Kỳ 1: Những công trình mang dấu ấn
Trong bối cảnh đan xen chiến tranh và hòa bình, mạng lưới cơ sở giáo dục, văn hóa, thể thao thời bao cấp đã mang tầm nhìn nhiều thập kỷ. Vừa nhanh chóng khôi phục kinh tế, đẩy mạnh sản xuất và xây dựng chủ nghĩa xã hội, chỉ một thời gian ngắn, Hà Nội đã có cơ sở vật chất tối thiểu như trung tâm công nghiệp sản xuất quy mô lớn, tiêu biểu là cụm công nghiệp Cao-Xà-Lá, vừa có trung tâm văn hóa-thể thao với Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt-Xô, Cung Thiếu nhi Hà Nội, sân vận động Hàng Đẫy và các khu tập thể Kim Liên, Thành Công, Giảng Võ… mang đậm dấu ấn nếp sống cộng đồng, tạo nên diện mạo một Hà Nội phát triển.
Di tích lưu trữ ký ức thời bao cấp
Trong hồi ức nhiều người sinh trưởng tại Hà Nội, dấu ấn thời kỳ bao cấp rõ nét nhất đọng lại ở các khu nhà tập thể. Sinh ra và lớn lên ở khu tập thể Kim Liên, quận Đống Đa, chị Trần Hoài Giang không quên tuổi thơ gắn bó với chiếc cầu thang bộ hun hút và lũ bạn í ới gọi nhau xuống sân tập thể nhảy dây mỗi chiều. Thỉnh thoảng cuối tuần, chị Giang cùng lũ trẻ trong khu theo bố mẹ đi bộ sang Trường đại học Bách khoa xem chiếu bóng. Không chỉ riêng chị Giang, ký ức tập thể đẹp đẽ và những tháng ngày sinh hoạt hè tại Cung Thiếu nhi Hà Nội là một phần không thể quên đối với lứa trẻ lớn lên trong lòng thành phố khi đó, cũng như nhiều thế hệ thiếu nhi gắn bó với Thủ đô.
Ông Nguyễn Trọng Tân, năm nay 80 tuổi, ở quận Hà Đông cho biết: Thời bao cấp đất nước khó khăn vô cùng, nhưng Nhà nước đã xây dựng Cung Thiếu nhi rất lớn. Tính ưu việt của chế độ thể hiện rõ trong sự chăm lo cho thế hệ mầm non. Những năm 1980, khu tập thể Kim Liên nơi tôi ở, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội rất đồng bộ. Chỉ trong bán kính 2-3 km, khu dân cư phức hợp này đầy đủ các công trình phúc lợi, từ nhà trẻ, mẫu giáo, trạm y tế, bệnh viện, chợ, cửa hàng cắt tóc, cửa hàng ăn uống, bách hóa, bưu điện... Các con tôi lớn lên ở đây, đi bộ đến Trường tiểu học Kim Liên mỗi ngày. Sân vận động ngay cạnh trường. Chợ Kim Liên sầm uất, đáp ứng đủ nhu cầu đời sống lúc bấy giờ.
Với nhiều người thế hệ 6X, 7X 8X, những khu nhà tập thể, cửa hàng bách hóa, quầy hàng mậu dịch phân phối hàng hóa theo hình thức tem phiếu… là kỷ vật của thời bao cấp vừa thân thương vừa nhọc nhằn. Không chỉ gắn với những thương hiệu “mạnh” lúc bấy giờ như phích nước Rạng Đông, pin Con thỏ của Nhà máy Pin Văn Điển, chăn con công… Hà Nội thời kỳ đó còn có những công trình mang bản sắc kiến trúc Việt Nam, với quy mô vừa phải, đường nét gần gũi với văn hóa dân tộc, phù hợp địa hình và thời tiết của Hà Nội.
Các nguồn tài liệu cho biết, thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất phát triển kinh tế quốc dân giai đoạn 1960-1965, Hà Nội nhanh chóng xây dựng các công trình nhà ở, công nghiệp như Nhà máy Bóng đèn phích nước Rạng Đông, Nhà máy Dệt 8/3, Điện cơ Thống Nhất, Nhà máy in Tiến Bộ, Phân lân Văn Điển, nhà máy Pin, Dệt kim Đông Xuân, bê-tông Chèm, Xí nghiệp Dược phẩm II... Rất nhiều công trình giai đoạn này được sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa. Năm 1961, Trường đại học Bách khoa Hà Nội xây dựng với sự viện trợ của Liên Xô (trước kia). Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt-Xô là một trong những công trình kiến trúc văn hóa biểu trưng cho tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam-Liên Xô, do kiến trúc sư Isakovich, người Liên Xô thiết kế và nguồn tài chính do Hội đồng Trung ương các Công đoàn Liên Xô trao tặng. Khách sạn Thắng lợi trên đường Yên Phụ, quận Tây Hồ được xây dựng những năm đầu thập niên 1970, do Đảng Cộng sản và nhân dân Cuba dành tặng Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
Được xây dựng để khắc phục hậu quả chiến tranh và phục vụ công cuộc xã hội chủ nghĩa, hàng loạt công trình công cộng, nhà máy, khu công nghiệp nhanh chóng thành hình như khu công nghiệp Thượng Đình, khu công nghiệp Chèm, nhà máy sản xuất diêm, các cơ sở giáo dục như Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), Trường đại học Thủy lợi, Sân vận động Hàng Đẫy… và các khu nhà ở tập thể Kim Liên, Trung Tự, Nam Đồng, Nghĩa Tân, Thành Công… đáp ứng nhu cầu thiết yếu của nhân dân lao động lúc bấy giờ.
