “Diario de prisión” do Ángel Yanguas dịch, Tusquets xuất bản ở Barcelona lần đầu năm 1974, lần thứ hai năm 1977 và lần thứ ba năm 2019. Bản dịch gồm 123 trang với 101 bài thơ dịch và “Lời giới thiệu” của dịch giả. Trong lời giới thiệu bản dịch, Yanguas cho biết, bản dịch được thực hiện dựa trên cả bản dịch tiếng Pháp và bản dịch tiếng Anh. Ngoài ra ông còn dẫn một số tài liệu về Hồ Chí Minh và một số bài thơ mà ông tham khảo trong quá trình dịch.

Như vậy đã có 3 bản dịch NKTT bằng tiếng Tây Ban Nha được 3 dịch giả khác nhau dịch và in ở 3 quốc gia là Argentina, Cuba và Tây Ban Nha.

Các bản dịch NKTT bằng các ngôn ngữ khác ở Tây Ban Nha

Ngoài bản dịch bằng tiếng Tây Ban Nha của nhà thơ, dịch giả Ángel Yanguas, ở Tây Ban Nha còn có 2 bản dịch của hai ngôn ngữ dân tộc ít người hơn là tiếng Galicia và tiếng Basque.

Galicia (Galego viết theo chữ Galicia) là một ngôn ngữ Roman được khoảng 2,4 triệu người (năm 2012) dùng như tiếng mẹ đẻ, chủ yếu ở Galicia, Asturias, Castile và León, một khu tự trị nằm ở phía tây bắc của Tây Ban Nha. Tiếng Galicia được công nhận là một trong năm ngôn ngữ chính thức của Tây Ban Nha (lenguas españolas) vào năm 1978 cùng với tiếng Castilian (Tây Ban Nha), tiếng Catalan, tiếng Basque và tiếng Aranese

1: Bản dịch tiếng Galicia có tựa đề “Xornal de Prisión” (Nhật ký trong tù), do Xosé Neira Vilas (1928-2015), Do Castro xuất bản năm 1978 ở La Habana (Cu Ba). Bản dịch gồm 116 trang với 100 bài thơ được dịch từ bản dịch tiếng Tây Ban Nha “Diario de prisión” của nhà thơ Cuba, Felix Pita Rodriguez và bản dịch tiếng Pháp “Carnet de Prision” của Phan Nhuận.

Sách in khổ 12 x 19cm, gồm 116 trang, trong đó có 3 bức ảnh Hồ Chí Minh và 1 ảnh chụp bút tích chữ Hán của Người. Sách mở đầu với “Lời dẫn” từ trang 7 đến trang 11. Từ trang 13 đến trang 112 là phần nội dung với 100 bài thơ. Bắt đầu là bài “Xornal De Prisón” (Nhật ký trong tù) và kết thúc là bài “Dempóis da prión, outra vez as montanas” (Ra tù tập leo núi). Từ trang 114 đến trang 116 là niên biểu vắn tắt về Hồ Chí Minh từ 1890 đến 1969.

Trong “Lời dẫn” của bản dịch được viết năm 1977, Xosé Neira Vilas cho biết, vào năm 1974, ông đã dịch sang tiếng Galicia 11 bài thơ từ NKTT để “... bày tỏ lòng kính trọng Bác Hồ. Sau đó, tôi bắt đầu dịch 89 bài còn lại cho đến khi tôi hoàn thành bản dịch cách đây vài ngày”. 11 bài thơ dịch đó đã được in trên báo “Espana Republicana”, một tờ báo của phong trào chống chính quyền độc tài Franco (Tây Ban Nha) ra ngày 15/9/1974 ở La Habana. Cùng với 11 bài thơ dịch bằng tiếng Galicia của Xosé Neira Vilas, tờ báo còn đăng bút tích một bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong NKTT và hai tranh minh họa của họa sĩ Cuba.

