Làm giàu từ dầu lạc

Hơn 10 năm đi làm công nhân, anh Đinh Đức Chiến (huyện Yên Thủy, Hòa Bình) nhận ra tại sao không về quê làm giàu tại nơi mình sinh ra, lớn lên với những củ lạc. Và rồi, thương hiệu dầu lạc Yên Thủy ra đời đã thay đổi bộ mặt kinh tế của địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Anh Chiến bên các sản phẩm của HTX Nông nghiệp an toàn Yên Thủy.
Anh Chiến bên các sản phẩm của HTX Nông nghiệp an toàn Yên Thủy.

Về quê khởi nghiệp

Năm 2007, chàng trai Đinh Đức Chiến khăn gói lên đường đi làm công nhân tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) xa xôi. Sau chục năm bôn ba nơi đất khách, ở cái tuổi đã chững, chẳng ai tin anh sẽ bỏ ngang công việc để về quê trồng lạc và khởi nghiệp với lạc.

“Những lần nghỉ phép đi tham quan nhiều mô hình nông nghiệp thấy bà con làm giàu không khó. Tôi tự hỏi tại sao mảnh đất quê mình trồng lạc rất được mùa nhưng lại không giàu, phải chăng do chỉ bán lạc thô và bị thương lái ép giá?”, anh Chiến kể lại.

Trong một lần về Nam Định chơi được tặng một chai dầu lạc, trộm nghĩ quê mình trồng nhiều lạc vậy sao chưa ai ép dầu. Nghĩ vậy nên năm 2017 anh Chiến viết đơn xin nghỉ làm để về quê thành lập cơ sở ép dầu lạc Nhàn Xuân, kinh doanh theo hộ gia đình.

Những mẻ dầu lạc đầu tiên đều bị hỏng hoặc khét phải bỏ đi, đến nỗi người thân còn khuyên anh Chiến quay trở lại làm công nhân chứ cứ làm rồi đổ bỏ tốn của vô cùng. Quyết không nản chí, anh lại đi tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm ép dầu lạc ở nhiêu nơi, coi mỗi lần đổ bỏ là một lần đóng học phí.

“Bố mẹ tôi làm nông 3 đời vất vả, tôi xác định cũng sẽ làm nông nhưng làm nông nghiệp hiện đại. Tôi chấp nhận đương đầu với thử thách và duy trì khát khao nâng tầm giá trị củ lạc và thay đổi bộ mặt kinh tế ở địa phương”, anh Chiến tâm sự.

Làm nông nghiệp hiện đại

Năm 2019, HTX Nông nghiệp an toàn Yên Thủy được thành lập với 12 thành viên tham gia, số vốn ban đầu gần 1,4 tỷ đồng cùng vùng nguyên liệu sản xuất liên kết với nông dân gần 40 ha với các ngành, nghề sản xuất, kinh doanh như trồng cây lạc, vừng, các loại cây lấy dầu, trồng bưởi cùng các loại cây ăn quả có múi, trồng rau các loại, cây dược liệu. Ép dầu thực vật và chế biến nông sản, hoạt động dịch vụ trồng trọt, dịch vụ sau thu hoạch và bán buôn, bán lẻ dầu thực vật và các sản phẩm nông nghiệp do HTX sản xuất.

“Thời gian đầu mới thành lập, HTX chúng tôi còn thiếu kinh nghiệm, máy móc lạc hậu, thị trường đầu ra chưa có nhưng rất may trong quá trình hoạt động được sự quan tâm của chính quyền các cấp, sự đồng lòng của xã viên nên đã vượt qua được những khó khăn ban đầu và sản phẩm dần được thị trường đón nhận”, anh Chiến cho biết. Không những đầu tư dàn máy móc hiện đại để tách hạt, sơ chế, ép dầu, lọc dầu và lưu mẫu đóng chai, anh Chiến còn vận động người dân trồng lạc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất nguồn nguyên liệu sạch.

Từ khi đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại, chi phí làm ra 1 lít dầu đã giảm từ 20-30%. Đặc biệt, anh luôn chú trọng khâu sản xuất để sản phẩm dầu lạc được tham gia chấm sao trong chương trình OCOP. Để làm được điều này, Anh Chiến đã đi sâu làm bộ nhận diện thương hiệu cho sản phẩm. Ngoài ra, HTX cũng chú trọng đến kinh tế tuần hoàn khi những phụ phẩm nông nghiệp được tận dụng trong một chu trình khép kín. Bã lạc sau khi ép được viên lại bán cho trại chăn nuôi, phần còn lại bón ủ cho cây trồng.

Năm 2020, dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng HTX vẫn hoạt động ổn định do có vùng nguyên liệu tại chỗ. Trong năm 2020, tổng doanh thu của HTX đạt 1 tỷ đồng, trừ hết chi phí lãi được gần 130 triệu đồng, đặc biệt cũng trong năm 2020 sản phẩm dầu lạc đã được công nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh. Năm 2023, HTX đã cung cấp ra thị trường 2.000 lít dầu cho doanh thu hơn 2 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động, giúp nông dân trong huyện tiêu thụ 60 tấn lạc mỗi năm.

Bà Đinh Thị Liễu, nông dân trồng lạc tại thị trấn Hàng Trạm, huyện Yên Thủy cho biết: Trước, gia đình trồng lạc diện tích lớn nhưng nếu bị ép giá thì bán hết cũng không đủ trả tiền phân bón. Từ ngày liên kết với HTX được bao tiêu lạc, giá ổn định, lợi nhuận từ củ lạc tăng từ 2 đến 3 lần.

Trong tương lai, anh Chiến mong muốn kêu gọi được nguồn vốn đầu tư và mở rộng nhà xưởng sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu, quảng bá thương hiệu rộng rãi. Đồng thời anh mong các sản phẩm dầu vừng đen, vừng vàng đang phát triển sớm được công nhận đạt chuẩn OCOP để đưa sản phẩm ra thị trường ngoài tỉnh và thế giới.