Kỳ vọng khu thương mại tự do tại Đà Nẵng

Khu thương mại tự do tạo động lực phát triển mới, giúp đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội của TP Đà Nẵng, phát huy vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Đồng thời là cơ sở để thí điểm nghiên cứu chính sách mới, tiền đề để luật hóa các quy định về khu thương mại tự do cho cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách mua đồ lưu niệm tại một cửa hàng ở Đà Nẵng. Ảnh: NGUYỆT ANH
Du khách mua đồ lưu niệm tại một cửa hàng ở Đà Nẵng. Ảnh: NGUYỆT ANH

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Một trong những chính sách mới được cho là có tính đột phá là thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng.

Đề xuất thí điểm tại khu thương mại tự do Đà Nẵng

Dự thảo quy định thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với cảng biển Liên Chiểu và xác định Khu thương mại tự do Đà Nẵng là khu chức năng, có ranh giới địa lý xác định, được thành lập để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách nhằm mục tiêu thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch, dịch vụ chất lượng cao, công nghệ cao. Khu thương mại tự do Đà Nẵng có các khu chức năng là sản xuất, hậu cần cảng - logistics, thương mại - dịch vụ.

Các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng được ngăn cách với khu vực bên ngoài bằng hàng rào cứng, bảo đảm hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan của cơ quan hải quan và hoạt động quản lý nhà nước theo lĩnh vực tương ứng của các cơ quan có liên quan. Quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng với bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu theo các quy định của pháp luật Việt Nam về hải quan, thuế và xuất khẩu, nhập khẩu.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, quy định các chính sách thí điểm tại khu thương mại tự do Đà Nẵng phù hợp điều kiện thể chế Việt Nam hiện nay, bảo đảm tính tuần tự, từng bước thí điểm kèm theo việc kiểm tra, giám sát nhằm hạn chế các rủi ro có thể gặp phải trong thực tiễn triển khai các chính sách về sau. Trong quá trình triển khai thực hiện sẽ đánh giá, xem xét đề xuất mở rộng cho phù hợp.

Báo cáo thẩm tra sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho rằng, việc đề xuất thí điểm thành lập Khu thương mại tự do là chính sách mang tính đột phá, nếu thực hiện thành công sẽ tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của TP Đà Nẵng và của cả vùng. Việc này cũng có ý nghĩa đặt nền móng cho việc hình thành chính sách mới trong quá trình vận hành nền kinh tế thị trường, lựa chọn lĩnh vực đột phá để tập trung phát triển là vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Dù vậy, theo Ủy ban Tài chính, Ngân sách, đây cũng là vấn đề lớn, không chỉ mang tính chất kinh tế mà liên quan đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, gắn với thể chế và hệ thống pháp luật. Để triển khai hiệu quả chủ trương này của Bộ Chính trị, đề nghị Chính phủ chỉ đạo làm rõ, quy định cụ thể về một số nội dung như nguồn lực thực hiện, đầu tư phát triển hạ tầng, khu thương mại tự do, tác động đến phát triển doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế, ngân sách, xã hội và tính lan tỏa vùng miền.

Cần bổ sung các chính sách ưu đãi

Thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) cho rằng, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp chọn thành lập doanh nghiệp tại Singapore thay vì Việt Nam, do Singapore có các chính sách ưu đãi tài chính và thuế vượt trội. Ngoài ra, các quỹ đầu tư mạo hiểm gặp nhiều khó khăn khi đầu tư vào Việt Nam do các quy định phức tạp và hạn chế, Vì vậy, đại biểu cho rằng, nên đề xuất thí điểm thành lập "Khu thương mại, tài chính tự do Đà Nẵng" thay vì chỉ là "Khu thương mại tự do".

“Việc kết hợp giữa thương mại và tài chính trong cùng một khu vực tự do sẽ tạo ra một môi trường giao dịch linh hoạt và thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Điều này giúp giảm chi phí giao dịch và thời gian xử lý, từ đó thúc đẩy luồng vốn đầu tư chảy vào Đà Nẵng. Đồng thời, khu vực tài chính tự do có thể cung cấp các dịch vụ tài chính tiên tiến, như dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư, từ đó thu hút các tập đoàn tài chính lớn và các nhà đầu tư quốc tế đến với Đà Nẵng”, đại biểu nhìn nhận.

Ngoài ra, theo đại biểu, trên thế giới, đã có nhiều nước áp dụng chính sách thị thực vàng thành công. Thí dụ như Australia có chương trình visa đầu tư và đổi mới kinh doanh, cho phép nhà đầu tư nước ngoài nhận visa thường trú khi đầu tư vào các doanh nghiệp địa phương. Arab Saudi cung cấp quyền cư trú dài hạn (lên đến 10 năm) cho các nhà đầu tư, doanh nhân và chuyên gia trong các lĩnh vực chiến lược và nhiều nước khác...

Vì vậy, đại biểu kiến nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các chính sách ưu đãi nhằm thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư chiến lược, trong đó chú trọng đến chính sách nhập cư thuận lợi cho người nước ngoài. Trong đó, thị thực vàng là một chính sách quan trọng mà nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng để thu hút các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

"Đề nghị Quốc hội cho phép thí điểm chính sách thị thực vàng đối với thành phố Đà Nẵng; đó là cho phép quyền cư trú và làm việc hợp pháp đến 5 năm cho chuyên gia và gia đình họ, là những chuyên gia làm việc tại các doanh nghiệp là nhà đầu tư chiến lược cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực quy định tại khoản 1, Điều 12", đại biểu Thanh nêu rõ.

Bên lề hành lang Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội) cũng cho rằng, Chính phủ đã trình một cơ chế đặc thù đầy đủ cho Đà Nẵng với 28 chính sách. Trong đó, có các nhóm chính sách đã được địa phương thực hiện trước đây và sẽ được thực hiện thời gian tới; có những chính sách được các địa phương khác đã thực hiện hiệu quả và sẽ được điều chỉnh và vận dụng cho Đà Nẵng; và nhiều chính sách hoàn toàn mới với nhiều cơ chế hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao và vi mạch bán dẫn.

Đặc biệt, với đề xuất thí điểm khu thương mại tự do, ở đó vừa có những ưu thế của khu phi thuế quan, vừa có ưu thế của khu kinh tế và đặc biệt là thúc đẩy phát triển hạ tầng phục vụ cho phát triển thương mại, dịch vụ logistics và du lịch. Khu thương mại tự do này sẽ khai thác được thế mạnh của Đà Nẵng mà địa phương khác không có, như Cảng quốc tế Tiên Sa, sân bay quốc tế thuận lợi, du lịch cũng đã được xếp hạng trên thế giới và có nhiều lợi thế khác để thu hút nhà đầu tư vào địa phương.

Ông Cường kỳ vọng: "Nếu khu thương mại tự do phát triển thành công không chỉ thu hút các nhà đầu tư vào Đà Nẵng mà còn có vai trò lan tỏa cho các ngành khác và miền trung phát triển”. Trong báo cáo giải trình của Chính phủ, TP Đà Nẵng đã chuẩn bị khá kỹ về cơ sở vật chất, về nguồn lực để thực hiện các cơ chế đặc thù này. Vì vậy, khi thông qua, đại biểu kỳ vọng, Nghị quyết sẽ triển khai ngay, từ đó tạo ra được lợi thế mới về cơ chế quản trị, về thu hút đầu tư và tạo ra điểm nhấn như cực phát triển không chỉ cho khu vực miền trung, mà còn là hình mẫu tạo ra khu phát triển đặc thù để phát triển nhân rộng ra cả nước.