11 tháng, đạt 114% kế hoạch năm
Năm 2018, anh Nguyễn Thế Toàn (SN 1992, trú xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) với tấm bằng trung cấp nghề cơ khí đã lựa chọn đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang Nhật Bản với thời hạn 5 năm. Có tay nghề, thu nhập ổn định của anh Toàn khoảng 50 triệu đồng/tháng. Sau khi hết hạn hợp đồng trở về nước, với số vốn tích cóp được, năm 2023 anh Toàn cùng gia đình mở cửa hàng kinh doanh điện máy tại nhà.
Xã Nguyên Xá là một trong những địa phương có số người đi XKLĐ nhiều nhất huyện Vũ Thư. Xã có hơn 8.400 nhân khẩu với 4.768 người trong độ tuổi lao động. Từ năm 2020 đến nay toàn xã có 734 người đi XKLĐ, tập trung ở các nước và vùng lãnh thổ như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Thu nhập nhờ xuất khẩu lao động đã giúp nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo, trở thành những hộ khá, giàu. Còn theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Thái Bình, toàn tỉnh hiện có khoảng hơn 16.000 lao động đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Tính riêng năm 2023, tỉnh có hơn 3.000 lượt lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Số liệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), trong 11 tháng năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 143.160 lao động. Số lao động đưa đi chỉ qua 11 tháng đã đạt 114% kế hoạch năm 2024, vượt mục tiêu đưa từ 125.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của cả năm. Thực tế, kế hoạch đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài năm 2024 đã “về đích” sớm chỉ qua 10 tháng, song đến hết tháng 11 vừa qua, con số này tiếp tục vượt xa mục tiêu.
Kết quả này có được nhờ duy trì ổn định các thị trường truyền thống. Trong đó, đóng góp lớn nhất là thị trường Nhật Bản, chiếm gần một nửa trong tổng số lao động đưa đi, với 69.188 lao động (28.665 lao động nữ). Theo Thứ trưởng LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan, những năm gần đây, thực tập sinh, lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản luôn chiếm hơn 50% trong tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Lao động Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản với các tư cách lưu trú như: Thực tập sinh, kỹ năng đặc định và kỹ sư, kỹ thuật viên, phiên dịch... Nhờ chịu khó học tập và được sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của công ty tiếp nhận và nghiệp đoàn quản lý, nhiều lao động Việt Nam đã trưởng thành, trở thành lao động nòng cốt của công ty tiếp nhận, góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp và kinh tế Nhật Bản, cũng như sự phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước.
Hiện nay, nhiều chương trình, dự án như Chương trình thực tập sinh kỹ năng, Chương trình lao động kỹ năng đặc định, Chương trình đưa điều dưỡng viên và hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản theo Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA)... đã được Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam phối hợp với phía Nhật Bản triển khai và đạt được nhiều kết quả.
Nhằm tăng cường, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực lao động, đào tạo nguồn nhân lực, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết, Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất với cơ quan chức năng phía Nhật Bản sớm triển khai việc đàm phán với cơ quan chức năng phía Việt Nam để tiến đến ký kết Thỏa thuận hợp tác cấp chính phủ (MOC) về phái cử và tiếp nhận người lao động theo Chương trình đào tạo lao động.
Bộ LĐ-TB&XH cũng đề nghị Nhật Bản bổ sung vào kế hoạch tổ chức kỳ thi đối với lao động kỹ năng đặc định tại Việt Nam trong 2 ngành nghề: Phục vụ nhà hàng và sản xuất thực phẩm, đồ uống vì đây là những ngành nghề nhiều lao động Việt Nam mong muốn được làm tại Nhật Bản. Phía Việt Nam đã cung cấp cho phía Nhật Bản thông tin khảo sát về nhu cầu thi kỹ năng đặc định trong 2 lĩnh vực này tại Việt Nam. Việt Nam và Nhật Bản cũng đang triển khai dự án thông tin thị trường lao động cho lao động di cư thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) nhằm tăng cường minh bạch trong quá trình tuyển dụng, ngăn chặn việc đơn vị dịch vụ trung gian thu phí trái quy định. Dự án dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2025.
