Kiêu hãnh mai vàng Thế Chí Tây

Với dân làng Thế Chí Tây (xã Điền Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), những cây mai vàng là niềm tự hào về hương sắc của đất trời. Không những vậy, cây mai đã giúp đời sống kinh tế của bà con ngày càng phát triển. Cảnh quan ngôi làng được điểm xuyết bằng hình ảnh hoa mai chứa đựng ý nghĩa sâu sắc về sự trường tồn, thịnh vượng. Mai nở trong vườn báo hiệu mùa xuân sắp về bên hiên ngõ.
0:00 / 0:00
0:00
Mai vàng Thế Chí Tây khoe sắc.
Mai vàng Thế Chí Tây khoe sắc.

Về làng xem mai vàng trước ngõ

Vừa đặt chân đến cổng làng Thế Chí Tây, một dãy dài những cây mai cao ngang tầm ngực được trồng thẳng tắp như xác định rằng, chúng tôi đã đến đúng làng hoa mai xứ Huế. Ở làng này, nhà nào ít thì trồng hơn chục cây mai, còn những nhà chuyên trồng mai để bán thì nhiều vô kể. Một cách tính đơn giản là khoảng mười mét vuông đất ở Thế Chí Tây thì có một cặp mai vàng.

Huế vừa trải qua đợt mưa lụt cuối năm. Sau mấy trận mưa dài ngày, không khí trong lành khiến những khu vườn mai thêm lắng đọng. Nhìn từng bộ gốc mầu nâu sẫm chắc khỏe, phía trên là tán lá non cùng nụ kim mơn mởn, các chủ vườn mai nghĩ chắc bụng vụ hoa Tết sắp đến sẽ nở đúng thời điểm năm cũ chuyển sang năm mới.

Là thành viên trong Chi hội hoàng mai Phong Điền, ông Nguyễn Đăng Lý (70 tuổi) cho biết, việc khảo sát cây mai và khu vực trồng của các hội viên được thực hiện liên tục qua từng năm. Theo đó, tiêu chuẩn để một hộ dân gia nhập Chi hội là phải sở hữu gốc mai cổ và đúng giống hoa mai năm cánh. “Nói đến hoa mai ở làng này, bắt buộc phải là hoa mai nở ra năm cánh. Các cánh nằm sát vào nhau. Nếu hoa nở nhiều hơn năm cánh thì đã bị lai giống. Đây là dấu hiệu tạo nên tên tuổi của mai vàng Thế Chí Tây”, ông Lý khẳng định.

Thật vậy, khi khảo sát những người chơi hoa mai ở khu vực thành phố Huế (cách làng Thế Chí Tây khoảng 30 km) và các huyện lân cận thì họ đều mua cây con ở Thế Chí Tây. Có lẽ, tính xưa cũ hàng trăm năm của mai vàng Thế Chí Tây có một sức hút lạ kỳ. Vậy còn điều gì thể hiện tính độc đáo của hoa mai Thế Chí Tây? Đó là quá trình cây “ngủ đông” chờ Tết và thế long giáng. Từ đầu tháng 2 đến tháng 10 âm lịch là thời kỳ cây sinh trưởng, ra lá, phù hợp cho việc tạo dáng và uốn thế cho cây. Từ tháng 10 đến giữa tháng 12 âm lịch là giai đoạn cây “ngủ đông”, rụng lá, không hút dưỡng chất trong đất. Ở giai đoạn “ngủ đông”, nếu bón phân vào gốc mai sẽ ảnh hưởng đến quá trình nở hoa trong dịp Tết.

Khoảng 50 năm trước, ông Lý bắt đầu trồng hoa mai. Thời điểm đó, việc tạo thế long giáng cho cây mai rất kỳ công. Những khóm tre trong làng trở thành vật liệu chính cho quá trình uốn thân và cành mai. Cọc tre sau khi vót tròn được cắm cố định xuống đất. Người uốn dùng sợi lạt tre buộc chặt phần gốc, thân, cành mai non theo ý của mình. Trải qua thời gian, sợi kim loại đồng hoặc kẽm được thay thế cho tre. Bước phát triển này đã hỗ trợ rất nhiều cho các chủ vườn uốn cây. Thế long giáng chỉ thật sự đẹp khi từng cặp cành có độ cong giống nhau, đối xứng tạo ra hình dáng một con rồng có phần lưng, bụng, móng vuốt và râu uyển chuyển. Khi quan sát tổng thể một chậu mai Thế Chí Tây, dáng vẻ đậm chất quý tộc xưa sẽ hiện lên rõ nét.

“Dù là tre hay kẽm thì quy trình uốn thân cây mai phải bảo đảm để thân cây nằm ở trên, bộ khung nằm dưới. Nếu làm sai cách, thân cây mai sẽ bể, có thể làm chết cả cây. Tất cả kinh nghiệm uốn mai, chọn thời điểm ra hoa được người dân Thế Chí Tây truyền từ đời này sang đời khác chứ không có trong sách vở nào cả. Hoa mai Thế Chí Tây sẽ nở đúng thời điểm khi được tưới nước theo công thức một ngày tưới, một ngày nghỉ. Nếu cây thiếu nước, nó sẽ ra hoa rất sớm”, ông Lý nói.

Trong vườn của ông Lý có một cây mai được trồng trực tiếp ra đất. Đó là cây mai có dáng song long (rồng mẹ cõng rồng con) trên một thân cây. Ngoài dáng vẻ quyền uy của hình tượng rồng thì tình mẫu tử được thể hiện tinh tế giúp cho giá trị khu vườn mai tăng lên nhiều lần. Ông Lý cho biết, sẽ không bán cây mai song long này. Đó là dấu ấn và điều kiện để vườn mai của ông được công nhận thuộc Chi hội hoàng mai Phong Điền.

