“Ngư trường đánh bắt xa chi phí quá lớn, tàu chạy ra biển lúc nào cũng lo nghĩ làm sao cho đủ mấy trăm triệu tiền tổn phí, rồi mới tính đến chuyện đồng lãi. Tàu tôi vỏ thép, lắp máy lớn, nó uống dầu như rồng, mỗi lần đi biển phải mua 12 tấn dầu”, thuyền trưởng và chủ tàu Phạm Luyện, phường Hòa Hiệp Trung, thị xã Đông Hòa, Phú Yên, nói như giãi bày.
Dẫn dụ đàn cá ra chỗ “hiểm”
Tàu ông Luyện chạy cật lực hai ngày, hai đêm mới đến được bãi Tư Chính, ngư trường của lưới vây khơi. Suốt cả hải trình xuyên qua Biển Đông hướng đến “trận địa” đánh bắt chính, chúng tôi đã vượt qua nhiều chiếc tàu container, tàu chở khách du lịch cỡ lớn. Nhìn từ xa như một chấm đen, thuyền trưởng Luyện nói: “Phía trước là nhà giàn DK của hải quân canh giữ vùng biển của ta, tàu mình sẽ chạy ra phía mặt ngoài khoảng mấy chục hải lý sẽ dừng lại thả neo dù nước, nghỉ ngơi, ăn cơm, tối nay nổ máy phát điện lên dụ cá”.
Bãi Tư Chính có rạn san hô khổng lồ, nhiều hẻm vực sâu thẳm, cá lớn thường hay đi cả đàn vào bãi rạn ăn mồi cá con. Trên tàu ông Luyện có máy dò cá, xác định đàn cá nhiều hay ít, để quyết định cho tàu chạy theo và tìm cách “làm bạn” với nó.
“Lúc mới gặp đàn cá, nó rất nhát, thường hay chạy mạnh, mọi hoạt động trên tàu hết sức nhẹ nhàng, ban đêm bật hệ thống điện cao áp lên dẫn dụ nó. Sau khoảng hai đêm, nó mới bắt đầu “thân thiết” và gom đàn lại trong phạm vi nhỏ khoảng mấy trăm mét vuông. Nếu tàu và cá đang ở trong vùng nước cạn dưới 100m, phải sử dụng đèn nổi trên mặt nước dẫn đàn cá ra chỗ “hiểm” đánh trọn đàn”, ông Luyện tường thuật chi tiết.
Chỗ “hiểm” là những hẻm vực sâu từ 200-500m, diện tích rộng, đủ cho tàu lưới vây buông lưới bao trọn đàn cá, đòi hỏi người thuyền trưởng phải có kinh nghiệm lão luyện, đo tính được gió thổi, tốc độ dòng chảy, độ sâu, rộng của hố vực. Ông Luyện nói tiếp: “Độ sâu của lưới từ 100-130m, chiều dài hơn 1.000m, mình phải biết rõ hố vực nào đủ điều kiện để dẫn đàn cá ra đó đánh. Phải có chiếc tàu khác đi cùng để giữ lái chiếc tàu đánh bắt, tàu lưới luôn luôn đứng một chỗ. Vì tàu thả vòng tròn lưới dưới biển, chân vịt tàu đánh bắt gần như không hoạt động, phụ thuộc vào tàu giữ lái cho đến khi nào rút dây chì lên hết trên tàu, đàn cá hết đường chạy thoát, mới kết thúc quá trình theo dõi, dẫn dụ, đánh bắt”.
Các thuyền trưởng lái những chiếc tàu lưới vây ra đến ngư trường Trường Sa, bãi Tư Chính, Phúc Nguyên... Họ được xếp vào danh sách “thiệt ăn thiệt làm”. Chẳng hạn, tàu ông Luyện rời cảng phải bỏ ra tổng chi phí 400 triệu đồng, nỗ lực làm đạt trên 30 tấn cá, chỉ mới hòa vốn. Muốn có lãi phải làm từ 40 tấn trở lên, thời buổi này mà kiếm được chừng đó cá là cả một kỳ công lớn.
“Để cắt giảm chi phí nhiên liệu chạy tàu vào bờ bán cá, tôi phải hợp đồng với tàu hậu cần ở đảo Phú Quý (Bình Thuận) đi theo giữ lái và chở cá vào bờ bán. Tàu tôi chỉ tập trung đi tìm đàn cá và đánh bắt, nếu trúng cá mà tàu hậu cần của mình chưa ra kịp, lên đài thông tin gọi tàu thu mua tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hoặc Tiền Giang đến mua theo giá thị trường trên biển. Cần dầu họ cũng bán luôn, nước đá, nước ngọt họ cho không lấy tiền. Nhờ cách làm linh hoạt với nhau như thế này, tàu chúng tôi mới ở lại vùng biển Trường Sa, Tư Chính, Phúc Nguyên lâu ngày được”, ông Luyện chia sẻ.