Ngoài Nhật Bản, hai thị trường truyền thống khác cũng có đóng góp lớn về việc tiếp nhận lao động là Đài Loan (Trung Quốc) với 53.271 lao động trong 11 tháng, Hàn Quốc với 11.273 lao động… Trong những năm gần đây, bình quân mỗi năm Việt Nam đưa khoảng 150.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hiện nay có khoảng 650.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở 40 nước và vùng lãnh thổ, với hơn 30 nhóm ngành nghề khác nhau. Về thu nhập của người lao động khá cao và ổn định, dao động từ 1.200-1.600 USD/tháng tại thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc; từ 800-1.200 USD/tháng tại Đài Loan (Trung Quốc) và các nước châu Âu; từ 700-1.000 USD/tháng đối với lao động có tay nghề, và từ 500-600 USD/tháng đối với lao động phổ thông ở thị trường Trung Đông, châu Phi...
Các ứng viên xuất khẩu lao động tham gia khóa đào tạo tại Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long. Ảnh: TTXVN |
Thêm các cơ hội việc làm thu nhập cao
Bên cạnh các thị trường tiếp nhận lao động truyền thống (Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc) tiếp tục được duy trì ổn định trong năm 2024, Bộ LĐ-TB&XH đã tiếp tục mở rộng và phát triển một số thị trường lao động có mức thu nhập và điều kiện làm việc tốt tại khu vực châu Âu. Hiện nay, số lượng lao động đi làm việc tại thị trường này chưa nhiều nhưng điều kiện làm việc và thu nhập tương đối tốt.
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan khẳng định, khu vực châu Âu luôn được đánh giá là những thị trường trọng điểm, có nhu cầu tiếp nhận số lượng lớn lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam sang làm việc. Lao động Việt Nam đã bước đầu tạo được uy tín, thương hiệu trên thị trường lao động quốc tế.
Bộ LĐ-TB&XH cũng đang thúc đẩy phát triển một số thị trường mới tiềm năng, tạo cơ hội mới cho người lao động khi lựa chọn đi làm việc ở nước ngoài. Một trong những thị trường việc làm tốt, thu nhập hấp dẫn được Bộ LĐ-TB&XH triển khai mới trong năm 2024 là Chương trình di chuyển lao động giữa Australia và Việt Nam. Theo chương trình, Chính phủ Australia sẽ cho phép 1.000 lao động Việt Nam làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp tại Australia tại cùng một thời điểm. Người lao động Việt Nam tham gia chương trình có thể làm công việc ngắn hạn (từ 6 đến 9 tháng) hoặc làm công việc dài hạn (từ 1 đến 4 năm). Vị trí việc làm của người lao động Việt Nam chỉ yêu cầu có kỹ năng nghề thấp đến bán lành nghề trong ngành nông nghiệp như trồng trọt, chế biến thịt, thủy sản (bao gồm nuôi trồng thủy sản) và lâm nghiệp. Người lao động được trả lương theo mức tối thiểu của Australia là 24 AUD/giờ, tính lương theo tuần khoảng 915 AUD/tuần và lương theo tháng là 3.660 AUD/tháng, tương đương khoảng hơn 60 triệu đồng. Bên cạnh mở cửa thêm các thị trường thu nhập hấp dẫn, từ đầu năm 2024, công tác tuyển chọn, đào tạo nguồn và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được tăng cường và quản lý chặt chẽ hơn.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, các cơ quan chức năng cũng tiếp tục thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Đến nay, hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phục hồi tích cực, góp phần quan trọng giải quyết việc làm gắn với thu nhập cao cho người lao động.
Mở rộng diện được vay đi XKLĐ
Một trong các nội dung được nhiều người quan tâm tại Luật Việc làm (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 8 và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV là chính sách ưu đãi vay vốn hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Theo đó, ngoài các đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng gồm: Người dân tộc thiểu số, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động bị thu hồi đất nông nghiệp, thân nhân người có công với cách mạng từ nguồn vốn vay Quỹ Quốc gia về việc làm và nguồn huy động của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Bộ LĐ-TB&XH đề xuất mở rộng với tất cả người lao động có nhu cầu (không phân biệt người lao động khó khăn hay không) hoặc mở rộng các đối tượng khác ngoài các đối tượng được vay theo quy định của Luật Việc làm 2013 và các văn bản hướng dẫn. Qua khảo sát nhanh tại các địa phương, rất nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhất là các thị trường có thu nhập cao, ổn định (Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản …) mong muốn được tiếp cận với nguồn tín dụng ưu đãi này.