Bệ đỡ từ các trường đại học
Mới đây, nhóm sinh viên năm thứ ba Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội đã gọi vốn thành công tại Chương trình “Thương vụ bạc tỷ” với 25% cổ phần, tương đương 1 tỷ đồng đóng góp của hai shark. Sản phẩm của họ là Giải pháp sức khỏe tinh thần cho doanh nghiệp”. Xuất phát từ một ý tưởng tham gia cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo của trường, sau đó, nhóm sinh viên được nhà trường hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm. Bước tiếp theo là họ thành lập công ty và hiện vừa gọi vốn thành công.
Sinh viên Nguyễn Thị Giang, Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội, thành viên nhóm khởi nghiệp chia sẻ: “Chúng em được nhà trường hỗ trợ cơ sở vật chất và còn nhận được sự cố vấn từ các vị chuyên gia, các anh, chị sinh viên, các thầy, cô và những người có kinh nghiệm thực tiễn về lĩnh vực kinh doanh cũng như khởi nghiệp. Những bài học của họ rất có ích cho chúng em để phát triển và vận hành doanh nghiệp của mình”.
Để thúc đẩy sinh viên khởi nghiệp, đầu tiên, ngay tại trường đại học phải có những hỗ trợ bài bản và kịp thời. Hiện nhiều cơ sở giáo dục đại học đã đưa khởi nghiệp thành một môn học có thể là bắt buộc hoặc tự chọn. Điều mà rất nhiều sinh viên lo ngại là họ sợ ý tưởng khởi nghiệp của mình sẽ bị chê cười. PGS, TS Hoàng Đình Phi, Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Rất nhiều sinh viên sợ khởi nghiệp vì sợ thất bại. Nhưng chúng tôi luôn nói với các em sinh viên rằng, tinh thần khởi nghiệp, văn hóa khởi nghiệp là dù thành công không nhiều nhưng những đóng góp của mình cho cộng đồng, xã hội mới đáng quý. Từ thất bại của mình, người khác sẽ tạo ra những sản phẩm mới tốt hơn. Như vậy mới có những sản phẩm hữu ích, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển”.
Tại Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo, Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội, từ các sản phẩm của sinh viên, ý tưởng nào khả thi sẽ được tiếp tục hỗ trợ. Thạc sĩ Trần Mạnh Hùng, cán bộ Trung tâm cho biết: “Đối với các bạn sinh viên, thay vì phải thuê văn phòng, địa chỉ làm việc thì được Trung tâm đứng ra lo cho từ hạ tầng đến trang thiết bị, như địa chỉ cơ sở làm việc, máy tính, internet… để sao cho hiệu quả nhất”.
Ở quy mô lớn hơn, những cuộc thi khởi nghiệp đã giúp sinh viên có được sự kết nối với doanh nghiệp, mạng lưới cựu sinh viên. Từ đây, những tư vấn, đóng góp về chuyên môn, hỗ trợ về tài chính, xây dựng mối quan hệ sẽ giúp sinh viên học để khởi nghiệp hiệu quả.
Với sản phẩm “Những viên nén sinh khối từ bã cà-phê”, nhóm sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường đại học Ngoại thương đã giành Giải nhất cuộc thi Bệ phóng khởi nghiệp lần thứ I, năm 2023. Sản phẩm có thể thay thế những nhiên liệu truyền thống như than đá, than củi trong khi tận dụng được những phụ phẩm giá thành thấp lại giàu năng lượng là bã cà-phê. Nhiệt lượng được sinh ra từ quá trình đốt viên nén sinh khối bã cà-phê bằng 120% so với viên nén gỗ truyền thống; giảm lượng khí thải CO2 ra môi trường đến 90% so với than đá và giảm 85% lượng tro còn lại sau khi đốt so với các nhiên liệu truyền thống khác.
Sinh viên Lê Xuân Đại, Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội đại diện nhóm khởi nghiệp cho biết: “Ở Việt Nam chưa có viên đá sinh khối là bã cà-phê nên hiện sản phẩm đang dẫn đầu thị trường và có giá thành rẻ”.
Làn sóng mới trong giới trẻ
Khởi nghiệp đang là vấn đề được toàn xã hội quan tâm, tạo thành một làn sóng mới trong giới trẻ. Đặc biệt ở lĩnh vực giáo dục, học sinh, sinh viên với nhiều ý tưởng, đam mê, khát vọng cùng với khả năng tiếp thu linh hoạt và sáng tạo đã tạo nên những dấu ấn về khởi nghiệp. Vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính và GS Klaus Schwab, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới đã có buổi đối thoại với sinh viên với chủ đề “Định vị Việt Nam trong kỷ nguyên thông minh, tầm nhìn cho thế hệ trẻ”. Có thể nói, đây là sự kiện hữu ích với đông đảo sinh viên và thanh niên để các bạn trẻ có những cái nhìn mới hơn về nhiều vấn đề, trong đó có khởi nghiệp.
GS Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới chia sẻ khái niệm “Kỷ nguyên thông minh” nhấn mạnh, đây không phải là một khái niệm trừu tượng, đó là một thực tế mà những người trẻ của Việt Nam và thế giới sẽ sống, học tập và làm việc trong đó. “Kỷ nguyên số hiện nay sẽ mang lại sự thay đổi toàn diện, thay đổi về mô hình kinh doanh, thay đổi về tính cạnh tranh của các quốc gia. Hiện nay, những công nghệ mới, đặc biệt là AI sẽ thâm nhập vào hầu hết các hoạt động, mang lại cơ hội mới về dịch vụ, hành chính, tài chính, những lĩnh vực thiên về đổi mới sáng tạo. Như vậy, cần phải làm gì để bản thân hướng tới xã hội mới”, GS Klaus Shwab nói.
7 năm trước, Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh - sinh viên khởi nghiệp” đến năm 2025. Trong kỷ nguyên thông minh, việc thúc đẩy và hỗ trợ để học sinh, sinh viên khởi nghiệp càng cần thiết hơn nữa. Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ: “Việt Nam, trong đó có giới trẻ phải bản lĩnh, tự tin bước vào kỷ nguyên thông minh với truyền thống lịch sử, văn hóa hào hùng hơn 4 nghìn năm. Các bạn trẻ phải tiên phong vào làm mới các động lực tăng trưởng cũ là tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu. Đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đa dạng hóa sản xuất. Phải tiên phong vào các lĩnh vực mới nổi như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm… Đi tiên phong vào các ngành mới nổi: Bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật… Chúng ta đã quyết định lấy tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai”. Thủ tướng mong muốn các bạn học sinh, sinh viên luôn tự tin, bản lĩnh vươn lên vượt qua khó khăn, thách thức, luôn có hoài bão, ước mơ, khát vọng phát triển cùng dân tộc.
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Chi cho biết: “Sau 6 năm triển khai, Đề án “Hỗ trợ học sinh - sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” đã tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của toàn ngành giáo dục; góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia. Đến nay, ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh- sinh viên đã thu hút hơn 3.000 dự án khởi nghiệp, hơn 4.000 ý tưởng khởi nghiệp với hơn 20.000 học sinh, sinh viên tham gia”.