Phát triển kinh tế từ hoa mai

Làng Thế Chí Tây được thành lập cách đây khoảng 400 năm. Lịch sử của làng gắn liền với nghề trồng mai. Theo đó, các thế hệ dân làng nối tiếp nhau gìn giữ nguồn gen mai vàng. Đến nay, có khoảng 70 hộ dân đang trồng mai cảnh truyền thống. Thừa Thiên Huế đang nỗ lực xây dựng hình ảnh địa phương gắn liền với danh xưng xứ sở mai vàng Việt Nam. Ngày 28/12/2018, làng nghề mai cảnh Thế Chí Tây được công nhận là làng nghề truyền thống theo Quyết định số 3078/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây được xem là bước ngoặt quan trọng để người trồng mai mạnh dạn đầu tư, phát triển kinh tế.

Nhìn vào những gốc mai bắt đầu chớm nở vài cánh hoa, thấp thoáng đâu đó là sự tận tụy, đam mê từ sâu thẳm của chủ vườn. Hiện tại, vườn mai vàng của ông Lý có tổng cộng 160 gốc mai, trong đó có khoảng 100 gốc được trồng trong chậu. Hoa mai trồng trong chậu là những cây sẽ bán. Số còn lại dùng để duy trì nguồn cây giống và tạo dấu ấn riêng cho vườn. Giá bán một gốc mai 5 năm tuổi trở lên sẽ dao động từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Theo đó, mỗi vụ Tết, ông Lý thu về khoảng 200 triệu đồng. Đã từng có những người sưu tầm sẵn sàng bỏ ra gần nửa tỷ đồng để hỏi mua một gốc mai long giáng nhưng ông Lý nói rằng, ông chỉ bán khi cái duyên thật sự đến.

Người làng Thế Chí Tây có một quan niệm rằng, khi một người chơi hoa mai thì tính cách của họ toát lên vẻ hiền hậu, khiêm nhường. Và chỉ khi đó, cây mai mới có đủ điều kiện trổ những cánh hoa đẹp nhất. Dưới ánh nắng đầu ngày, anh Nguyễn Văn Tám (45 tuổi) tranh thủ dọn dẹp mấy chậu mai của mình. Nhẹ nhàng lật từng lớp vải bố che phần gốc mai, anh Tám thủng thẳng nói, mỗi gốc mai sẽ có tốc độ phát triển khác nhau. Những gốc mai được trồng trong chậu thì không thay đất. Do vậy, phía trên phần rễ cây thường được phủ một lớp vải bố hoặc vỏ dừa khô nhằm hạn chế đất bị rửa trôi.

Anh Tám nhận định: “Điều kiện thổ nhưỡng của làng chúng tôi thuận lợi để trồng hoa mai là vì đất ven biển có độ tơi xốp nhất định. Có những cây mai mới 3 năm tuổi đã cao gần 2 m, đủ điều kiện uốn thân. Tuy nhiên, mai vàng rất sợ hai căn bệnh là nấm xanh và nấm hồng. Chỉ cần mắc bệnh nấm hồng vài ngày thì cả cây mai sẽ hoại tử dần và chết. Người yêu hoa mai không bao giờ muốn nhìn thấy cảnh đó”.

Hơn 30 năm chăm sóc vườn mai của mình, anh Tám sưu tầm thêm những gốc mai ngót nghét 100 năm tuổi. Nhờ đó, khu vườn này thuộc nhóm vườn mai kiểu mẫu ở Thế Chí Tây. Ước tính, giá trị kinh tế của gần 10 “cụ mai” ở vườn nhà anh Tám sẽ nằm ở mức hàng tỷ đồng. Quyết tâm giữ các “cụ mai”, anh Tám hiểu rõ chúng chứa đựng công sức, kinh nghiệm uốn nắn của những thế hệ đi trước.

Càng về những ngày cuối năm, lượng người đến Thế Chí Tây xem và tìm mua hoa mai tăng dần. Trực tiếp ngắm nhìn những gốc mai long giáng 7 năm tuổi, anh Đoàn Công Quốc Tuấn, trú phường An Cựu, thành phố Huế nhận xét kiểu dáng của mai vàng Thế Chí Tây rất thú vị. Giá trị thật sự của một cây mai vàng không chỉ nằm ở mầu sắc hoa, kiểu dáng cây mà còn thông qua kinh nghiệm sống, tính cách của chủ vườn.

“Ở những gốc mai tôi từng xem, người ta tạo hình theo kiểu lò xo từ dưới lên, rất dễ thực hiện. Gốc mai của làng Thế Chí Tây lại thể hiện rõ sự công phu, sức lao động của người uốn trong suốt nhiều năm. Một điều ấn tượng của mai Thế Chí Tây chính là triết lý cung đình, triết lý của vùng đất Huế. Chúng ta chơi cây nhưng khi có thêm các chi tiết mang dáng vẻ của rồng, phượng hay Phúc - Lộc - Thọ sẽ tạo cảm giác mới lạ. Trong đó ẩn chứa một chút khắt khe, cầu kỳ của người Huế”, anh Tuấn nói.

Vài năm trở lại đây, thu nhập của dân làng Thế Chí Tây còn đến từ việc cho thuê hoa mai trong những ngày Tết. Khách thuê mai sẵn sàng bỏ ra hàng chục triệu đồng để thỏa đam mê ngắm nhìn chậu mai vàng trổ hoa. Như tâm sự của ông Nguyễn Đăng Lý, nghề trồng hoa mai là “làm chơi ăn thật”. Định hướng xứ sở mai vàng nằm ở tương lai. Còn hiện nay, hoa mai vàng Thế Chí Tây đang sống một cuộc đời đầy kiêu hãnh.