Cảnh báo mất an ninh lương thực ở Nam Sudan

Theo cảnh báo của LHQ, khoảng 60% dân số Nam Sudan sẽ bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng năm 2025, trong đó những người tị nạn hồi hương và trẻ em có nguy cơ cao nhất rơi vào nghèo đói và suy dinh dưỡng. Áp lực kinh tế, khí hậu khắc nghiệt và tác động từ cuộc chiến ở quốc gia láng giềng Sudan là những nguyên nhân khiến nạn đói ở Nam Sudan ngày càng trầm trọng hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Hơn một nửa dân số Nam Sudan sẽ rơi vào nạn đói từ năm 2025. Ảnh: GETTY IMAGES
Hơn một nửa dân số Nam Sudan sẽ rơi vào nạn đói từ năm 2025. Ảnh: GETTY IMAGES

Mất an ninh lương thực nghiêm trọng

Chương trình Lương thực thế giới (WFP), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) và Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) công bố phân loại giai đoạn an ninh lương thực tích hợp (IPC) mới nhất, cho thấy dự báo trong mùa đói bắt đầu từ tháng 4/2025, tổng số người ở Nam Sudan phải đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực cấp tính sẽ tăng lên gần 7,7 triệu người, chiếm 57% dân số và tăng thêm 600.000 người so năm nay. Đáng chú ý, có tới một nửa trong số này là người tị nạn hồi hương, chiếm 85% tổng số người tị nạn hồi hương nhằm tránh cuộc xung đột tại quốc gia láng giềng Sudan. Ngoài ra, số trẻ em có nguy cơ suy dinh dưỡng cũng tăng từ 1,65 triệu lên 2,1 triệu vào năm tới.

Đại diện quốc gia của FAO tại Nam Sudan, ông Meshack Malo cho biết, khủng hoảng kinh tế và giá lương thực tăng cao là nguyên nhân chính gây mất an ninh lương thực ở quốc gia Đông Bắc Phi này. Ông nhấn mạnh đã đến lúc phải cùng nhau tăng cường đầu tư để hỗ trợ cho người dân Nam Sudan tự sản xuất lương thực. Điều này không chỉ làm giảm chi phí mua lương thực của các gia đình mà còn tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn trong lĩnh vực nông nghiệp và tăng thu nhập cho các gia đình.

Tại quốc gia láng giềng Sudan, Chủ tịch Hội đồng Chủ quyền Sudan kiêm Tổng Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Abdel Fattah Al-Burhan tuyên bố sẵn sàng tìm giải pháp cho xung đột vũ trang ở nước này và bảo đảm cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân bị ảnh hưởng. Tuyên bố của ông Al-Burhan được đưa ra trong cuộc gặp Đặc phái viên Mỹ về Sudan Tom Perriello không chỉ mang lại niềm hân hoan cho người dân Sudan về triển vọng chấm dứt xung đột kéo dài ở nước này, mà còn thắp lên hy vọng giảm tình trạng đói nghèo cùng cực ở Nam Sudan. Đặc phái viên Perriello cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với chính quyền Sudan để giúp mở rộng số lượng người dân được tiếp cận thực phẩm, nước và thuốc men.

Gia tăng tỷ lệ đói nghèo

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố báo cáo cho thấy, ít nhất 76% trong tổng số 12,4 triệu dân của Nam Sudan sống dưới mức nghèo khổ quốc gia, được xác định là 358.724 bảng Nam Sudan (khoảng 105 USD)/người/năm. Báo cáo Đánh giá nghèo đói và công bằng của WB được thực hiện dựa trên Khảo sát ngân sách gia đình Nam Sudan gần đây nhất, cho thấy quốc gia trẻ nhất thế giới này đã trải qua 10 năm suy thoái kinh tế, làm gia tăng tình trạng nghèo đói và gây tổn thương cho cộng đồng.

Giám đốc quốc gia của WB tại Nam Sudan, ông Charles Undeland nhấn mạnh rằng tình trạng quản lý yếu kém, nhiều cú sốc kinh tế đan xen, thiếu cơ hội kinh tế, giá lương thực cao và xung đột đều góp phần làm gia tăng tình trạng nghèo đói và gây tổn thương nhiều hơn cho người dân nước này. Trong khi đó, ông Frank Adoho, chuyên gia kinh tế cấp cao của WB phụ trách Nam Sudan cho biết, tình trạng mất an ninh lương thực đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng tại đây và càng trở nên tồi tệ hơn do lạm phát tăng đột biến. Giá lương thực cao đang hạn chế khả năng tiếp cận thực phẩm, ngay cả ở các vùng nông thôn, nơi hơn một nửa số gia đình phải phụ thuộc vào việc mua lương thực từ thị trường.

Ngoài ra, báo cáo chỉ ra rằng tình trạng mất an ninh, di cư và đầu tư nông nghiệp thấp đã làm giảm sản lượng lương thực, qua đó tiếp tục làm gia tăng tỷ lệ mất an ninh lương thực. WB khuyến nghị chính quyền Nam Sudan cần đầu tư mạnh vào các dịch vụ cơ bản và cơ sở hạ tầng để cải thiện tình trạng dễ bị tổn thương của người dân. Hệ thống thống kê yếu kém của quốc gia cũng cần được cải thiện, vì vấn đề này đang làm phức tạp thêm việc hoạch định và thực hiện các chính sách bền vững.