Đem làn điệu xưa hòa cùng thế hệ trẻ (kỳ 2)

Kỳ 2: Tiếp cận thông minh và sáng tạo để bền lâu
0:00 / 0:00
0:00
Một tiết mục trong chương trình giải trí “Anh trai vượt ngàn chông gai” trên truyền hình.
Một tiết mục trong chương trình giải trí “Anh trai vượt ngàn chông gai” trên truyền hình.

(Tiếp theo và hết)

Không thể phủ nhận, việc làm mới những tác phẩm cũ phù hợp xu thế đại chúng là một cách thức giúp các bộ môn nghệ thuật truyền thống có độ lan tỏa rộng hơn. Dù vậy, nhiều chuyên gia văn hóa cũng cảnh báo, cần thận trọng trong cách tiếp cận này nếu không có thể gây những tác động ngược tới những bộ môn mang đậm bản sắc dân tộc.

Giữ gốc rễ để vươn xa

Theo PGS, TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, trong bối cảnh hiện tại, việc làm mới một sản phẩm âm nhạc dân gian hay mang âm hưởng dân gian là một trong những cách để nghệ thuật truyền thống có thể đến gần với công chúng hơn. Tuy nhiên, cũng cần bình tĩnh để nhìn nhận, nghệ thuật không thể dung nạp một cách bất kỳ, mà cần chú ý đến tính thẩm mỹ. “Nguyên tắc cao nhất của một tác phẩm âm nhạc là thẩm mỹ, tác giả phải truyền tải được thông điệp qua giai điệu ấy. Trước khi sáng tạo một ca khúc thuộc các bộ môn nghệ thuật truyền thống, cần phải cân nhắc và hiểu được gốc gác của dân ca, dân nhạc… để trân trọng và sử dụng đúng cách”, nhạc sĩ nhấn mạnh.

Ông cũng cho rằng, bên cạnh những sản phẩm chỉn chu, được đông đảo công chúng đón nhận, cũng có những sự kết hợp giữa âm nhạc dân tộc và hiện đại khiên cưỡng, thậm chí là “lố lăng, sống sượng”. Thay vì lan tỏa những cái hay, cái đẹp của văn hóa, các ca khúc này sẽ gây ra những tác động tiêu cực. Nhạc sĩ cũng dành lời khuyên cho các nghệ sĩ trẻ nếu thật sự muốn trở thành một nghệ sĩ chân chính được công chúng ghi nhận, thì các tác phẩm cần phải được sáng tạo một cách chỉn chu. Ngoài yếu tố giải trí, mỗi tác phẩm âm nhạc đều chứa đựng những nội dung sâu sắc, chạm đến trái tim của công chúng.

Đồng tình với quan điểm trên, ca sĩ S.T Sơn Thạch cho biết, một nghệ sĩ trẻ khi bắt tay vào pha trộn giữa văn hóa nghệ thuật truyền thống và hiện đại cần thận trọng để làm sao cho ra được một tiết mục giải trí có tính chất văn hóa nghệ thuật truyền thống, đưa tiết mục ấy tiếp cận đến thế hệ trẻ nhiều hơn nhưng không được phá hỏng giá trị, tinh thần của bản gốc. “Những người có chuyên môn, những nghệ sĩ gạo cội của các bộ môn nghệ thuật truyền thống luôn mong muốn các bạn trẻ giữ lại được nét nguyên bản nhất định của một tác phẩm. Vậy nên khi các bạn trẻ muốn lồng ghép bộ môn văn hóa nghệ thuật vào sản phẩm của mình thì phải tìm hiểu thật kỹ về nó, để sản phẩm nghệ thuật ấy khi đến với khán giả sẽ vừa chất lượng, vừa có độ lan tỏa”, S.T nhận định.

Ca sĩ, nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc Cao Bá Hưng cũng cho rằng không nên thả cửa, tự do sáng tạo và cho rằng đó là sự phát triển của văn hóa - nghệ thuật: “Khi càng muốn theo đuổi con đường này, thì càng phải đào sâu vào gốc rễ. Một cái cây phải có gốc rễ vững chắc, khi đó mới có thể vươn ra thật xa, thật cao”.

Làm sao để tự thấm và tự tìm đến

Theo ca sĩ S.T Sơn Thạch, lứa tuổi thanh, thiếu niên hiện tại được tiếp cận với nhiều loại hình nghệ thuật mới, nên chỉ “hơi lơ là” những giá trị nghệ thuật truyền thống. Tuy nhiên, các bạn là người Việt Nam, từ sâu thẳm trái tim vẫn luôn tự hào và mong muốn lan tỏa những giá trị tốt đẹp của nước nhà. Do đó, để khuyến khích giới trẻ tìm về cội nguồn, tiếp cận và truyền tải văn hóa, không nên “ép buộc” họ tiếp nhận một cách cứng nhắc, mà cần tìm cách tiếp cận mới. Cần có sự linh hoạt, đa dạng trong cách tiếp cận, phù hợp từng đối tượng khác nhau. Không nên chỉ đơn thuần “đào sâu” các giá trị truyền thống mà cần tìm cách đưa người trẻ quay trở lại với những giá trị đó thông qua các trải nghiệm, câu chuyện gần gũi, dễ tiếp nhận.

Sống trong môi trường nghệ thuật truyền thống, NSND Tự Long hiểu rằng, nếu biết tận dụng những nền tảng xưa, đồng thời đưa những cái mới vào để phát triển, vận dụng thì sẽ giúp người trẻ dễ dàng tiếp cận những điều thuộc về truyền thống, từ đó có cảm hứng để tìm hiểu và yêu quý các bộ môn cổ truyền. Ngược lại, nếu áp đặt, không đổi mới cách tiếp cận thì sẽ khó đạt hiệu quả.