Góp nên bản sắc văn hóa đô thị Hà Nội trong dòng chảy và phát triển, nhóm công trình này cần được nhìn nhận là các di sản lưu giữ một phần ký ức Hà Nội. Nhưng trong xây dựng thương hiệu và phát triển nguồn lực cho thành phố, chưa có quy hoạch và kế hoạch bảo tồn toàn diện và tầm nhìn cho nhóm kiến trúc này.
Những tiếc nuối khi mất đi ký ức
Một sáng tháng 3/2020, nhiều người dân không khỏi tiếc nuối khi bức phù điêu tại ngã tư Bạch Mai-Minh Khai, phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng bị dỡ bỏ để phục vụ dự án giải phóng mặt bằng xây dựng đường vành đai 2. Tác giả bức phù điêu là họa sĩ tranh cổ động Trường Sinh, thực hiện vào những năm 80 của thế kỷ trước. Bức phù điêu liên minh Công-Nông-Trí đánh dấu mốc phát triển đô thị, đặc biệt là thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sau gần 40 năm tồn tại, công trình không còn đứng giữa ngã tư chợ Mơ.
Tương tự, Nhà máy In Tiến Bộ tại 175 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội cũng được di dời khỏi nội đô vào tháng 6/2019. Được thành lập ngày 8/9/1946, từng đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm, nhưng cơ sở sản xuất này được thay bằng dự án thương mại Tiến Bộ Plaza đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện. Nhiều công trình công nghiệp có giá trị quan trọng với lịch sử Hà Nội như Nhà máy cơ khí Hà Nội tại 72 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân nay là khu đô thị Royal City; khu đất cũ của Nhà máy dệt 8/3 nay là khu đô thị Times City… Tiêu biểu cho nhóm công trình công nghiệp thời bao cấp là cụm công nghiệp Cao-Xà-Lá nằm trên đường Nguyễn Trãi với ba nhà máy Cao su Sao Vàng, Xà phòng Hà Nội và Thuốc lá Thăng Long; cùng Nhà máy Bóng đèn phích nước Rạng Đông, Công ty giày Thượng Đình… góp phần hình thành khu công nghiệp Thượng Đình cũng thuộc diện di dời theo chủ trương của thành phố.
Hiện hữu dày đặc trong không gian đô thị, nhưng nhóm công trình kiến trúc thời kỳ bao cấp chưa được nhìn nhận, đánh giá có hệ thống và định vị rõ nét. Theo các chuyên gia kiến trúc, cảnh quan và đô thị, xây dựng trong giai đoạn đất nước thiếu thốn mọi thứ, quy mô, hình khối cũng như chất liệu không ấn tượng. Tuy giá trị về kiến trúc của công trình kiến trúc thời bao cấp chưa đạt tới tầm để được công nhận là di sản, nhưng đây là những tài sản thuộc về quá khứ, có những giá trị lịch sử, văn hóa và mang nhiều giá trị tinh thần; là nhân chứng sống động về một giai đoạn thăng trầm của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Đề cao tính văn hóa và giá trị của các công trình cũ trong bối cảnh lịch sử đất nước thời kỳ đó, kiến trúc sư Vũ Hiệp, giảng viên Trường đại học Giao thông vận tải cho rằng: Hà Nội là một trong những thành phố ít ỏi trên thế giới có nhiều mô hình tập thể kiểu mẫu thời xã hội chủ nghĩa, nhà máy công nghiệp thời kỳ đầu, thể hiện cho khát vọng, mơ ước, đời sống xã hội.
Nhìn bao quát, về quy mô, từ khi tiếp quản năm 1954, Thủ đô Hà Nội chỉ rộng 152 km2. Qua bốn lần được điều chỉnh địa giới, đến nay, diện tích đã tăng lên 3.344 km2. Ở mỗi giai đoạn phát triển, diện mạo Thủ đô đều có những dấu ấn đặc thù, mà ở mỗi không gian di sản, dù nhỏ, đều kể những câu chuyện riêng có về lịch sử, về văn hóa, đời sống thị dân, là nơi mà thế hệ sau có thể trải nghiệm, có thể hoài cổ. Chị Lê Phương Liên ở quận Tây Hồ cho rằng: Đô thị cũng như cá nhân mỗi con người, cần phải có ký ức, đặc biệt ký ức nơi chốn rất quan trọng. Một ngôi nhà tuy cũ, nhưng có dấu ấn những người thân trong gia đình, ở những chiếc bàn, ghế, khung tranh, khung cửa sổ, thậm chí là mùi hương… Con người không gắn về một nơi chốn nào sẽ không có ký ức sâu sắc như bản sắc đô thị vậy, được bồi đắp dày dặn qua các lớp ký ức liên tục. Nếu các thế hệ qua đi, cái cũ bị đập bỏ, chỉ còn những thứ mới mẻ, chắc hẳn sống trong một thành phố không ký ức sẽ chơi vơi…
(Còn nữa)