Lạc quan chào xuân Giáp Thìn 2024

Càng gần Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, không khí lễ hội, hoạt động thương mại, vận tải… đáp ứng mọi nhu cầu của người dân càng trở nên nhộn nhịp, sôi nổi và phong phú.
0:00 / 0:00
0:00
Lựa chọn đào Tết. Ảnh: HẢI NAM
Lựa chọn đào Tết. Ảnh: HẢI NAM

Nhộn nhịp văn hóa nghệ thuật xuyên Tết

Náo nức chờ năm mới, các hoạt động văn hóa nghệ thuật trên các tỉnh, thành phố diễn ra vừa sôi nổi, đa dạng, vừa giữ trọn cốt lõi nhân văn. Nhiều chương trình hướng tới các truyền thống “đền ơn đáp nghĩa”, “lá lành đùm lá rách”... Đơn cử như chương trình “Xuân ấm”, do Truyền hình Nhân Dân, Quỹ Hạt giống Việt - Báo Nhân Dân tổ chức gần đây. Nhiều chương trình tiếp tục lấy chất liệu truyền thống làm chủ đạo. Tuy nhiên, truyền thống đã được khoác lên mình những “lớp áo” mới trong cách thể hiện, mang màu sắc đương đại. Như ngày 31/1, Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội ra mắt sản phẩm trải nghiệm “Ngọc Sơn - đêm huyền bí” tại đền Ngọc Sơn, kết hợp kiến trúc cổ kính của di tích quốc gia đặc biệt đền Ngọc Sơn và các nghi lễ, truyền thuyết dân gian được lưu truyền tại di tích. Cùng với những ca khúc về Hà Nội, múa nghệ thuật trên cầu Thê Húc, chương trình còn tái hiện cảnh vua Lê đi thuyền rồng trả gươm báu cho rùa vàng, sử dụng âm thanh, ánh sáng, công nghệ trình chiếu hiện đại…

Ngoài việc phục vụ du lịch văn hóa, các điểm du lịch tâm linh trên địa bàn Hà Nội sẽ mở cửa trong những ngày lễ, Tết như đền Ngọc Sơn, đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc… Thủ đô vào dịp năm mới có thể lên tới khoảng 1.500 hoạt động văn hóa liên quan đến đền, chùa nên công tác quản lý và tổ chức lễ hội được thành phố quan tâm hàng đầu nhằm bảo đảm an toàn, văn minh, gìn giữ bản sắc. Trong đó, di tích Nhà tù Hỏa Lò vẫn là một trong những địa điểm thu hút rất nhiều khách trở lại nhờ đổi mới trong quảng bá, đem lại sức hút cho chứng tích lịch sử. Tại di tích Hoàng thành Thăng Long, hàng loạt nghi lễ, chương trình như dựng cây nêu, thả cá chép đã được tổ chức từ 23 tháng Chạp, cùng với triển lãm, trình chiếu phim 3D… Phố bích họa Phùng Hưng cũng vừa được tân trang và bổ sung thêm tác phẩm mới, từ vòm cầu 61 đến vòm cầu 64 tạo ra sự kết nối giữa hai cụm tác phẩm nghệ thuật ở hai đầu tuyến phố. Điểm nhấn của năm nay có màn trình diễn ánh sáng nghệ thuật lập kỷ lục Đông Nam Á bằng thiết bị bay không người lái vào đêm Giao thừa tại khu vực ngã ba Văn Cao-Hồ Tây. Với chủ đề “Một ngày kinh đô - Ngàn năm lịch sử”, màn trình diễn lấy tên “Lễ hội ánh sáng nghệ thuật Hà Nội - Rực rỡ Thăng Long”.