Bên cạnh đó, cần có sự kết nối, chia sẻ và hiểu được tâm lý, sở thích của giới trẻ để tìm cách tiếp cận phù hợp. Không chỉ đơn thuần “truyền đạt” mà cần tạo được cảm hứng, niềm đam mê cho giới trẻ để họ tự nguyện tìm hiểu và yêu thích các giá trị văn hóa truyền thống. NSND Tự Long cho biết: “Với tư cách một người thuộc một thế hệ 7X, tôi thấy bản thân mình cần có trách nhiệm không chỉ truyền tải văn hóa, nghệ thuật truyền thống mà phải làm thế nào để hơi thở đó song hành tồn tại cùng với giới trẻ, để họ phải tự cảm nhận được những cái hay, chứ không phải bằng cách “nhồi nhét” lý thuyết. Xuyên suốt thời gian sinh hoạt cùng các bạn trẻ vừa qua, tôi đã kể cho họ nghe nhiều câu chuyện về tình người, về văn hóa, về lịch sử mà các thế hệ cha ông, hay chúng tôi đã trải qua. Ngay cả những nghệ sĩ trẻ dù có thời gian dài sống ở nước ngoài cũng bày tỏ được truyền cảm hứng từ những câu chuyện đó và muốn lan tỏa điều này qua các tác phẩm nghệ thuật của họ”.

Theo nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long, nếu các sản phẩm âm nhạc mang yếu tố dân gian, truyền thống được sáng tạo một cách chỉn chu thì sẽ giúp nghệ thuật truyền thống phát huy, phát triển bền vững. “Cũng như dòng sông được phù sa bồi đắp, các bộ môn nghệ thuật truyền thống sẽ được bồi đắp thêm yếu tố thời đại. Chúng ta sẽ có những sản phẩm âm nhạc mang đậm chất văn hóa song lại phù hợp trong giai đoạn mới. Như vậy, văn hóa, nghệ thuật truyền thống sẽ mãi song hành trong đời sống tinh thần và đáp ứng được nhu cầu về kiến thức nghệ thuật của công chúng”, nhà phê bình khẳng định.

Sứ mệnh giáo dục và đa dạng hóa hình thức tiếp cận

Từ việc tiếp cận, để những giá trị của nghệ thuật truyền thống có thể phát huy, lan tỏa một cách toàn diện nhất, giáo dục đóng vai trò quan trọng. Muốn truyền thống văn hóa được lưu truyền bền vững, một đất nước cần có đội ngũ sáng tác, hiểu biết sâu, giữ gìn và bảo tồn các giá trị này. “Để làm được điều đó, phải có một chiến lược đào tạo bài bản lực lượng biểu diễn như ca sĩ, nhạc sĩ... ngay từ khi còn nhỏ. Đây là cách thức mà các nước chung quanh chúng ta như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc làm rất tốt”, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam Đỗ Hồng Quân đề xuất. Đồng thuận với ý kiến này, nhà phê bình Nguyễn Quang Long cũng đánh giá, một khi trải qua quá trình đào tạo chính quy các môn học nghệ thuật truyền thống, các nghệ sĩ có thể hiểu về những sự độc đáo trong văn hóa, về nghệ thuật nước ta, từ đó, khi làm nghề, các nghệ sĩ hoàn toàn có đầy đủ bản lĩnh, kiến thức để sử dụng các chất liệu âm nhạc dân gian thuần thục, không méo mó. Việc đẩy mạnh đào tạo chính quy cho nghệ sĩ là điều cấp thiết trong bối cảnh hầu hết các đơn vị nghệ thuật truyền thống chuyên nghiệp trong cả nước đang đối mặt tình trạng thiếu hụt lực lượng nghệ sĩ biểu diễn kế cận để thay thế lớp nghệ sĩ đã lớn tuổi.

Nhiều nhà nghiên cứu cũng kỳ vọng, ngoài lực lượng nghệ sĩ, chương trình giáo dục về các bộ môn nghệ thuật truyền thống cũng nên được triển khai trong toàn dân. Trong các chương trình giáo dục phổ thông, cần có những tiết học ngoại khóa về những bộ môn nghệ thuật truyền thống. “Ngay từ cấp một, nên tăng cường những tiết học ngoại khóa, cho học sinh tiếp cận với các giá trị văn hóa truyền thống dưới nhiều hình thức khác nhau, như đưa vào các bài giảng hoặc mời các nhóm nghệ sĩ đến giới thiệu để học sinh có thể làm quen. Hoặc giống nhiều chương trình đào tạo trên thế giới, học sinh có thể là trải nghiệm thực tế, đến từng vùng miền có những bộ môn nghệ thuật truyền thống riêng đặc sắc, như quan họ ở Bắc Ninh, múa rối, ca trù, xẩm ở Hà Nội… Bằng cách này có thể khơi gợi cảm hứng một cách tự nhiên nhất, để các em trân trọng văn hóa truyền thống”, nhà phê bình Nguyễn Quang Long gợi mở.

Trong khi đó, NSND Tự Long cho rằng, gia đình cũng là một nhân tố quan trọng trong việc thúc đẩy bản sắc văn hóa truyền thống đến gần với thế hệ trẻ. Mỗi câu chuyện về văn hóa, về tình người từ thế hệ đi trước kể lại thế hệ sau dần dần sẽ khiến những bản sắc này “ngấm” vào người trẻ, từ đó khiến thế hệ tương lai cảm thấy có trách nhiệm đóng góp vào công cuộc chấn hưng văn hóa, gìn giữ, lan tỏa bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.

Đem làn điệu xưa hòa cùng thế hệ trẻ (kỳ 1)