Kỳ công với sách đặc biệt

Gần 20 năm cùng chồng dấn thân vào thị trường sách giới hạn, đặc biệt, bà Nguyễn Thủy Hằng Giang, Giám đốc Vận hành Công ty cổ phần Văn hóa Đông A chấp nhận trả giá bằng rất nhiều tiền và công sức đầu tư. Không ít lần phải bỏ đi làm lại từ đầu nhưng chẳng hiểu sao vẫn thấy đáng. Đi nhiều nơi, lắm lúc đứng bất động trong một bảo tàng sách nước ngoài, bà hay tự hỏi: “Thế giới đã có nhiều sách độc đẹp như thế, tại sao Việt Nam mình lại không? Không đi tới ắt sẽ thụt lùi”.
0:00 / 0:00
0:00
Các ấn bản giới hạn, đặc biệt được tạo tác một cách công phu.
Các ấn bản giới hạn, đặc biệt được tạo tác một cách công phu.

Đi nước ngoài học làm sách

Thông tin Đông A Books đang chuẩn bị xuất bản 1.000 cuốn “The Great Gatsby” của F. Scott Fitzgerald (bản tiếng Anh) với quy cách ấn bản giới hạn, bìa da microfiber để xuất sang thị trường Mỹ khiến nhiều người thích thú. Không ít nhà sưu tầm trong nước đang tìm cách để có thể sở hữu cuốn sách đặc biệt này. Một tín hiệu vui cho sách thủ công Việt trên thị trường cạnh tranh đầy khắc nghiệt này của các “ông lớn” quốc tế. Thế nhưng, với bà Giang, hành trình sách S (sách đặc biệt) vươn ra thế giới sẽ còn lắm chông gai. Sự kiện lần này khiến bà Giang nhớ lại thời khắc cách đây gần 20 năm về trước, ngày một tân binh làng sách như Đông A quyết định đưa sách phiên bản đặc biệt trở lại với người sưu tầm và chơi sách sau thời gian dài vắng bóng.

Năm 2004 chính thức thành lập, một năm sau, Đông A Books có ấn bản đặc biệt đầu tiên: “Văn mới 5 năm đầu thế kỷ”. Bản sách ấy được làm bìa cứng, ruột in trên giấy conqueror (một loại giấy mỹ thuật cao cấp) rồi đánh số từ 001 đến 100. Nội dung tuyển chọn xong cũng là lúc chồng bà Giang, họa sĩ Trần Đại Thắng đi dọc chiều dài đất nước gặp gỡ, xin chữ ký “sống” của các nhà văn để trình bày lên bìa sách tạo dấu ấn riêng. Lúc đó, “Văn mới

5 năm đầu thế kỷ” tạo nên hiện tượng xuất bản trong nước khi được mua hết chỉ sau hai ngày phát hành.

Từ năm 2005 đến 2015, Đông A Books chắt lọc, xuất bản được một số đầu sách S ấn tượng. Đang trên đà phát triển, tưởng sẽ tiếp tục mở rộng thì suốt hơn ba năm sau đó, Đông A Books khiến nhiều người hụt hẫng khi ngừng phát hành ấn bản đặc biệt. Sở dĩ có “đoạn nghỉ” này là vì vợ chồng bà Giang muốn dành thêm thời gian khảo sát lại thị trường, đánh giá lại thói quen tiêu dùng của người mua sách. Đó cũng là giai đoạn họ thay đổi cách làm sách vì sợ đi mãi sẽ vào lối mòn, mất chất của một thú chơi độc đáo.

Các chuyến công tác nước ngoài từ ngắn ngày như trước đây giờ thường xuyên được kéo dài để vợ chồng bà Giang có thêm thời gian ghé thăm nhiều hội chợ sách quốc tế, hội chợ sách quý hiếm châu Âu. Đi nhiều, tìm hiểu sâu và sưu tập các bản sách đẹp bìa da và buckram (vải thô hồ cứng), vợ chồng bà Giang tìm cách cải tiến để sách S trong nước không bị quốc tế bỏ xa. “Ở nước ngoài, đặc biệt các nước châu Âu, sách S được làm rất công phu, giá trị nhờ vậy mà nâng tầm. Các nước phát triển hội đủ thế mạnh từ điều kiện, nhân lực đến cả máy móc, nguyên liệu, mình thì khó đủ đường, cái gì cũng nhập rồi mày mò, sai đâu sửa đó. Có lần tôi đặt một miếng da ở nước ngoài về với giá rất đắt, chẳng may xử lý không đúng phải bỏ đi làm lại. Xót ruột nhưng đành chịu vì đâu dễ để có được sản phẩm tốt nhất theo ý mình”, bà Giang chia sẻ.

Cuối năm 2019, Đông A Books quay trở lại thị trường sách S với “Anh em nhà Karamazov” ở diện mạo mới - đóng bìa PU, mạ nhũ vàng, ruột sách in trên giấy chất lượng cao với phần đầu tư vô cùng chỉn chu về phần nội dung và minh họa. Tiếp theo đó là “Kiêu hãnh và định kiến”, “Những ngôi sao Eger”, “Bố Già”, “Robinson Crusoe”... Chọn đi đường dài với sách S, giữa năm 2020, bà Giang quyết định thành lập phòng Sách thủ công với mức độ đầu tư cao nhất cho công nghệ làm sách tiệm cận quốc tế.