Tàu vỏ thép của ông Phạm Luyện chuẩn bị lưới ra khơi. |
Giữ bạn ở lại hai tháng ngoài biển khơi
Ngoài nghề lưới vây khơi, tỉnh Phú Yên có nghề câu cá ngừ đại dương, lưới cản (rê), lưới chuồn... thường xuyên chạy tàu ra vùng biển quần đảo Trường Sa đánh bắt. “Năm 2023, giá bán cá ngừ đại dương chỉ còn 105 nghìn đồng/kg, rẻ hơn cả cá liệt, cá dò đánh bắt ven bờ. Đánh bắt được 1,5 tấn cá mới đủ tổn phí, bây giờ đi chuyến biển 20 ngày kiếm được 1,5 tấn cá là mừng run rồi. Cũng may, nhờ có tiền hỗ trợ dầu của chính phủ hàng quý, mới cầm cự được, nếu có bị lỗ lấy khoản tiền dầu chính phủ đập qua” - chủ tàu và thuyền trưởng Lương Công Xuyên, phường 6, TP Tuy Hòa nhẩm tính.
Tiền dầu chiếm khoảng 80% tổng chi phí cho một chuyến đi câu cá ngừ đại dương. Chạy tàu từ bờ ra Trường Sa, rồi chạy vào lại bờ sẽ tiêu tốn trên dưới 100 triệu đồng tiền dầu. Ngư dân khai thác cá ngừ đại dương tỉnh Phú Yên đã nghĩ ra cách ở lại hai tháng liên tục trên biển. Ông Xuyên liệt kê: “Trước đây, hai tháng đi hai chuyến biển, mất 200 triệu đồng tiền dầu. Bây giờ, hai tháng đi một chuyến biển, thời gian ở lại sản xuất trên biển gần 60 ngày, tròn hai trăng, coi như “cắt” lỗ được 100 triệu đồng. Trường Sa giống như “nồi cơm” của ngư dân, nên cứ ra đó đánh hoài”.
100% tàu đánh cá xa bờ đã gắn máy giám sát hành trình
“100% tàu đánh cá xa bờ của tỉnh Phú Yên đã gắn máy giám sát hành trình có kết nối với hệ thống quản lý tàu đánh cá ngành thủy sản. Bật màn hình lên sẽ đếm được số lượng tàu đang đánh bắt ở ngư trường xa, như quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, khu vực bãi Tư Chính, Phúc Nguyên... của Việt Nam. Từ năm 2019 đến nay, tỉnh Phú Yên không có tàu đánh cá nào vi phạm vùng biển của nước ngoài. Đội tàu đánh cá xa bờ là lực lượng đóng góp công sức bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc vững chắc”, Đại tá Nguyễn Thanh Hương, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên thông tin.
Đa số lao động trên tàu câu cá ngừ đại dương được trả tiền công theo sản phẩm đánh bắt được, tàu đánh có lãi mới được chủ tàu chia tiền. Còn tàu bị thua lỗ coi như không có đồng nào. Chủ tàu nuôi bạn ăn uống trên tàu suốt cả hành trình khai thác, bạn vẫn móc mồi và thả câu cá ngừ, đồng thời câu mực thêm ở bên cạnh. Được bao nhiêu mực bạn để riêng vào bờ bán chia nhau, chủ tàu không được hưởng đồng nào từ mực. Nhờ có tiền câu mực mới “giữ” chân bạn ở lại hai tháng liên tục ngoài khơi xa, tàu cập bờ mỗi người bạn chia tiền mực 10-20 triệu đồng. Sản lượng cá ngừ có lãi sẽ được chia thêm phần trăm. Nhiều chuyến biển chủ tàu bị thua lỗ mấy chục triệu đồng, cũng “bấm bụng” đưa bạn vài triệu đồng tiền công.
TP Tuy Hòa có 332 tàu câu cá ngừ đại dương, hình thành nhiều đội nhóm tàu tương trợ lẫn nhau. Thời điểm từ ngày 10 đến 20 âm lịch hằng tháng, tàu cập vào cảng Đông Tác bán cá, rồi lấy nhiên liệu, lương thực đi biển tiếp. Tàu nào đã “chịu” được hai trăng trên biển sẽ đưa tàu về cảng bán cá và nghỉ ngơi. Nếu tàu trong đội nhóm mới đi biển 10-20 ngày, có vài tạ cá, không thể chạy tàu vào bờ bán được, gửi sang tàu bạn chở cá vào cảng. Tàu ở lại dài ngày trên biển, cần mua thêm lương thực, thực phẩm, rau xanh... nhắn người nhà mua gửi tàu đưa ra. Tàu nào hết dầu thì ghé vào các đảo ở Trường Sa mua, giá bán giống như ở đất liền. Nhờ cách làm linh hoạt này, tàu câu cá ngừ ở Tuy Hòa xoay vòng lẫn nhau, đủ sức ở lại đánh bắt lâu ngày ở Trường Sa.