Lại "dọn vườn" pháp luật kinh doanh

Kết quả thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP/2022 ngày 10/01/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, sẽ không được như kỳ vọng, nếu như một số vấn đề không được cấp bách cải thiện-nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo.
0:00 / 0:00
0:00
Nhân viên y tế cấp phát thuốc cho bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang (Hà Nội). Ảnh: Anh Sơn
Nhân viên y tế cấp phát thuốc cho bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang (Hà Nội). Ảnh: Anh Sơn

Khổ vì quá nhiều nghị định, thông tư

Bộ Tư pháp cho biết, trong 5 năm trở lại đây, mỗi năm có khoảng 20 luật, 100-150 nghị định và 400-600 thông tư được ban hành. Trung bình, cứ chưa đầy hai ngày làm việc có một nghị định được ban hành và mỗi ngày làm việc có hai thông tư được ban hành.

Đối với những luật liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp, số văn bản hướng dẫn thi hành còn nhiều hơn. Luật Xây dựng có 11 nghị định và 44 thông tư hướng dẫn thi hành; Luật Giao thông đường bộ có 16 nghị định và 18 thông tư hướng dẫn thi hành. Riêng Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có đến hơn… 70 thông tư hướng dẫn. Trong nhiều trường hợp, cơ quan quản lý chỉ quan tâm áp dụng thông tư, mặc dù không ít trường hợp thông tư "cãi nhau" với luật và nghị định.

Trong khi đó, các văn bản hướng dẫn thường được ban hành chậm, vừa làm giảm đáng kể hiệu lực của luật, vừa gây lúng túng cho cơ quan nhà nước trong thực hiện; khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Có trường hợp, luật, pháp lệnh đã hết hiệu lực thi hành, nhưng nhiều năm sau, các văn bản hướng dẫn luật đó vẫn được thi hành và cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn không tuyên hết hiệu lực đối với văn bản đó (chẳng hạn như Pháp lệnh Bưu chính). Ngược lại, trong nhiều trường hợp, luật thì chưa sửa đổi, nhưng văn bản hướng dẫn thay đổi nhiều lần.

Từ năm 2000-2006, trong một cuộc cải cách thể chế rộng lớn, hầu hết giấy phép và điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ. Luật Doanh nghiệp năm 2000 đã quy định chỉ có Chính phủ, bằng nghị định, mới có quyền ban hành quy định về điều kiện kinh doanh. Nhưng trong 16 năm sau đó, điều kiện kinh doanh "nở rộ" trong các thông tư, mãi đến năm 2017, mới được kiểm soát cơ bản. "Trong mấy tháng gần đây, đã xuất hiện xu thế muốn khôi phục lại các điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ; ban hành mới các quy định bất hợp lý về điều kiện kinh doanh", TS Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cảnh báo.

Việc Bộ Công thương dự định ban hành thông tư về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại, là một thí dụ khá điển hình. Bộ này còn đề nghị khôi phục lại điều kiện về diện tích tối thiểu của kho chuyên dùng, công suất tối thiểu của cơ sở xay, xát hoặc chế biến thóc gạo đối với xuất khẩu gạo đã được bãi bỏ sau nhiều năm kiến nghị của các doanh nghiệp tư nhân có gạo xuất khẩu và các chuyên gia, nhà khoa học.

Tốc độ cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh đang chậm lại

Đặc biệt trong lĩnh vực y tế, hàng loạt bất cập, bất ổn trong các quy định pháp luật, nhất là về đấu thầu, đang khiến cho việc mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế trở nên hết sức khó khăn, thậm chí không thực hiện được.

Một thí dụ điển hình là Điều 44 và 45 Nghị định 98/2021 của Chính phủ quy định các trang thiết bị y tế phải được kê khai giá trước khi lưu hành và mua bán, nhưng hiệu lực pháp lý của giá kê khai đó như thế nào và ai chịu trách nhiệm về giá kê khai đó thì lại không rõ. Đây có thể coi là một "cái bẫy" pháp luật, vì ngay cả khi mua với giá thấp hơn giá được công khai trên cổng thông tin của Bộ Y tế, sau đó cơ quan chức năng thẩm tra kết luận là giá này vẫn cao hơn so với giá được phép, thì rất có thể đơn vị khám, chữa bệnh phải chịu phạt vì mua sắm sai giá, thậm chí các cá nhân có liên quan có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cũng về giá thiết bị y tế, Thông tư 14/2020/TT-BYT quy định không được cao hơn giá trúng thầu trong vòng 12 tháng trở lại. Trên thực tế, cùng một loại thiết bị có rất nhiều mặt hàng, nhiều nhà phân phối và thời điểm mua khác nhau, nên giá cả không giống nhau. Hơn nữa, nếu cứ lấy bằng hoặc thấp hơn giá trúng thầu trong vòng 12 tháng trở lại, thì mặc nhiên là giá năm sau phải thấp hơn giá năm trước; ngược với quy luật thị trường.

Việc Bộ Y tế yêu cầu vật tư y tế đấu thầu thì phải được cấp mã cũng là một quy định kiểu "đánh đố" doanh nghiệp. Hiện nay cơ quan chức năng mới chỉ cấp được 180.000 trong khoảng hai triệu mã vật tư cần cấp. Tuy nhiên, Thông tư 14/2020/TT-BYT về phân nhóm thiết bị y tế được xây dựng dựa trên Nghị định 36/2016/NĐ-CP của Chính phủ, thì nghị định này lại đã hết hiệu lực.

Chưa hết, hiện nay, các bệnh viện công phải mua sắm thông qua đấu thầu gồm bốn bước: phê duyệt chủ trương và lập dự toán, lên kế hoạch, thẩm định giá, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu. Khi lên kế hoạch, nếu thực hiện theo nguyên tắc "lấy lượng thuốc sử dụng năm trước để lập kế hoạch cho năm sau" thì bệnh viện nào cũng vướng. Bởi trong thời gian chống đại dịch Covid-19, lượng bệnh nhân thông thường đến bệnh viện ít, thuốc và vật tư sử dụng cũng giảm nhiều. Lấy con số này để lập dự toán kế hoạch mua sắm cho năm 2022 sẽ dẫn tới thiếu hụt nghiêm trọng số thuốc, vật tư, thiết bị phục vụ bệnh nhân. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) hồi tháng 6 vừa qua chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu thuốc điều trị.

Cần nói rõ rằng việc sửa đổi, điều chỉnh các quy định nêu trên (và tương tự) mới chỉ là điều kiện cần, chứ chưa đủ.

Hơn bao giờ hết, các doanh nghiệp đang rất lo ngại trước thái độ chần chừ, chậm trễ, sợ trách nhiệm trong giải quyết thủ tục hành chính, cũng như tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong đầu tư kinh doanh từ phía các bộ, ngành chủ quản. Khi luật pháp chưa đủ tường minh, nếu "vấp" phải vấn đề gì đó, cơ quan chủ trì thường phát công văn kèm hồ sơ gửi tất cả các sở, ngành, cơ quan liên quan rồi chờ tập hợp đầy đủ các phản hồi mới trình cấp có thẩm quyền giải quyết. Quy trình giải quyết như thế rất phức tạp, mất thời gian, nhưng nó đem lại cảm giác an toàn cho những người có liên quan. Chỉ khi nào hành vi trì trệ "không làm" hoặc "chậm làm không chính đáng", làm tăng chi phí và mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp cũng bị truy cứu như hành vi làm sai, làm ẩu, thì tiến trình cải thiện môi trường kinh doanh mới có thể tiếp tục suôn sẻ và bền vững.