Giữ lấy di sản kiến trúc thời bao cấp (kỳ 2)

Kỳ 2: Tìm sức sống mới cho kiến trúc thời chưa xa
0:00 / 0:00
0:00
Năm 2023, Hà Nội đã tổ chức thành công Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm (quận Long Biên).
Năm 2023, Hà Nội đã tổ chức thành công Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm (quận Long Biên).

Từ kinh nghiệm quốc tế và một số “phép thử” của cộng đồng sáng tạo trong nước cho thấy, để đô thị phát triển bền vững, cần tạo ra giá trị mới gắn với quá trình bảo tồn và phát huy giá trị những đặc trưng vốn có. Công trình kiến trúc là công cụ lưu giữ ký ức hiệu quả nhất, góp phần thể hiện bản sắc đô thị riêng biệt và định danh thương hiệu thành phố.

Ứng xử đúng mực với kiến trúc bao cấp

Khai thác các công trình kiến ​​trúc thời bao cấp dưới góc độ tài nguyên và nguồn lực để phát triển kinh tế, văn hóa và du lịch được cho là chìa khóa mở lối cho một số công trình công nghiệp cũ tại Hà Nội như khu Cao-Xà-Lá, Nhà máy Dệt kim Đông Xuân, Nhà máy Bia Hà Nội… Điển hình, năm 2023 Hà Nội đã tổ chức thành công Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm (quận Long Biên). Di sản công nghiệp 120 năm tuổi được biến hình thành không gian nghệ thuật sáng tạo, thu hút hơn 200 nghìn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm trong 12 ngày diễn ra lễ hội. Complex 01 được tái thiết từ Nhà máy in Công đoàn là hình mẫu trong chuyển đổi hạ tầng công nghiệp chế tạo thời bao cấp sang không gian mới, vừa lưu giữ ký ức cũ, vừa phát triển bền vững và đóng góp vào nền công nghiệp sáng tạo.

Ở nhiều nước phát triển, các công trình công nghiệp cũ không chỉ là đối tượng của bảo tồn, mà còn là điểm tựa văn hóa, là động lực cho phát triển kinh tế sau khi chuyển đổi thành bảo tàng, sân khấu biểu diễn, tổ hợp văn hóa, giải trí… Tổ hợp văn hóa nghệ thuật 798 Art zone ở Bắc Kinh (Trung Quốc) được tái thiết trên nền tảng một khu liên hợp nhà máy điện tử thuộc sở hữu nhà nước. Tại một số nước Đông Âu, nhiều công trình công cộng đã được xây dựng trong thời kỳ xã hội chủ nghĩa. Theo thời gian và sự thay đổi chế độ chính trị, nhiều công trình đã bị dỡ bỏ, nhưng một số kiến trúc thời kỳ này vẫn được bảo tồn nguyên trạng như là cách để lưu giữ ký ức về một thời kỳ lịch sử. Kulturpalast Dresden, cung văn hóa được xây dựng trong thời kỳ Cộng hòa Dân chủ Đức là một điển hình. Đây là hội trường đa năng lớn nhất ở thành phố Dresden mở cửa vào năm 1969. Theo thời gian, tòa nhà bị hư hại, cần phải được cải tạo trong thời gian ngắn hoặc đóng cửa vĩnh viễn. Chính quyền Dresden quyết định bảo tồn Kulturpalast và cung văn hóa này hoạt động trở lại vào năm 2017 sau 5 năm cải tạo với một phòng hòa nhạc mới. Tầng hai vẫn là nơi phổ biến để đọc sách và nhắc nhở độc giả về quá khứ thông qua bức tranh tường “Unser sozialistisches Leben” (Cuộc sống xã hội chủ nghĩa của chúng ta).

Trong ba đối tượng của kiến trúc thời bao cấp (công trình công nghiệp, công trình công cộng, nhà tập thể), việc “ứng xử” với các khu nhà tập thể thời bao cấp trong nội đô cũng đang là mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội. Có thể nói, đây là những khu vực tập trung nhiều ký ức nhất về thời kỳ bao cấp; cũng là nơi tập trung dân cư đông, trải đều trong các quận nội thành. Tại đây, có thể thấy, việc cải tạo diễn ra đơn lẻ. Để thay đổi tổng thể, cần có quy hoạch đồng bộ và tầm nhìn dài hạn.

Các di sản kiến trúc thời bao cấp mang phản ánh một giai đoạn lịch sử rất quan trọng với Hà Nội. Đối xử với nhóm công trình này như thế nào là cả vấn đề lớn. Theo KTS Lê Thành Vinh, nguyên Viện trưởng Bảo tồn di tích, các kiến trúc thời bao cấp là cả một không gian chiếm lĩnh trong đô thị và không thể biến nó thành một chỗ chỉ để ngắm nhìn. Nói như vậy không có nghĩa chúng ta sẽ đào thải nó. Những không gian đó phải được chọn lọc, sử dụng theo cách nhất định và tham gia một cách tích cực, hữu cơ vào không gian đô thị hiện nay.