Có sai có sửa

“Lỗi dù nhỏ, không ai chú ý nhưng vẫn là lỗi. Mà đã lỗi thì sửa, không được phát hành”. Khi nhận ra phần mầu sắc trên bìa cuốn “Nhà thờ Đức Bà Paris” không đạt chuẩn như mong đợi, ngay lập tức, bà Giang yêu cầu toàn bộ nhân sự tập trung làm lại bản mới đến khi đúng chuẩn mới thôi. Đó không phải lần đầu Đông A Books làm điều này với một phiên bản giới hạn, đặc biệt. Trước đó, khi ấn bản “Thiên hoàng Minh Trị” đã được giao đến tay khách hàng các nơi thì phát hiện có chút lỗi ở bìa, Đông A cũng gửi lời xin lỗi, thu hồi sách và quyết định làm mới. Với bà Giang, đã là sách đặc biệt thì làm sao cho xứng đáng với những gì người mua bỏ ra.

Có cuốn Đông A Books phải mất nhiều lần ra nước ngoài tìm mua bản gốc đã xuất bản từ cách đây cả 100 năm để có thể scan hình trực tiếp. Có cuốn, họ mời họa sĩ trong nước lo phần minh họa. Thể nghiệm mới trong làm sách S là thế mạnh đang được đơn vị này khai thác hiệu quả với phần góp sức của nhiều nhân sự trẻ. Là họa sĩ 9X, Nguyễn Duy Hưng khiến không ít người bất ngờ khi thể hiện rất tốt phần minh họa độc đáo trong ấn phẩm “The Great Gatsby” được Đông A Books xuất sang Mỹ vào năm nay. Trước đó, Hưng đã tạo được dấu ấn với độc giả trong nước qua phần thể hiện 13 bức vẽ đậm chất tranh lụa xưa trong ấn bản “Thương nhớ mười hai” của nhà văn Vũ Bằng. “Ban đầu cũng áp lực vì phải dành nhiều thời gian mày mò, nghiên cứu mới chọn ra phong cách phù hợp với tinh thần cuốn sách. Thế nhưng, khi thấy tranh mình trên bản sách đặc biệt đầu tiên, áp lực biến thành động lực để cố gắng nhiều hơn. Tham gia minh họa cho các phiên bản đặc biệt như thế này, không chỉ được chạm lại những áng văn ngày cũ mà còn là cơ hội để họa sĩ trẻ như tôi tìm hiểu sâu hơn nhiều trường phái, phong cách nghệ thuật. Vừa làm, vừa học, vừa biết thêm nhiều giá trị”, họa sĩ Duy Hưng phấn khởi cho hay.

Có mặt tại sự kiện trưng bày gần 70 ấn bản giới hạn, đặc biệt của Đông A Books từ sáng sớm, nhà sưu tầm sách Lê Đức Duy nhẹ chạm tay vào nhiều trang sách mạ vàng, ánh mắt vẫn lấp lánh niềm vui như lần đầu sở hữu được cuốn sách S. Kệ sách ở nhà đã có hơn 50 ấn bản đặc biệt của Đông A Books nhưng khi tới đây, được tận mắt chứng kiến từng công đoạn làm sách thủ công, anh Duy thấy quý hơn những gì mình đang có và muốn sở hữu nhiều thêm. Bản sách đặc biệt đầu tiên xuất sang Mỹ của Đông A cũng vừa lọt vào danh sách săn lùng của nhà sưu tầm này trong năm 2023. Gần 10 năm sưu tầm sách giới hạn, đặc biệt cả ở thị trường chính cấp và thứ cấp, ông Duy tỏ ra hào hứng với “độ nóng” của sân chơi văn hóa này.

Sách vừa giới thiệu đã được đặt mua hết! Sự trao đổi, mua bán ở thị trường thứ cấp thời gian gần đây cũng sôi nổi không kém. Điều đó cho thấy tính khả thi của thị trường sách giới hạn, đặc biệt trong nước khi nhu cầu đọc, sưu tầm từ phía độc giả ngày càng tăng. “Là người thích sách giới hạn, đặc biệt, tôi có thử làm phép so sánh giữa sách S trong nước với phiên bản quốc tế và rất vui vì nhiều đơn vị đã đủ lực để cạnh tranh công bằng. Muốn giữ chân người sưu tầm, các đơn vị phải liên tục làm mới mình, có nhiều sáng tạo, phá cách, nhất là trong lựa chọn chất liệu. Sách đẹp ai cũng thích nhưng cần phải hay, chất lượng từ bìa đến gáy. Nếu ấn phẩm đó xứng đáng với giá thành, nhà sưu tầm sẽ chi tiền sở hữu với tâm trạng hân hoan”, anh Duy cho biết thêm.

Bước sang năm thứ 5 sưu tầm sách giới hạn, đặc biệt, anh Lưu Ngọc Sơn (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) có được kho sách khá ấn tượng trưng bày tại nhà. Thế nhưng, điều một người yêu sách giới hạn như anh Sơn mong mỏi là làm sao thị trường Việt Nam có thêm nhiều chọn lựa chất lượng chứ không chỉ đặc biệt ở… phần bìa. Hiện nay, không ít đơn vị chưa chịu đầu tư đến cùng nên chất lượng của thị trường sách S trong nước vẫn chưa đồng đều. Anh Sơn tâm tư: “Theo tôi, đã bước vào lĩnh vực này thì các đơn vị cần làm cho tới chứ nếu chỉ chăm chăm vào bài toán kinh tế sẽ chẳng thể khẳng định được thương hiệu. Trước kia tôi cứ thấy nhà nào ra phiên bản giới hạn, đặc biệt đều tò mò tìm mua rồi nhiều lần thất vọng. Tôi chấp nhận chi ra vài chục triệu đồng mua một ấn phẩm đặc biệt nhưng sách phải chất lượng, phải tương ứng. Nội dung cũng cần chọn lựa chỉn chu. Lĩnh vực này ở Việt Nam vẫn chưa mạnh nên tôi đánh giá rất cao đơn vị nào tâm huyết đầu tư đến cùng”.