Kiện tướng lái tàu

Lái tàu hỏa là một trong những nghề đặc thù bởi trong mỗi hành trình đều tiềm ẩn yếu tố khó lường. Rất nhiều lái tàu đã trở thành những tấm gương sáng, nhiều lần được tặng danh hiệu “Kiện tướng an toàn chạy tàu” bằng lòng yêu nghề, kinh nghiệm và bản lĩnh.
0:00 / 0:00
0:00
Kiện tướng lái tàu
Kiện tướng lái tàu

Tuân thủ các “nguyên tắc vàng”

Đứng bên đầu máy, anh Phạm Quang Thành, công tác tại Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội (thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam), chia sẻ: “Đầu máy như một người bạn mà xí nghiệp giao cho. Sau khi kết thúc hành trình, tôi phải chăm sóc anh bạn này thật tốt, để bảo đảm an toàn cho chuyến đi sau”.

Sinh năm 1970, anh Thành có thâm niên 25 năm lái tàu và đã năm lần được tặng danh hiệu “Kiện tướng an toàn chạy tàu”. Suốt những năm tháng làm việc, chẳng ít lần anh phải đối mặt giây phút cam go bởi phía trước, hai bên tàu bao hiểm nguy rình rập, ảnh hưởng đến mạng sống của chính người lái, người dân và tài sản nhà nước, tài sản nhân dân.

Được biết, anh Thành là con của lái tàu Phạm Quang Trung - một người có nhiều thành tích trong “nghiệp hỏa xa”. Là “dân gốc Hà Nội”, sau thời gian đi nghĩa vụ quân sự, anh về học và trở thành lái tàu có nhiều kinh nghiệm của Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội. “Tôi được thừa hưởng tố chất của bố nên có sự nhạy cảm trong nghề. Ngoài ra, mẹ cũng làm trong xí nghiệp, nên từ nhỏ tôi đã sống bên nhà ga, bên những đoàn tàu, tiếp xúc với các chú lái tàu và thích nghề lái từ nhỏ. Thế nhưng, khi đã chọn nghề lái tàu đồng nghĩa với việc họ phải sẵn sàng cho mọi chuyện có thể xảy ra”, anh Thành tâm sự.

Để đạt danh hiệu “Kiện tướng an toàn chạy tàu”, phải đạt 120 nghìn km an toàn (cộng liên tục thời gian lái không để xảy ra tai nạn) và năm xét duyệt đạt Lao động tiên tiến. Với rất nhiều lái tàu, để đạt danh hiệu ấy từ năm đến bảy lần là chuyện vô cùng khó, bởi chỉ một tai nạn nhỏ xảy ra cũng có thể bị trừ điểm. Để bảo đảm cho mỗi hành trình an toàn, trước hết, mỗi lái tàu phải bảo đảm những “nguyên tắc vàng”: tự giác chấp hành kỷ luật lái tàu, bảo đảm sức khỏe và phải có bản lĩnh nghề nghiệp. Anh Thành chia sẻ: “Tôi xác định đi làm là phải làm thật tốt chứ không vì danh hiệu. Trên mỗi chuyến đi đều phải căng mình ra và chẳng nói trước được điều gì. Chuyến nào đi an toàn là biết chuyến đấy, phải đến khi hoàn thành một hành trình, bước xuống đất an toàn rồi mới thở phào nhẹ nhõm”.

Trước đây, anh Thành lái tàu tuyến Hà Nội-Hải Phòng, Hà Nội-Lạng Sơn, thời gian gần đây anh được điều chuyển sang lái tuyến Hà Nội-Đà Nẵng. Theo anh Thành, thời điểm lái tàu ngại nhất là vào ban ngày qua những khu dân cư, nơi có nhiều đường ngang, lối mở bất hợp pháp. Cụ thể là từ ga Hà Nội đến thành phố Phủ Lý (Hà Nam), rồi đoạn Quán Hành-Vinh (Nghệ An) có rất nhiều lối đi tự mở mà người lái không thể lường hết những hiểm nguy. Thêm nữa, mật độ phương tiện tham gia giao thông ngày càng đông đúc, đặc biệt không ít trường hợp người dân thiếu ý thức, vi phạm quy định an toàn giao thông, cố tình vượt qua rào chắn, đi qua đường sắt không quan sát… khiến cho những người lái tàu càng thêm căng thẳng, có lúc ngộp thở.

Cũng là người yêu nghề, anh Đinh Đức Huy (sinh năm 1975) vinh dự năm lần được phong danh hiệu “Kiện tướng an toàn chạy tàu”, chia sẻ: “Được sống bên những đoàn tàu từ nhỏ, bố mẹ hướng dẫn, tôi đã 28 năm theo nghề. Nếu bây giờ xa đầu máy một ngày là nhớ lắm”. Song anh Huy không nhớ đã bao ngày lễ, Tết xa nhà, bởi càng vào dịp nghỉ lễ, Tết, càng phải tăng cường phục vụ vận tải. “Cũng may, tôi có người vợ tảo tần chăm lo cho gia đình, con cái để tôi an tâm công tác. Có những thời điểm, khi tôi đi làm sớm thì vợ con vẫn ngủ, tối muộn khi về nhà thì con cái cũng ngủ rồi, nên ít khi gặp nhau. Biết là vợ con thiệt thòi, nhưng vì công việc nên tôi vẫn động viên cả nhà, là cần cố gắng và phải biết hy sinh”, anh Huy bộc bạch.