Xosé Neira Vilas sinh năm 1928 tại Gres, Tây Ban Nha. Năm 1949, ông di cư đến Buenos Aires (Argentina) và trở thành người tập hợp giới trí thức gốc Galicia ở châu Mỹ Latin.

2: Bản dịch tiếng Basque có tựa đề “Gartzelako Egunkaria” gồm 112 trang do Iñaki Aramaio Egurrola dịch, được Susa xuất bản năm 1985 ở xứ Basque. Có lẽ đây là bản dịch NKTT tiếng nước ngoài độc đáo nhất vì nó hoàn toàn được thực hiện trong nhà tù và người dịch nó là một tù nhân. Điều này được chính dịch giả cho biết trong “Lời nói đầu” ngắn gọn mở đầu bản dịch: “Bản dịch này được thực hiện trong tù, nhưng không phải nhà tù của Trung Quốc mà là nhà tù của Tây Ban Nha có tên Herrera de la Mancha”.

Bản dịch “Gartzelako Egunkaria” gồm 112 trang, in khổ 20x13 cm, với 101 bài thơ được dịch sang tiếng Basque. Đặc biệt, ở bìa 1, giữa tên tác giả Hồ Chí Minh và tên dịch giả Iñaki Aramaio là bức tranh nổi tiếng của họa sĩ Cuba René Mederos với tựa đề “Viet Nam Shall Win” vẽ năm 1971, sau chuyến thăm Việt Nam trở về của ông. Bức tranh này gần đây cũng được tác giả Vijay Prashad in trên bìa cuốn sách Selected Hồ Chí Minh (Hồ Chí Minh tuyển chọn) được LeftWord Books xuất bản năm 2022.

Dịch giả Iñaki Aramaio sinh năm 1955 ở Ondarroa, một thị trấn của tỉnh Biscay, thuộc xứ Basque. Sinh ra và lớn lên trong thời gian Francisco Franco độc tài cầm quyền (1939-1975), Iñaki Aramaio đã sớm tham gia vào phong trào đòi độc lập cho xứ Basque của cộng đồng Basque ở Tây Ban Nha. Ông từng bị bắt 3 lần và đã phải ở trong tù 11 năm 7 tháng trong 7 nhà tù khác nhau của Tây Ban Nha… Trong một bài trả lời phỏng vấn sau khi được ra tù, Iñaki Aramaio cho biết: “Tôi được giảm 45 ngày cho việc dịch NKTT và 45 ngày cho việc học và thi được bằng EAG, trình độ B (Chứng chỉ năng lực tiếng Basque, để được làm giảng viên tiếng Basque ở Xứ Basque tự trị - VXQ). Họ cho tôi 45 ngày với khóa học Thạc sĩ. Tổng cộng là bốn tháng”.

Đáng nói hơn là với việc dịch NKTT sang tiếng Basque, Iñaki Aramaio không chỉ được giảm 45 ngày tù mà ông đã ghi tên mình vào đội ngũ các dịch giả của xứ Basque và đưa NKTT của Hồ Chí Minh trở thành tác phẩm văn học đầu tiên và duy nhất trong danh mục các tác phẩm văn học Việt Nam được dịch sang tiếng Basque từ năm 1976-2008. Có thể đây cũng là tác phẩm văn học Việt Nam duy nhất bằng tiếng Basque cho đến nay.

Một bản in của Gartzelako Egunkaria đã có trong bộ sưu tập các bản dịch NKTT bằng tiếng nước ngoài của Bảo tàng Hồ Chí Minh. Song, đáng tiếc bản dịch được giới thiệu là “Bản tiếng dân tộc miền nam Liên Xô (cũ)” và tên NXB “Susa” cũng bị xác định sai là “Lege Gordailua”.

Như vậy, cho đến nay Tây Ban Nha đã có 3 ngôn ngữ dịch NKTT và có lẽ đây là quốc gia có nhiều ngôn ngữ đã dịch NKTT nhất sau Việt Nam.