Gần đây, cộng đồng mạng thế giới ngạc nhiên và thích thú khi hình ảnh chung cư cà-phê Nguyễn Huệ (Quận 1, TP Hồ Chí Minh) được nhiếp ảnh gia Samsara Tran chụp và đăng tải trên fanpage National Geographic UK. Hàng chục cửa hàng trong khu nhà tập thể cũ 9 tầng này đã tạo thành mặt tiền không gian ấn tượng, lung linh trên con phố đi bộ Nguyễn Huệ trong đêm, trở thành điểm “phải đến” của rất nhiều du khách trong và ngoài nước. Mô hình cho thấy, việc lưu giữ và cải tạo tốt sẽ biến di sản thành tài sản, vừa giới thiệu, bảo tồn được di sản quá khứ vừa thổi được “hơi thở” đương đại trong lòng di sản.

Khi di sản tăng sức đề kháng

Đối với các công trình công cộng, bên cạnh một số công trình hiện đang được bảo tồn khá tốt và cơ bản giữ được hình ảnh ban đầu như Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt-Xô, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, Trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư… một số công trình được bảo tồn không đúng tinh thần và nguyên lý tạo hình thời đó. Cung Thiếu nhi Hà Nội nằm tại số 36-38 phố Lý Thái Tổ là công trình văn hóa lớn của thời kỳ bao cấp, di sản kiến trúc có giá trị đặc biệt. Khi xây dựng cung thiếu nhi mới tại khu đô thị Cầu Giấy, quận Nam Từ Liêm, đã có ý kiến đập bỏ công trình cũ hoặc biến ngôi nhà chung của bao thế hệ thiếu nhi Thủ đô thành không gian khác. Ngay khi đó, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã có ý kiến cần giữ lại công trình này để bảo tồn nguyên trạng. Theo KTS Vũ Hiệp, trong thời điểm dân số ngày càng tăng như hiện nay, Cung Thiếu nhi nên được giữ lại để tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng tài năng nghệ thuật, vừa là nơi sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật cho các thế hệ thiếu nhi Thủ đô. Nếu bắt buộc phải chuyển đổi mục đích sử dụng, cần giữ được hình ảnh về mặt kiến trúc để gợi được ký ức của công trình biểu tượng văn hóa Thủ đô một thời kỳ. Chúng ta cần nghiên cứu kỹ lưỡng cách xử lý kiến trúc như thế nào và tính khả thi trong chuyển đổi chức năng bên trong công trình.

Trong khi chờ đợi những hoạch định cụ thể từ phía chính quyền, các khu tập thể đã trở mình để thích nghi với thời đại. Nhiều căn hộ lắp ghép nhỏ nhắn ẩn mình trong các khu nhà tập thể Giảng Võ, Kim Liên, Nghĩa Tân… đã chuyển đổi công năng, từ nhà ở chuyển sang các mô hình kinh doanh. Không gian sáng tạo Ơ kìa Hà Nội của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp nằm ở tầng 5 khu tập thể Ngọc Khánh là điểm hẹn kết nối nghệ thuật với công chúng. Cư Xá cà-phê trong khu tập thể trên phố Tôn Thất Tùng hoài cổ với ô mai hoa đào, máy điện tử bấm nút… Tại các không gian văn hóa, nghệ thuật này thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và thưởng thức ẩm thực. Không chỉ thu hút các bạn trẻ hào hứng trải nghiệm các không gian thưởng trà, nghe nhạc, ngắm tranh trong không khí hoài cổ, yên bình, các không gian sáng tạo này còn lọt vào cẩm nang du lịch, hấp dẫn du khách nước ngoài tìm đến khám phá, trải nghiệm theo lối sống và cách thụ hưởng của người bản địa.

Các công trình kiến trúc tiêu biểu vừa có tiềm năng, vừa có lợi thế cho phát triển văn hóa, du lịch. Theo PGS, TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, kiến trúc thời bao cấp, đặc biệt là các khu tập thể cũng là một di sản. Chúng ta có thể nghiên cứu, phân loại một số tòa nhà của thời bao cấp như khu tập thể Kim Liên, ở đó có rất nhiều câu chuyện để kể và bảo tàng hóa một tầng trong khu nhà đó. Ông chia sẻ, đến nay, tôi không thấy một phương án nào nói về bảo tồn trong các quy hoạch cải tạo và sử dụng các khu nhà này như một di sản kiến trúc sống cho hôm nay và tương lai.

Đã 5 năm Hà Nội được công nhận là thành phố sáng tạo của UNESCO. Chính quyền và nhân dân thành phố đã nỗ lực để thành phố chuyển mình mạnh mẽ. Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm nay, Cung Thiếu nhi Hà Nội cũ được coi như tâm điểm của tuyến lễ hội, là địa điểm diễn ra các hoạt động cộng đồng. Những dấu tích của thời bao cấp đã bắt đầu được nhìn nhận đúng hơn, có nhiều tiềm năng để phát huy giá trị, phục vụ chiến lược phát triển Hà Nội, hướng đến nền kinh tế sáng tạo, giàu bản sắc văn hóa. Cùng di sản kiến trúc thời Pháp, kiến trúc truyền thống bản địa, kiến trúc thời bao cấp hòa nhịp tạo thành một vùng di sản có cuộc sống trong xã hội đương đại. Trong thời gian tới, hy vọng chính quyền Hà Nội sẽ có những quyết sách và hành động phù hợp để phát huy giá trị khối di sản kiến trúc giai đoạn này, thiết thực đóng góp cho sự phát triển chung của thành phố.

(Còn nữa)

Giữ lấy di sản kiến trúc thời bao cấp (kỳ 1)