Kiện tướng lái tàu ảnh 1

Mỗi chuyến tàu an toàn, đúng giờ là hạnh phúc của người lái tàu. Ảnh: LÊ MINH

An toàn, đúng giờ là hạnh phúc

Mỗi chuyến tàu, nhiệm vụ của lái tàu là có mặt ở phòng trực ban trước khoảng một giờ để kiểm tra lại các thông số kỹ thuật của tàu, quy trình, giấy phép rời ga, cơ quan chức năng đo nồng độ cồn trong hơi thở để xem có đủ sức khỏe, tỉnh táo hay không. Sau mỗi hành trình, các lái tàu sẽ bảo dưỡng, chăm sóc đầu máy.

Thực tế, các kiện tướng lái tàu ngoài tuân thủ những “nguyên tắc vàng” cũng cần sự nhạy cảm. Khi tham gia giao thông, mắt luôn dõi phía trước và hai bên. Tai phải đủ thính để dù tiếng động cơ máy, tiếng bánh sắt siết trên mặt ray ầm ầm nhưng vẫn đoán biết được những sự cố bất thường. Chỉ sơ suất vài chục giây là có thể không xử lý kịp những tình huống xấu. Nếu chẳng may xảy ra va chạm, tai nạn, có người tử vong thì day dứt, tâm lý bị ảnh hưởng hằng tháng trời. Có trường hợp người lái tàu phải bỏ việc vì ám ảnh do gặp tai nạn giao thông.

Anh Đinh Đức Huy, tâm sự: “Với người giàu kinh nghiệm, nhìn ô-tô đi qua đường sắt là có thể đoán biết được lái xe ô-tô có biết được tàu đang tới gần hay không. Khi lái tàu đoán biết người lái ô-tô không nhận biết nguy hiểm, sẽ có thời gian hãm tàu từ xa. Có lần, tôi nhìn thấy người đứng trên đường sắt nghe điện thoại mà còi mãi vẫn không di chuyển, tôi phải xử lý hãm. Đến khi đầu máy dừng sát người đó, tôi thò đầu ra gọi to mới giật mình chạy vội ra”.

Anh Nguyễn Lộc Thọ, công nhân Xí nghiệp đầu máy Sài Gòn, từ một lái phụ, đã dấn thân, nỗ lực liên tục để có thành tích cao, được đơn vị xét đủ điều kiện trở thành lái chính. Song, dù là lái phụ hay chính, anh Thọ đều luôn nhiệt thành, hết mình phục vụ. Anh và đồng nghiệp luôn tâm niệm, mỗi chuyến tàu đi-về an toàn, đúng giờ là hạnh phúc của người công nhân lái tàu. Đến nay anh đã ba lần được tặng danh hiệu “Kiện tướng an toàn chạy tàu”. “Qua quá trình làm việc, tôi thấy ý thức của người dân ta khi tham gia giao thông còn kém. Có khi họ trồng cây sát đường sắt, dạo chơi, cho trẻ em chơi, chăn thả gia súc bên đường sắt… Các cơ quan chức năng cần tích cực tuyên truyền, để người dân nghiêm chỉnh chấp hành quy định về an toàn giao thông”, anh Thọ mong mỏi.

Trong thực tế, có những tình huống dù người lái đã cố gắng làm tất cả các thao tác nhanh, chuẩn được học và tích lũy kinh nghiệm, nhưng vẫn không ngăn được tình huống đâm va. Anh Nguyễn Cảnh Dương (Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội, nay đã nghỉ hưu), người có 32 năm lái tàu và bảy lần được tặng danh hiệu “Kiện tướng an toàn chạy tàu” cho rằng, người lái tàu không thống kê những vụ tai nạn mình chứng kiến hoặc trải qua, nhưng có những vụ tai nạn nghiêm trọng, ám ảnh, rất khó để quên.

Ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Văn Thủy, Phó giám đốc Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội, chia sẻ: “Chúng tôi luôn tuyên truyền, khích lệ anh em lái tàu an toàn. Nếu chẳng may có va chạm thì cố gắng giảm thương vong. Ngoài ra, chúng tôi có chỉ tiêu lái khéo, để có thêm một sự hỗ trợ, giúp động viên tinh thần anh em”.

Bên kia, một hồi còi tàu đang rền vang để vào Đà Nẵng. Chuyến tàu đó chở theo rất nhiều hành khách, hàng hóa. Người dân có quyền hy vọng vào “tay lái lụa” của những kiện tướng đầy trách nhiệm và lòng say nghề.

Ông Thủy giải thích về chỉ tiêu lái khéo: Tức là mỗi chuyến đi đều xác định được mức độ tiêu tốn nhiên liệu. Nếu người lái có kinh nghiệm, hiểu được mặt cắt của đường, có kỹ năng hãm tàu tốt, mà vẫn cung đường đó lại thừa nhiên liệu, thì qua tính toán, xí nghiệp sẽ cộng thưởng vào lương.