Việc chuẩn bị cho Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp Thìn của TP Hồ Chí Minh đang bước vào giai đoạn nước rút. Đường hoa sẽ mở cửa phục vụ người dân thành phố và du khách từ 19 giờ ngày 7 đến 21 giờ ngày 14/2. Dài hơn 600 m, Đường hoa có chủ đề “Xuân yêu thương, Tết sum vầy” với đại cảnh và tiểu cảnh gồm ba phân đoạn: “Nguồn cội quê hương”, “Băng sông vượt biển” và “Vươn mình hội nhập”. Ngôn ngữ chủ đạo được thể hiện xuyên suốt là văn hóa truyền thống, tín ngưỡng lâu đời của người Việt hòa điệu cùng bản sắc văn hóa vùng đất phương Nam. Cũng tại TP Hồ Chí Minh, Hội hoa xuân Phú Mỹ Hưng Tết Giáp Thìn 2024 đã diễn ra từ 24 tháng Chạp và sẽ kéo dài đến mồng 4 Tết tại khu Hồ Bán Nguyệt, đô thị Phú Mỹ Hưng với chủ đề “Xuân sum vầy”. Ngoài các tiểu cảnh con rồng cháu tiên, cổng chim Lạc, trống đồng Đông Sơn…, đường hoa bố trí nhiều tiểu cảnh ngày xuân và làng quê thân thuộc. Chợ hoa Tết tại đây cũng được mở cửa từ 23 tháng Chạp đến 30 Tết với khoảng 145 gian hàng hoa, kiểng đến từ các nhà vườn ở thành phố và các tỉnh Tây Nam Bộ.

TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức 11 điểm bắn pháo hoa đêm Giao thừa. Hai điểm tầm cao tại khu vực đầu hầm sông Sài Gòn, TP Thủ Đức và khu Đền tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược ở huyện Củ Chi. Chín điểm tầm thấp tại: công viên Văn hóa Đầm Sen (Quận 11), khu Truyền thống cách mạng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 (huyện Bình Chánh), quảng trường Rừng Sác (huyện Cần Giờ); Đền Bến Nọc (Thành phố Thủ Đức), công viên văn hóa quận Gò Vấp, khu di tích lịch sử Ngã ba Giồng (huyện Hóc Môn), quảng trường trung tâm hành chính Quận 7, khu dân cư Bình Trị Đông, phường Bình Trị Đông B - quận Bình Tân và khu vực Nhà văn hóa huyện Củ Chi (thị trấn Củ Chi).

Sôi nổi hàng hóa, khuyến mãi

Càng gần Tết, tại Hà Nội, người dân đến các siêu thị, trung tâm thương mại tăng dần. Không khí tấp nập hơn so ngày thường. Các mặt hàng mứt, bánh kẹo, trái cây sấy, giỏ quà Tết… được chọn mua nhiều hơn. Đồ dùng, vật dụng trang trí nhà cửa ở các gian hàng cũng “chật” khách. Bánh, kẹo, mứt… hàng Việt chiếm đa số với các nhãn hiệu nổi tiếng như Kinh Đô, Trung Nguyên, Phạm Nguyên, Vinamit, Bibica, Hải Hà, Richy... Trên phố Bà Triệu, tại điểm bán hàng của Công ty Cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội, người dân xếp hàng mua những hộp mứt Tết với hương vị truyền thống. Dịp Tết năm nay, công ty dự kiến đưa ra thị trường 350 tấn sản phẩm là các loại mứt truyền thống, được thay đổi về mẫu mã, hình ảnh bao bì, thẩm mỹ và tiện lợi trong sử dụng.

Theo Sở Công thương Hà Nội, hàng hóa Tết sẽ được phục vụ tại 29 trung tâm thương mại; 137 siêu thị; 453 chợ; 2.000 cửa hàng tiện lợi; hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa ở các quận, huyện, thị xã, thị trấn; 159 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông lâm sản an toàn trên địa bàn; 926 chuỗi, cơ sở cung ứng nông lâm, thủy sản của 43 tỉnh, thành phố; 85 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn.

Theo chia sẻ từ nhiều đơn vị cung cấp hoa, cây cảnh Tết tại TP Hồ Chí Minh, năm nay, giá bán các mặt hàng giảm nhẹ (10-30% tùy loại), thu hút nhiều người dân, doanh nghiệp đặt mua sớm. Tại các chợ truyền thống, hàng hóa phục vụ Tết khá đa dạng, mức giá vừa phải nhưng sức mua vẫn ở mức trung bình. Trong khi đó, các hệ thống siêu thị áp dụng rất nhiều chương trình khuyến mãi, bình ổn giá và tung ra các combo quà Tết tiết kiệm, chiết khấu cao nên có lượng mua tăng mạnh. Các công ty du lịch, lữ hành tại thành phố tung ra nhiều chương trình giảm giá hấp dẫn, áp dụng cho cả tour trong nước và quốc tế. Các đơn vị thiết kế thêm tour mới ngắn ngày tại thành phố để tận dụng thế mạnh sẵn có.

Lạc quan chào xuân Giáp Thìn 2024 ảnh 1

Người dân chụp hình Tết tại Hội hoa xuân Phú Mỹ Hưng Tết Giáp Thìn 2024.

“Nóng” vận tải Tết

Phục vụ nhu cầu tăng đột biến trong dịp Tết, Cục Hàng không Việt Nam đã đề nghị các hãng hàng không khai thác thêm các chuyến bay đêm và bảo đảm an toàn bay cho hành khách. Đến thời điểm này, lượng khách đặt chỗ vẫn tăng dần nên tỷ lệ đặt chỗ đang ở mức cao tại một số ngày sát Tết và chiều ngược lại sau Tết. Các chặng bay từ TP Hồ Chí Minh đi các địa phương có tỷ lệ đặt chỗ đang ở mức rất cao, trải đều từ ngày 2/2 - 9/2 (tức ngày 23 - 30 Tết). Một số chặng có tỷ lệ lấp đầy 99% như TP Hồ Chí Minh - Huế/Pleiku/Vinh…

Ngành đường sắt cũng tăng chuyến phục vụ người dân dịp Tết từ rất sớm. Theo Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội, đường sắt mở bán vé hơn 14 tàu khách chạy tăng cường trên các tuyến địa phương khu vực phía bắc dịp Tết. Ngành đường sắt đã chạy thêm sáu chuyến tàu từ TP Hồ Chí Minh đi Hà Nội, Vinh, Phan Thiết và nối thêm toa tàu với hơn 7.000 chỗ.

Với giao thông đường bộ, công tác phục vụ người dân đã được lên phương án kỹ càng. Tại các bến xe khách của Hà Nội, lượng khách dự kiến tăng khoảng 300 - 350% so ngày thường. Các bến xe đã phối hợp doanh nghiệp vận tải bán vé điện tử, cấp lệnh điện tử bảo đảm 100% hành khách trên xe khi xe xuất bến phải có vé. Tại các bến xe khách liên tỉnh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, dự báo dịp Tết Nguyên đán năm nay phục vụ bình quân 71.946 hành khách/ngày với 3.030 chuyến xe, tăng 18% lượng hành khách so cùng kỳ. Hiện, một số hãng xe thương hiệu như Phương Trang, Chín Nghĩa, Thuận Thảo… đi các chặng từ TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh miền trung đã thông báo hết vé giường nằm trong các ngày 6 đến 9/2, tức ngày 27 đến 30 Tết, một số hãng hết vé giường nằm từ ngày 20 tháng Chạp.

Không quá khi nói Tết là thời điểm các nghệ sĩ hoạt động “hết công suất”, mong muốn mang đến cho khán giả thêm niềm tin và sự lạc quan cùng nhiều cảm xúc tích cực sau một năm khó khăn. “Năm nay, Nhà hát Kịch Hà Nội tham gia chương trình mừng Đảng, mừng Xuân ở ba huyện Mỹ Đức, Phúc Thọ và Sóc Sơn. Người dân tại nhiều nơi còn khó khăn, hiếm khi có điều kiện được đến nhà hát. Bởi vậy, dù trời mấy hôm rét mướt nhưng bà con vẫn đến xem rất đông và đó là sự động viên rất lớn đối với tập thể nghệ sĩ”, nghệ sĩ Lê Thiện Tùng của nhà hát chia sẻ.